Ngày 11-3-2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng với ông Nguyễn Thanh Hoá, nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50 - Bộ Công an) về tội tổ chức đánh bạc, quy định tại khoản 2, Điều 249 - Bộ luật Hình sự năm 1999. Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang đã ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa.
Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã chủ động, tích cực chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố, điều tra vụ án "Tổ chức đánh bạc, đánh bạc, lừa đảo, rửa tiền" và báo cáo kết quả với Ban Bí thư. Ban Bí thư họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để nghe Đảng ủy Công an Trung ương và các cơ quan chức năng liên quan báo cáo kết quả điều tra vụ án: Ban Bí thư cho rằng, đây là vụ án có quy mô đặc biệt lớn, sử dụng công nghệ cao, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, nhiều địa phương, liên quan đến cán bộ của lực lượng công an, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Ban Bí thư yêu cầu Đảng ủy Công an Trung ương phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan, xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước, với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, khách quan, chính xác, đúng người, đúng pháp luật.
Vì sao Nguyễn Thanh Hóa từng trực tiếp chỉ huy các chiến sĩ, trinh sát điều tra xác minh hàng nghìn đầu mối liên quan đến tội phạm công nghệ cao, bóc gỡ hàng trăm vụ án lớn sử dụng Internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, triệt phá nhiều đường dây đánh bạc xuyên quốc gia dưới nhiều hình thức lại bị bắt vì phạm tội thuộc chính lĩnh vực mình phụ trách? Phải chăng lòng tham vô đáy không có điểm dừng và cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hiệu quả đã đưa Nguyễn Thanh Hóa vào vòng xoáy tội lỗi? Ở cương vị Thiếu tướng, Cục trưởng Bộ Công an, Nguyễn Thanh Hóa đâu có phải “túng ăn vụng, đói làm liều?” Phải chăng chính việc ăn chia 20% lợi nhuận từ số tiền làm ăn phi pháp (Nguyễn Văn Dương – một trong những đối tượng cầm đầu - khai đến thời điểm bị bắt, số này khoảng 800 tỉ đồng) đã khiến Nguyễn Thanh Hóa lóa mắt, bất chấp tất cả để có được món lợi đó?
Ở đâu có quyền lực, nơi đó phải có cơ chế giám sát, không để người có quyền lực lạm quyền, lộng hành. Phải chăng những quy định, quy chế trong tổ chức đảng và trong ngành là chưa đủ hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn Nguyễn Thanh Hóa ngang nhiên vi phạm? Là một đảng viên, cán bộ lãnh đạo, Nguyễn Thanh Hóa không thể không sinh hoạt đảng, không thể không chịu sự giám sát, kiểm tra của chi bộ, đảng bộ, liệu đã khi nào chi bộ, đảng bộ phát hiện, dù là dấu hiệu vi phạm? Phải làm gì để những vụ án như vụ án “Tổ chức đánh bạc, đánh bạc, lừa đảo, rửa tiền" không tiếp tục xảy ra? Lựa chọn được cán bộ tử tế, có bản lĩnh, không tham lam, biết kiềm chế, tiền tài, giàu sang không thể cám dỗ để trao quyền lãnh đạo, quản lý chính là bước đầu tiên phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả. Điều đó cần nhưng chưa đủ. Cần có cơ chế kiểm soát quyền lực, thiết chế quản lý có hiệu quả khiến cho muốn tham nhũng cũng không được, không thể vi phạm bởi kiểm soát chặt chẽ, giám sát thường xuyên. Nếu vi phạm, sẽ bị xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe.
Việc tước danh hiệu Công an nhân dân và bắt tạm giam Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thêm một bằng chứng thể hiện quyết tâm chống tham nhũng không có vùng cấm của Đảng dù người đó là ai, giữ chức vụ nào, là khẳng định sự bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân. Đồng thời đây cũng là bằng chứng cho thấy Đảng ta là đảng chân chính như Bác Hồ từng chỉ rõ: Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.
Thu Nga