Đồng bộ giải pháp
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Phía trước Ngành Nội vụ còn rất nhiều việc phải thay đổi, bổ sung, đổi mới, hoàn thiện lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành (Bộ trưởng trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, chiều 4-11-2022) - Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Diễn đàn Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV (20-10 - 15-11-2022) không ít lần nóng lên việc cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc. Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo thống kê của Bộ Nội vụ tổng hợp từ các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố, tính từ 1-1-2020 đến 30-6-2022 số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc và thôi việc là 39.552, chiếm tỉ lệ 1,94%, Trong tổng số này, công chức có hơn 4.000 người, chiếm 1,98%; còn viên chức là 35.523, chủ yếu rơi vào hai đối tượng chính là giáo dục và y tế. Khối giáo dục có số người xin thôi việc là 16.427 người, chiếm 41,53%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 49%, độ tuổi dưới 40 chiếm khoảng 60%, 653 người có trình độ tiến sĩ, 4.018 thạc sĩ, khoảng 1.200 bác sĩ. Vì đâu nên nỗi?

Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, có nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chính. Trong đó, nguyên nhân cơ bản là lương không đủ trang trải cuộc sống. Năm 2019, ValueChampion, trang phân tích tài chính nổi tiếng có trụ sở tại Xin-ga-po, thực hiện một nghiên cứu về lương trung bình của giáo viên phổ thông trên 16 quốc gia và vùng lãnh thổ (ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ, Pháp). Họ so sánh lương giáo viên trung bình với GDP bình quân đầu người của mỗi quốc gia. Theo đó, lương giáo viên Việt Nam thấp nhất, đứng cuối trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ này. Cha ông ta đã tổng kết: Có thực mới vực được đạo. Thực chưa đủ, làm sao vực được đạo?

Thu nhập là nguyên nhân cơ bản nhưng không phải là duy nhất cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc. Nguyên nhân quan trọng nữa là môi trường làm việc chưa đủ thuận tiện để họ có thể phát huy hết năng lực, khả năng. Với đặc thù của đội ngũ trí thức nói chung, nhất là những người có trình độ tiến sĩ thì điều họ quan tâm nhất không chỉ là chế độ đãi ngộ, mà là môi trường làm việc và cơ hội cống hiến. Bởi nếu môi trường làm việc thuận lợi, họ có thể đạt nhiều thành tích, đóng góp tốt cho cơ quan, tổ chức thì tự khắc uy tín bản thân sẽ được nâng cao. Nhờ đó, các cơ hội gia tăng thu nhập sẽ tự khắc xuất hiện. Khác với các nước phát triển, đại đa số lao động có trình độ tiến sĩ ở nước ta đang làm việc cho khu vực công. Bởi thế, trước xu hướng ngày càng lớn mạnh của khu vực tư nhân, nguy cơ những tiến sĩ giỏi nghỉ việc Nhà nước để chuyển sang khu vực tư nhân ngày càng rõ.

Giải pháp nào? Để giải quyết vấn đề cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc phải có cái nhìn tổng thể, xem xét toàn diện và nhiều giải pháp đồng bộ. Trong nhiều pháp thì giải pháp cải tiến tiền lương giữ vai trò quan trọng. Chiều 11-11-2022 Quốc hội quyết nghị từ ngày 1-7-2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Đây là một giải pháp giảm bớt khó khăn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Một lợi ích khác của việc tăng lương công chức, viên chức là giảm thiểu hành vi tham nhũng vặt trong khu vực công. Giá trị của người lao động ở khu vực công không nằm ở giá trị vật chất mà họ tạo ra như người lao động ở doanh nghiệp. Họ tạo ra giá trị công phục vụ cộng đồng, quốc gia, dân tộc - những thứ không thể lượng hoá. Một nền hành chính công vững chắc là nền tảng để doanh nghiệp sáng tạo, quốc gia thịnh vượng. Để được như vậy phải thay đổi nhiều thứ, nhưng có thể bắt đầu từ việc tăng lương cho đội ngũ công chức, viên chức đang tận hiến với nghề. Đồng thời, người vào cơ quan nhà nước phải xác định động cơ, tư tưởng để cống hiến, phục vụ nhân dân, đất nước và chấp nhận một chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, không cao như khu vực tư. Tuy nhiên phải có tính cạnh tranh mức độ nhất định với khu vực doanh nghiệp.

Đồng thời với cải cách tiền lương phải xây dựng môi trường làm việc thuận lợi, trước hết tại đơn vị của mình thân thiện, văn hoá để cán bộ, công chức, viên chức cảm thấy yên tâm làm việc, có cơ hội học tập, phát triển năng lực chuyên môn, phát huy năng lực, sở trường. Hỗ trợ kịp về vật chất, tinh thần đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu khách quan, công bằng, đủ tâm và tầm. Cần xem xét tổng thể và toàn diện về công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng và phù hợp với tình hình mới.

Để giải quyết căn cơ vấn đề nhiều cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người có trình độ, năng lực, phẩm chất tốt xin thôi việc cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, các cơ quan có thẩm quyền Quốc hội sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII). Sớm xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng, các chuyên gia cho các ngành, lĩnh vực cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Hoàn thiện cơ chế khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Xây dựng môi trường làm việc năng động, công bằng, chuyên nghiệp, hiện đại.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất