Tại cuộc họp báo ngày 17-7-2018 về kết quả rà soát, kiểm tra kết quả thi quốc gia THPT bất thường tại Hội đồng thi Sở giáo dục và đào tạo Hà Giang, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết 114 thí sinh với hơn 330 bài thi có điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có điểm chênh lên hơn 20 điểm, cá biệt, có thí sinh tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm. Ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang là người trực tiếp sửa điểm các bài thi.
Không chỉ Hà Giang, ngày 18-7-2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ quyết định thành lập tổ công tác xác minh dấu hiệu bất thường trong điểm thi THPT quốc gia của hai tỉnh Lạng Sơn và Sơn La. Rồi đây những nghi vấn liệu một mình ông Vũ Trọng Lương có dám cả gan làm việc sai phạm tày trời này không hay còn ai nữa? Liệu chỉ có Hà Giang hay còn những đâu nữa có vi phạm tương tự? Những kẻ tha hoá, vi phạm trực tiếp hay gián tiếp, sẽ bị xử lý như thế nào? Những biện pháp nào sẽ được đề xuất thực hiện ngăn chặn vi phạm?...
Nhưng dù phương pháp nào được đưa ra và dù bằng phương tiện hiện đại đến đâu cũng sẽ vẫn tiếp tục bộc lộ những hạn chế nếu người thực hiện không phải người tử tế. Bởi phương pháp nào cũng do con người đề xuất và thực hiện. Từ người lãnh đạo đến người trực tiếp thực thi luôn quyết định sự thành bại trong từng vụ việc. Ai dám quả quyết kết quả sẽ trung thực, hoàn hảo nếu người thực thi chỉ có chuyên môn tốt mà không có phẩm chất đạo đức trong sáng? Chẳng phải trong thực tế công tác cán bộ, quy trình đề bạt cán bộ đúng nhưng không ít trường hợp chọn sai cán bộ đó sao?
Việc sửa điểm ở Hà Giang là việc làm gian dối trắng trợn, góp phần tạo ra lớp người không trung thực. Học sinh hôm nay là nguồn cán bộ tương lai. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, các em đã được chứng kiến, được lợi từ những việc làm gian dối của người lớn, liệu khi lớn lên, các em sẽ là những người trung thực? Kẻ không đủ đức, thực tài được nâng điểm, nâng đỡ để cuối cùng làm cán bộ lãnh đạo, quản lý chiếm chỗ của những hiền tài, xã hội sẽ ra sao? Sự tha hóa cũng từ đó, công bằng, niềm tin bị hủy hoại cũng từ đó, quốc gia tụt hậu, không thể sánh vai các cường quốc cũng từ đó.
Việc sửa điểm ở Hà Giang là vi phạm nghiêm trọng, nhưng đâu phải chỉ xảy ra trong lĩnh vực giáo dục? Dư luận đã chứng kiến nhiều vụ việc sửa tuổi, sửa bằng cấp, kê khai sai tài sản… được lôi ra ánh sáng. Tất cả cũng đều là việc làm gian dối chỉ có điều nó không xảy ra với số lượng lớn trong một vụ việc mà thôi. Chẳng hạn, nếu tiêu chuẩn đề bạt cán bộ được lượng hóa bằng điểm thì vụ bổ nhiệm thần tốc bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở Thanh Hóa từng dậy sóng dư luận cũng là một vụ nâng điểm gian dối mà vì thế không ít cán bộ lãnh đạo bổ nhiệm “không trong sáng” bà Quỳnh Anh bị xử lý kỷ luật.
Muốn triệt tiêu tận gốc sự gian dối đang trở thành căn bệnh nguy hiểm lây lan khắp nơi thì một trong những biện pháp quan trọng nhất là phải sửa từ trong ra ngoài, từ mỗi đảng viên, cán bộ, ngay tại mỗi chi bộ, tổ chức đảng. Là hạt nhân lãnh đạo, mỗi đảng viên, nhất là đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, người đứng đầu, các chi bộ, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, không lý gì sự gian dối có thể tồn tại và lây lan. Nước sạch từ nguồn là vậy.
Đặng Thu Nga