Với mỗi đảng viên và tổ chức đảng, tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc cơ bản trong sinh hoạt đảng, là nội dung quan trọng của công tác xây dựng đảng. Gắn liền với quá trình trưởng thành và phát triển của Đảng ta, tự phê bình và phê bình là một nội dung phản ánh tính chất và trình độ dân chủ trong Đảng, đồng thời là yếu tố quan trọng góp phần duy trì đoàn kết thống nhất, phát huy cao độ khả năng lãnh đạo của Đảng trong thực hiện sứ mệnh lịch sử giao phó. Trong công tác xây dựng đảng, việc tổ chức thực hiện tốt tự phê bình và phê bình được coi là biện pháp hiệu quả và khoa học, góp phần củng cố, tăng cường bản chất giai cấp công nhân cuả Đảng, giữ gìn mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; là biện pháp thiết thực nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của từng tổ chức đảng. Thông qua tự phê bình và phê bình, bản chất tiền phong giai cấp công nhân của Đảng luôn được giữ vững và không ngừng phát triển, trình độ giác ngộ của đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng được nâng cao, phát huy tốt vai trò trách nhiệm và khả năng trong mọi lĩnh vực hoạt động.
Thực tiễn công tác xây dựng đảng cũng cho thấy, ở đâu tự phê bình và phê bình yếu hoặc không được thực hiện nghiêm túc thì ở đó năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng bị suy giảm, chất lượng công tác của cán bộ, đảng viên thấp, các biểu hiện tiêu cực không được đấu tranh khắc phục kịp thời và có hiệu quả. Đặc biệt là trong những năm gần đây, trước những diễn biến chính trị phức tạp trên thế giới và tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường kéo theo sự du nhập của văn hoá lối sống nước ngoài, các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống chính trị, sự chống phá của kẻ thù cùng với sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân v.v. đã làm suy giảm đáng kể sức chiến đấu của nhiều tổ chức đảng cơ sở; nhiều cán bộ, đảng viên bị biến chất, bị tha hoá trước những cám dỗ vật chất, đánh mất lòng tin của quần chúng, làm mất sợi dây liên hệ mật thiết, máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Chi bộ tốt là nhờ có đảng viên tốt. Nghĩa là, khả năng lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng cơ sở phụ thuộc vào yếu tố con người, hay nói cách khác, phụ thuộc vào chất lượng của đảng viên do tổ chức đảng cơ sở quản lý. Trong tình hình hiện nay, nhiệm vụ quan trọng của tự phê bình và phê bình phải được tập trung vào đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, làm rõ các mối quan hệ trong đời sống và hoạt động của cán bộ, đảng viên. Bởi vì, giống như mọi thành viên trong xã hội, đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày nay đang chịu sự tác động, chi phối của nhiều yếu tố, không chỉ là những tác động tiêu cực từ đời sống xã hội mang đến mà còn bởi sự xuất hiện của những vấn đề mới khiến nhận thức, tư tưởng và hành động của nhiều cán bộ, đảng viên không theo kịp; hoặc không dễ nhận thấy trong quá trình sàng lọc, tiếp nhận và trở nên thụ động trước các hiện tượng tiêu cực.
Hiện nay, chúng ta cũng thừa nhận rằng đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, đảng viên bị suy thoái nghiêm trọng với các biểu hiện như: tôn sùng chủ nghĩa cá nhân, sống thực dụng, cục bộ, ích kỷ, vụ lợi; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bòn rút của công, làm giàu bất chính ngày càng nghiêm trọng; lối sống xa hoa, hưởng lạc, kèn cựa địa vị, mất đoàn kết, thiếu trung thực, móc ngoặc, chạy chức, chạy quyền diễn ra phức tạp, tinh vi; nhất là trong một bộ phận cán bộ có chức, có quyền... Tất thảy đều trái với đạo đức, lối sống của người cộng sản. Những cán bộ, đảng viên biến chất đó đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh danh và uy tín của Đảng, phá hoại bản chất của Đảng, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng.
Trước tình trạng đó, hơn lúc nào hết cần phải huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị với những nội dung, biện pháp toàn diện và đồng bộ, trong đó tự phê bình và phê bình là biện pháp cơ bản, có ý nghĩa quyết định đối với công tác xây dựng đảng trong tình hình hiện nay. Đấu tranh tự phê bình và phê bình phải được tiến hành một cách kiên quyết, thường xuyên, liên tục trong mọi hình thức sinh hoạt và hoạt động của Đảng cũng như của cán bộ, đảng viên.
Để phát huy hiệu quả tự phê bình và phê bình cần phải thực hiện tốt dân chủ trong Đảng và trong bộ máy nhà nước. Hiện nay, việc thực hiện tự phê bình và phê bình đang chịu những ảnh hưởng và sức ép tiêu cực của tình trạng mất dân chủ. Ở nhiều nơi và trong nhiều tổ chức đảng cơ sở, tình trạng tập trung quan liêu, gia trưởng, dân chủ hình thức và dân chủ cực đoan đang tồn tại khá phổ biến và dù nhận thức theo góc độ nào thì về thực chất nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng đang bị vi phạm một cách nghiêm trọng. Hậu quả là, khi nguyên tắc tập trung dân chủ đã không được phát huy đầy đủ thì việc tổ chức tự phê bình và phê bình gặp nhiều khó khăn, không đem lại hiệu quả đích thực.
Cần phải nhấn mạnh thêm rằng, hiện nay, các hiện tượng hữu khuynh, né tránh, kém tính chiến đấu trong không ít cán bộ, đảng viên và tố chức đảng là một cản trở không nhỏ đến việc tiến hành tự phê bình và phê bình. Suy cho cùng, đó cũng là một biến tướng của chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng cơ hội và ở một khía cạnh khác, nó còn là hậu quả của hiện tượng độc đoán, chuyên quyền, định kiến, trù dập người phê bình của một số cán bộ có chức, có quyền. Do đó, tự phê bình và phê bình nếu tiến hành trong những tổ chức có nhiều người hữu khuynh, né tránh, thiếu quyết tâm và dũng khí của người cộng sản thì không thể đem lại hiệu quả mong muốn.
Trong mỗi tổ chức đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình về đạo đức, lối sống không chỉ đòi hỏi phải kiên quyết mà còn phải thận trọng và khéo léo. Bởi vì mỗi nội dung, biện pháp tự phê bình và phê bình đều liên quan trực tiếp đến phẩm chất, đạo đức, uy tín chính trị, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Phê bình và tự phê bình phải tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên thấy được khuyết điểm, xây dựng động cơ phấn đấu tiến bộ. Khi tổ chức phê bình và tự phê bình phải thận trọng, quán triệt rõ mục tiêu, yêu cầu, không nên để tự phê bình và phê bình trở thành cơ hội cho những người có động cơ cá nhân lợi dụng vu cáo, đả kích, hạ bệ người khác, gây mất đoàn kết nội bộ. Đặc biệt là trong thời gian tới, việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về chống tham nhũng, công khai hoá và thực hiện đúng các chế độ, chính sách đối với cán bộ; thực hiện quy định những việc đảng viên không được làm,… Đây cũng là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm giữ vững đạo đức, lối sống tốt đẹp của cán bộ, đảng viên. Nếu không được chuẩn bị tốt, thì tự phê bình và phê bình không những không đạt được kết quả mà còn làm giảm hiệu quả việc thực hiện các chủ trương đúng đắn đó, thậm chí còn gây nên những khó khăn mới cho quá trình thực hiện.
Với ý nghĩa ấy, trong thời gian tới, để thực hiện tốt tự phê bình và phê bình trong Đảng, trọng tâm là vấn đề đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên, theo chúng tôi cần thực hiện tốt một số biện pháp saur:
Một là, tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho mọi cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng và đầy đủ về ý nghĩa, nội dung, phương pháp của tự phê bình và phê bình; thấy rõ những thuận lợi và khó khăn phức tạp đang đặt ra, đặc biệt là xu hướng phát triển ngày càng tinh vi của các hiện tượng tiêu cực cũng như số lượng cán bộ, đảng viên vi phạm. Công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện phải bám sát những chủ trương, giái pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII, từ đó đề cao trách nhiệm, xác định các nội dung, biện pháp tiến hành tự phê bình và phê bình sát với thực trạng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở từng đảng bộ. Mỗi nội dung tự phê bình và phê bình xung quanh vấn đề đạo đức, lối sống, một mặt phải gắn với công việc, con người và tổ chức cụ thể, đặt trong điều kiện, hoàn cảnh, không gian cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong từng nội dung tiến hành. Mặt khác phải tìm rõ nguyên nhân, bảo đảm tính khách quan, làm cơ sở đế xem xét, xử lý chính xác từng trường hợp sai trái nhằm từng bước loại bỏ những nhận thức tư tưởng không đúng, những híện tượng tiêu cực trong bộ máy của Đảng và Nhà nước.
Hai là, từng tổ chức đảng phải duy trì tốt chế độ tự phê bình và phê bình, chuẩn bị tốt cả nội dung và phương pháp; xác định thời gian, nội dung cụ thể, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong triển khai thực hiện cần tuyệt đối giữ vững nguyên tắc sinh hoạt đảng, nhưng đồng thời tạo mọi điều kiện để cán bộ, đảng viên tự phê bình và phê bình, từ đó tập hợp, xem xét, thảo luận và biểu quyết một cách chính xác.
Ba là, kết hợp chặt chẽ tự phê bình và phê bình trong nội bộ đảng với động viên quần chúng tham gia phê bình đảng viên, tổ chức đảng. Đây là nội dung, biện pháp rất quan trọng không những phản ánh trực tiếp mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng, kiểm nghiệm uy tín của Đảng và của cán bộ, đảng viên mà còn chi phối trực tiếp đến giá trị và hiệu quả của tự phê bình và phê bình trong Đảng trong tình hình hiện nay. Việc tổ chức cho quần chúng tham gia ý kiến phê bình đối với các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên phải chặt chẽ, đúng nguyên tắc, có mục đích, nội dung rõ ràng, tạo điều kiện để quần chúng góp ý kiến một cách tự nhiên, thoải mái, thực sự dân chủ với ý thức xây dựng cao, phản ánh đúng và chân thực những gì quần chúng quan sát được cả mặt tốt và mặt chưa tốt của cán bộ, đảng viên, nhất là về đạo đức, lối sống. Các tổ chức đảng và chính quyền cơ sở phải tiếp thu các ý kiến đóng góp của quần chúng một cách chân thành, cầu thị và giải đáp thấu đáo những vấn đề quần chúng yêu cầu. Trong từng trường hợp cụ thể cần kết hợp ý kiến phê bình của quần chúng với ý kiến phê bình, tự phê bình trong nội bộ tổ chức đảng để xem xét và kết luận, bảo đảm tính chính xác và khách quan.
Bốn là, phải gắn tự phê bình và phê bình với công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý kỷ luật. Cán bộ cấp trên, cán bộ chủ trì, cấp uỷ viên các cấp phải thực sự gương mẫu trong tự phê bình và phê bình. Cùng với xử lý kỷ luật phải có nội dung, biện pháp giúp đỡ cán bộ, đảng viên vi phạm khuyết điểm phấn đấu sửa chữa và tiến bộ.
Trong tự phê bình và phê bình phải chống cách làm qua loa đại khái, hình thức, chiếu lệ, phê bình xong rồi lại đâu vào đấy. Đặc biệt, phải chú ý khắc phục hiện tượng hữu khuynh, né tránh, kém tính chiến đấu, che giấu khuyết điểm hoặc bao che, chạy tội. Nghiêm cấm hiện tượng trấn áp, trù dập, vô hiệu hoá người phê bình hay phân biệt đối xử, định kiến với người có ý kiến thuộc về thiểu số. Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc những hiện tượng lợi dụng phê bình để vu cáo, đả kích cá nhân, gây nghi ngờ và mất đoàn kết nội bộ.
Trần Thông
Học viện Chính trị- Quân sự - Bắc Ninh