Phấn đấu để "chính tâm"

Khi tiếp xúc với một số cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thời gian gần đây, người viết bài này thấy có một nhận xét giống nhau là: Sau một thời gian tiến hành tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4  khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” thì tình hình có vẻ trầm lắng. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng không tuyên truyền sôi nổi, rầm rộ như trước đây. Lý giải về hiện tượng này có nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng, cuộc vận động hiện đang đi vào chiều sâu, sau khi đã tuyên truyền quán triệt, tự phê bình và phê bình trong các tổ chức đảng, cá nhân đảng viên. Có ý kiến thì lý giải rằng, Đảng còn phải tập trung vào thực hiện nhiều nghị quyết, giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng khác nữa chứ không thể chỉ có một nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Lại không ít ý kiến lo sợ tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, “đánh trống bỏ dùi” xảy ra ở không ít tổ chức, cấp ủy như một số cuộc vận động trước đây v.v.

Nhớ lại cách đây tròn 60 năm, khi Đảng ta tiến hành “chỉnh Đảng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một số bài nói mà nội dung các bài này vẫn mang tính thời sự, có ý nghĩa đối với việc giải quyết một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Một trong những vấn đề đó, theo Bác là “chính tâm”. Trong bài nói tại Lớp chỉnh Đảng Trung ương khóa 2 (tháng 3-1953) Bác ví trong bản thân mỗi con người đều có “hai phe: một phe thiện và một phe ác. Hai phe cùng đấu tranh với nhau. Nếu đấu tranh để phe thiện thắng thì phe ác phải bại. Nếu không đấu tranh mà để cho phe thiện bại thì là hỏng”. Trong bài nói chuyện ở Lớp chỉnh Đảng Trung ương khóa 3, Bác giải thích: “Thiện là làm đúng chính sách của Đảng, phục vụ quyền lợi đại đa số nhân dân, thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, để lợi ích cách mạng, nhân dân lên trên hết, trước hết; trái lại là cái ác. Hai cái đó luôn tranh đấu nhau. Không ít cán bộ, đảng viên phạm tham ô, lãng phí, quan liêu; đó là phe ác nó thắng phe thiện”. Ngày nay khi nói về hai phần thiện và ác trong mỗi  người, chúng ta thường cắt nghĩa theo quan điểm triết học mác xít là hai mặt đối lập, đấu tranh lẫn nhau trong một hiện tượng sự vật, luôn luôn tồn tại và đối lập trong suốt quá trình phát triển. Chính vì vậy, muốn cải tạo mình để cái thiện thắng cái ác cũng phải trưởng kỳ đấu tranh gian khổ, không dễ dàng một sớm một chiều có thể phân thắng bại. Điều này cắt nghĩa tại sao khi bước vào xây dựng nền kinh tế thị trường, nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao, bị cám dỗ mua chuộc bởi tiền tài, vật chất, địa vị xã hội, sắc đẹp... Đó là khi cái ác đánh bại cái thiện trong những cán bộ, đảng viên ấy. 

Cũng như cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa đạt yêu cầu đề ra. Vừa qua, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã ra mắt với 16 thành viên đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư thì “tất cả 16 thành viên Ban chỉ đạo phải là 16 tấm gương về giữ gìn đạo đức lối sống, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào, không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào. Chúng ta phải cam kết với nhau, mỗi thành viên phải là một tấm gương về liêm khiết, trung thực, công tâm, khách quan, nếu không dân không tin”và “tay đã nhúng chàm thì không thể chống được tham nhũng”. Thế nhưng cũng không nên quá kỳ vọng có Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thì tình hình tham nhũng, lãng phí có thể chấm dứt ngay. Nhưng ít nhất chúng ta cũng hy vọng và tin tưởng rằng các bộ, ngành, tổ chức, cơ quan mà người đứng đầu là thành viên Ban chỉ đạo thì ở bộ, ngành, tổ chức đó từ nay sẽ hạn chế và giảm dần tiến tới không có hiện tượng tham nhũng xảy ra.

Trong bài nói của Bác tháng 3-1953, Người đã chỉ ra rằng: “Nếu chính mình tham ô mà bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”. Tuy nhiên, trong những năm qua, rất nhiều tổ chức, cấp ủy đảng luôn luôn đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh; rất nhiều tổ chức đảng có số đảng viên đạt danh hiệu “đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ” lên đến 95%, 100%. Ấy vậy mà tổ chức đảng vẫn không mạnh, tình hình tham nhũng, tiêu cực, lãng phí vẫn xảy ra, thậm chí có hiện tượng như nhiều người nhận xét “sờ đến đâu là có vấn đề ở đó”. Lý giải vấn đề này, cách đây tròn 60 năm, Bác Hồ đã khẳng định “đó là vì cái tâm mình không chính”. Bác Hồ ví kẻ địch trong mỗi con người “nó mạnh lắm” vì kẻ địch trong người “không thể dùng súng đạn mà bắn vào được nó; vì nó vô hình; vô ảnh, không dàn ra thành trận, luôn lẩn lút quanh ta. Nó khó thấy, khó biết, nên nó tránh. Nhưng đã biết việc phải thì kiên quyết làm” (...) “Làm không phải chuyện dễ” (...) nhưng “kiên quyết làm. Chính tâm là như vậy”. Và Bác nói tiếp “Muốn cải tạo xã hội thì lòng mĩnh phải cải tạo. Nếu lòng mình không cải tạo thì đừng nói đến cải tạo xã hội. Lòng mình còn tham ô, lãng phí muốn cải tạo xã hội làm sao được”.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất