Ngày 23-12-2022 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị 22/CT-TTg về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Trước đó ngày 18-11-2022 thay mặt Ban Bí thư đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư ký Chỉ thị số 19-CT/TW về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023.
Một trong những nội dung quan trọng trong hai văn bản trên là: Các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước thực hiện nghiêm việc không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, hai chỉ thị đều: nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định; không tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan; chỉ dự lễ chùa, lễ hội khi được phân công.
Với nội dung trên, liệu cơ quan, địa phương, nào còn dám tổ chức đoàn đi chúc Tết? Nếu được thực hiện nghiêm chỉnh không chỉ giảm rất nhiều chi phí ngân sách nhà nước, tiết kiệm cả thời gian và vật chất mà còn ngăn chặn biếu, tặng quà “trên mức tình cảm”.
Biếu, tặng quà Tết là truyền thống văn hoá của dân tộc. Từ xưa đến nay, khi Tết đến, xuân về dù giàu hay nghèo, ai cũng có quà Tết biếu, tặng thể hiện sự quan tâm, hiếu thảo, tình thân của con cái với cha mẹ, ông bà, anh chị em với nhau, thầy trò, bạn bè thân thiết, đồng nghiệp… Đối với nhiều cơ quan, doanh nghiệp, biếu, tặng quà Tết thể hiện quan tâm, chăm lo đời sống các đối tượng chính sách, người lao động, tri ân sau một năm vất vả. Đó là nét đẹp văn hoá của dân tộc.
Tuy nhiên, càng ngày quà Tết ngày càng biến tướng, trở nên tiêu cực. Đối với tuyệt đại đa số người dân, biếu, tặng quà Tết vẫn giữ được nét đẹp văn hoá thì đối với không ít người, trong đó có những cán bộ, đảng viên biến biếu, tặng quà Tết thành đưa hối lộ, mưu cầu lợi ích cá nhân. Chẳng hạn, Đinh Quốc Thái - cựu Chủ tịch tỉnh Đồng Nai, khai tại toà trong 14 lần nhận hối lộ 14,5 tỉ đồng, chủ yếu là nhận quà chúc Tết. Cụ thể là Tết Nguyên đán các năm 2010, nhận 1 tỉ đồng, năm 2011 nhận 500 triệu đồng, năm 2012 nhận 1 tỉ đồng, năm 2014 nhận 2 tỉ đồng, năm 2015 nhận 1 tỉ đồng, năm 2017 nhận 1 tỉ đồng. Trần Đình Thành - cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - cũng nhiều lần nhận tiến hối lộ qua hình thức biếu quà Tết. Đó thực chất là tham nhũng biến tướng được núp dưới hình thức biếu, tặng quà.
Tại sao pháp luật cấm, xã hội lên án nhưng người ta vẫn làm? Bởi có thể đó là những món quà để cảm tạ cấp trên khi đã tạo điều kiện cho lên chức, để được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong công việc, hi vọng sẽ được quan tâm, cất nhắc đưa vào diện quy hoạch, lên chức hay đón đầu những dự án lớn, công trình lớn sang năm mới mở thầu...? Người ta lấy cớ biếu, tặng quà Tết để hối lộ một cách kín đáo, bí mật, riêng tư, chỉ hai người biết, không dễ nhận biết lại càng khó phát hiện, xử lý trừ khi đương sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bị bắt, ra toà khai nhận.
Do đó, nếu chỉ cấm chưa đủ, trong thực tế không dễ thực hiện. Cần có nhiều biện pháp phòng ngừa từ xa. Một trong những giải pháp quan trọng là đánh giá chuẩn xác, đề bạt những người liêm khiết, có đủ phẩm chất đạo đức, bản lĩnh vào cương vị lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu. Người đứng đầu trong sạch, nghiêm khắc, kiên quyết không nhận, liệu cấp dưới có dám biếu, tặng? Đồng thời, tăng sức đề kháng trước cám dỗ cần cải tiến chính sách lương, thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, tương xứng với sự cống hiến, phục vụ của họ. Xây dựng thể chế minh bạch, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường lành mạnh, không xin - cho, làm việc, kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp không phải “bôi trơn”, biếu, tặng quà để được việc. Trong môi trường làm việc công khai, minh bạch, công bằng, trọng đức tài, kết quả công việc được đánh giá chính xác khi xét quy hoạch, đề bạt, liệu cán bộ, công chức, viên chức có cần phải biếu, tặng quà quá mức quy định? Công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kê khai tài sản của cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện có nền nếp, xử lý nghiêm các trường hợp tài sản hình thành không rõ nguồn gốc. Kết quả xử lý nghiêm khắc những vụ án nhận hối lộ, tham nhũng đã có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, làm chùn tay những ai vẫn muốn nhận quà quá quy định.
Việc từ chối, nộp lại quà biếu tặng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào đạo đức, tự giác của người được biếu, tặng. Do đó, cùng với áp dụng nhiều biện pháp trên, tự rèn luyện đạo đức, chế ngự lòng tham của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vẫn phải được coi trọng, đồng thời với thường xuyên giáo dục, cảnh tỉnh, răn đe, nhắc nhở của cấp trên, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, nơi sinh hoạt, công tác.
Đặng Khánh Chi