Uy tín của cán bộ, đảng viên

Hiện nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên giảm sút về uy tín, thậm chí còn tha hóa về phẩm chất, năng lực, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín tập thể, niềm tin của quần chúng nhân dân. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI nhìn thẳng vào sự thật và chỉ ra: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu… làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”1. Đặc biệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Đây là sự xuống cấp nghiêm trọng về phẩm chất, năng lực, làm giảm sút uy tín của người cán bộ, đảng viên.

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên là nòng cốt. Nếu họ không có đủ uy tín sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân cần đội ngũ cán bộ, đảng viên có tài đức. Những người đảm nhận chức trách, quyền hạn ở mọi cấp mọi ngành từ Trung ương đến cơ sở, đại diện cho lợi ích của quần chúng nhân dân mà không có đủ uy tín, mất uy tín trước dân có tác hại to lớn không thể lường hết.Vì vậy cần phải nâng cao uy tín cho cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã chỉ rõ: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu của tình hình mới”[1].

Để đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay có uy tín, hoàn thành nhiệm vụ, cần phải làm tốt một số biện pháp cơ bản sau đây:

Một là, phải trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng

Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu trong tu dưỡng phấn đấu của mỗi cán bộ, đảng viên. Phẩm chất chính trị, đạo đức là kết quả của sự kết hợp hài hòa biện chứng giữa đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị. Trong tình hình hiện nay, phẩm chất chính trị của cán bộ, đảng viên chính là sự hiểu biết sâu sắc Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu do Đảng đề ra dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, không hoang mang dao động về chính trị tư tưởng, có niềm tin vào sự nghiệp đổi mới đất nước, có bản lĩnh chính trị, nhạy bén, luôn nêu cao cảnh giác, có thái độ đúng đắn trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế - xã hội, phân biệt rõ đối tượng, đối tác. Nếu không có tầm nhìn xa, rộng, chỉ thấy lợi trước mắt, cục bộ địa phương mà quên đi lợi ích dân tộc, lợi ích giai cấp, lợi ích của nhân dân thì đó là nguy cơ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên sẽ góp phần tạo nên sức mạnh của uy tín, sự thống nhất ý chí, hành động của Đảng, bảo đảm cho Đảng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa cách mạng đến thắng lợi. Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam trong đấu tranh giành chính quyền và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cho thấy, khi nào Đảng thể hiện được bản lĩnh chính trị vững vàng, độc lập, sáng tạo thì cách mạng phát triển thuận lợi, giành được những thắng lợi to lớn. Để xứng đáng với vai trò đó, vấn đề hàng đầu trong việc đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng hiện nay là “Nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của Đảng”.

Đạo đức cách mạng là cái gốc của người cán bộ, là nội dung quan trọng của phẩm chất chính trị, đạo đức. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đức là đạo đức cách mạng, đó là cái gốc rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”[2]. Đó  là lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, luôn kiên định sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Do đó trong khi coi trọng hàng đầu phẩm chất chính trị đồng thời coi trọng trau dồi, củng cố và phát triển đạo đức cách mạng. Phấn đấu, tu dưỡng theo đạo đức mới, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn sự đoàn kết, có lối sống giản dị trong sạch, không xa hoa lãng phí, thực dụng chủ nghĩa… Những phẩm chất này phải tu dưỡng thường xuyên, bền bỉ trong mọi điều kiện hoàn cảnh. Trước diễn biến phức tạp của đời sống xã hội, trong nước và quốc tế,  đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên phải gắn liền với hành động cụ thể. Đó là phải đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa thực dụng, với tham nhũng và các tệ nạn xã hội làm tổn hại đến thanh danh và uy tín của Đảng và chế độ ta.

Hai là, nâng cao trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ

Thực tế cho thấy, ở bất kỳ lĩnh vực nào, muốn nâng cao uy tín của mỗi cán bộ đảng viên thì cần phải thường xuyên nâng cao trình độ năng lực. Chất lượng hiệu quả công việc phụ thuộc vào trình độ năng lực của người cán bộ, đảng viên, hay nói cách khác chất lượng hoàn thành nhiệm vụ chính là thước đo năng lực của người cán bộ. Sinh thời Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc rèn đức, luyện tài cho mỗi cán bộ, đảng viên, Bác nói: “Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa không giúp ích được gì ai”[3]. Tình hình hiện nay, một số cán bộ, đảng viên trong đó có không ít cán bộ quản lý, lãnh đạo yếu về năng lực nhất là năng lực quản lý, điều hành, năng lực tổ chức, năng lực lãnh đạo. Đánh giá về năng lực công chức của đơn vị mình, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.Hà Nội cho biết, có khoảng 30% số công chức làm việc tốt, 35% số công chức viên chức khá và trung bình; số còn lại chưa yên tâm khi giao công việc. Có đến 20 - 30% số công chức đang hưởng lương nhà nước nhưng không đáp ứng được công việc được giao.

Thời đại luôn vận động và phát triển, cuộc sống luôn biến đổi, nhiệm vụ yêu cầu luôn mới đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng phấn đấu tự học, tự rèn nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu mới, cán bộ, đảng viên mới được quần chúng tín nhiệm, tin yêu và ảnh hưởng uy tín của họ mới rộng rãi và có tác dụng to lớn cuốn hút quần chúng, khẳng định niềm tin và giá trị trước quần chúng.

Ba là, tích cực rèn luyện tác phong công tác phù hợp

Là cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ chủ trì phải đảm nhận vị trí người đứng đầu, muốn hoàn thành nhiệm vụ có chất lượng hiệu quả thì cần phải có phong cách, tác phong công tác phù hợp. Đó là phong cách làm việc có kế hoạch, hiệu quả, chính xác, tỷ mỷ, sâu sát, cụ thể tránh đại khái, qua loa, quan liêu, hình thức. Người cán bộ, đảng viên cần phải có phong cách, tác phong dân chủ, vì tập thể. Luôn luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của quần chúng và cấp dưới, luôn xuất phát từ lợi ích của tập thể, của xã hội, vì quyền lợi chung, vì dân vì nước để có quyết định đúng đắn kịp thời, chính xác. Đây là điều cốt yếu trong phong cách lãnh đạo, quản lý mà còn không ít cán bộ chúng ta chưa làm tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra thiếu sót của cán bộ, đảng viên về phong cách lãnh đạo, đó là: “… Phải khắc phục hiện tượng thiếu tập thể, thiếu dân chủ, khắc phục tác phong quan liêu mệnh lệnh, phải nghe ngóng ý kiến của cán bộ và nhân dân”[4]. Trong thực tế, cán bộ cần cảnh giác với phong cách quản lý kiểu độc đoán, gia trưởng tác phong làm việc quan liêu, xa dân nhưng đồng thời cũng phải rèn luyện, thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Nghĩa là phải dám nghĩ, dám làm, quyết đoán, chịu trách nhiệm về các quyết định và hành động của mình nhưng không mất dân chủ. Không được định kiến, hẹp hòi mà phải khoan dung, đại lượng, biết xử sự có lý có tình, vẫn giữ nguyên tắc mà không quan liêu, hách dịch, không làm mất lòng dân. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ rõ: Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân.

Thực tế đòi hỏi mỗi cán bộ phải thực sự gương mẫu, nói đi đôi với làm, phải có tinh thần tập thể  cao cả, tinh thần “lo trước thiên hạ vui sau thiên hạ”; phải công bằng với mọi người, công tâm, chính tâm… thì dân sẽ tin, sẽ phục và làm theo.

Năm là, tự giáo dục, tự rèn luyện

Đây là giải pháp quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp trong việc hình thành và phát triển, hoàn thiện nhân cách, nâng cao uy tín của người cán bộ, đảng viên. Đó chính là phát huy nội lực. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra con đường cơ bản tự vươn lên hoàn thiện mình, phải học tập, rèn luyện bền bỉ suốt đời. Để tu dưỡng, rèn luyện đạt kết quả, đòi hỏi trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình. Người dạy “Chỉ có không ngừng đấu tranh, phê bình và tự phê bình, nhận rõ đúng sai, phát huy cái đúng, khắc phục cái sai mới có thể làm cho mình, cho Đảng, cho cách mạng tiến bộ mãi”[5]. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi phẩm chất cách mạng, đồng thời phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, bài trừ bệnh quan liêu, xa rời quần chúng, phải thực sự là người đầy tớ, là công bộc của nhân dân. Do vậy, phải ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng, củng cố lập trường giai cấp công nhân, nâng cao trình độ chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phát huy truyền thống cách mạng tốt đẹp của dân tộc ta, tuyệt đối chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật nhà nước. Dù cương vị nào phải luôn gương mẫu, phải tự nhận thức được những ưu điểm và khiếm khuyết của mình để tự giác, tự xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu, thời gian sửa chữa, học tập, rèn luyện, tu dưỡng để hoàn thiện nhân cách. Quá trình tự hoàn thiện, tự giáo dục, tự  rèn luyện không phải nhất thời mà là quá trình tự giác phấn đấu thường xuyên, liên tục, có có mục đích, có kế hoạch, theo dõi, bám sát tình hình để điều chỉnh, thích nghi với công việc, với thời cuộc và hợp với lòng dân, ý Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sát hợp với chức năng, nhiệm vụ công tác của mình.

Tóm lại, nâng cao uy tín của người cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay là vấn đề hết sức quan trọng, góp phần hoàn thiện bộ máy nhà nước, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng.

Ths Nguyễn Văn Công
Biên Hoà,Đồng Nai



1 Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, Tr.173.[1] S®d, tr.252. [2] Hồ Chí Minh, toàn tâp, t.11, Nxb CTQG, H, 2000, tr.329. [3] Hồ Chí Minh, toàn tập, T8, Nxb CTQG, H, 1996, Tr. 184. [4] Hồ Chí Minh, toàn tập, T8, Nxb CTQG, H, 1996, Tr. 275.[5] Hồ Chí Minh, toàn tập, T8, Nxb CTQG, H, 1996, Tr.352.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất