Ngày 12-5-2018, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) bế mạc. Hội nghị đã thông qua ba nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ thời kỳ mới; cải cách chính sách tiền lương; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Trước đó, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây chẳng phải những vấn đề căn cốt, có liên quan chặt chẽ, đồng bộ thực hiện nguyên tắc tổ chức vì việc đặt người sao? Bộ máy tinh gọn, cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có chất lượng, đủ năng lực, phẩm chất chính là then chốt của mọi then chốt thúc đẩy đất nước phát triển bền vững, bảo vệ cuộc sống an bình của người dân.
Tuy nhiên, việc ban hành Nghị quyết chỉ là bước đầu tiên của quá trình tổ chức thực hiện không ít thử thách, khó khăn, bởi những yếu kém, hạn chế của công tác tổ chức cán bộ đã tồn tại rất lâu, được chỉ rõ nhưng chậm khắc phục. Chẳng hạn, tình trạng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đông nhưng chưa mạnh, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi hoặc tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ; lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái…đâu phải mới xuất hiện? Chẳng phải chính những yếu kém kéo dài đã là một nguyên nhân chính-nguyên nhân của mọi nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội, những bức xúc xã hội, lòng dân không yên bởi “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém" như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định?
Song, với quyết tâm chính trị, BCH Trung ương yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm. Đây chính là một nét mới so với Chiến lược cán bộ. Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền. Kiên quyết huỷ bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Cụ thể hoá để thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp.
Với điểm yếu nhất là đánh giá cán bộ, Trung ương yêu cầu đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác, có cơ chế tạo động lực cho đội ngũ cán bộ đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn… coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hoá quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Với thời gian nửa cuối của nhiệm kỳ khoá XII, Trung ương đặt nhiệm vụ cố gắng phấn đấu hoàn thành một bước việc thể chế hoá, cụ thể hoá Nghị quyết thành các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ theo quy hoạch, phù hợp với tình hình thực tế; từng bước thực hiện việc bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; hoàn thành việc rà soát, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng. Chủ động chuẩn bị nhân sự, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực sự tiêu biểu về trí tuệ, gương mẫu về đạo đức, lối sống. Xây dựng tiêu chuẩn và có kế hoạch, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách đối với các ủy viên dự khuyết TƯ Đảng.
Bằng việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, nhân dân kỳ vọng sẽ có đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.
Đặng Khánh Chi