Chủ Nhật, 7/10/2018 23:14'(GMT+7)
Đồng thuận
Ngày 3-10-2018 Hội nghị lần thứ tám BCH Trung ương Đảng khóa XII đã nhất trí 100% giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc trong tháng 10 năm nay.
Việc BCH Trung ương Đảng đề cử Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước là quyết định được đồng thuận cao trong Đảng và xã hội. Vì sao vậy?
Bởi đây là sự thể hiện cụ thể việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tổng Bí thư thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của người đứng đầu BCH Trung ương Đảng, đồng thời thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của người đứng đầu Nhà nước. Tổng Bí thư là người lãnh đạo quá trình đề ra các nghị quyết của Đảng và đồng thời trực tiếp lãnh đạo quá trình tổ chức thực hiện có kết quả các nghị quyết đó. Từ khâu ban hành đến tổ chức thực hiện do một người đảm nhận sẽ nhanh hơn, đồng bộ, linh hoạt, kịp thời hơn, tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết với tổ chức thực hiện, nâng cao vai trò, hiệu lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả trong quản lý đất nước, phục vụ nhân dân của Nhà nước.
Bởi đây là thể hiện cụ thể quyết tâm chính trị thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) “về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả’’, tạo sự đồng bộ, thống nhất từ Trung ương tới cơ sở. Mô hình mới về tổ chức bộ máy và bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã được thực hiện thí điểm trên quy mô toàn quốc đã đem lại kết quả tích cực.
Bởi đây không chỉ đã được thực hiện ở nước ta thời gian Bác Hồ làm Chủ tịch nước, mà còn là xu thế thời đại được thực hiện ở một số nước trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi trong đối ngoại, phù hợp thông lệ quốc tế.
Mô hình Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng đồng thời là Chủ tịch nước có nhiều ưu điểm nhưng vấn đề đặt ra là làm sao lựa chọn đúng nhân sự là vấn đề quan trọng hàng đầu. Tổng Bí thư là người chỉ đạo, điều hành các hoạt động của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện các công việc hệ trọng của Đảng, trong đó có việc quyết định các chủ trương lớn về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh đất nước, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược. Chủ tịch nước là người thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Do đó, khi một nhà lãnh đạo đảm nhiệm cả chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước đòi hỏi phải có những phẩm chất tiêu biểu nhất về trình độ và năng lực, uy tín, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, nhân dân trên hết, là trung tâm đoàn kết trong Đảng, các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước.
Đồng thời với lựa chọn đúng nhân sự phải thực hiện tốt Quy định "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương" mà Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XII vừa thông qua.
Đặng Thu Nga