Đây không phải cuốn sách Đắc nhân tâm nổi tiếng của tác giả Đên Ca-ni-giơ (Dale Carnegie) được Nguyễn Hiến Lê dịch sang tiếng Việt. Đây là văn bản số 1594/MTTW-BBT ngày 12-8-2011 của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Toà án nhân dân tối cao kiến nghị đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra chị Trần Ngọc Sương - nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu về tội danh “lập quỹ trái phép” và xử lý sai sót của chị trong lĩnh vực tài chính bằng các biện pháp hành chính và dân sự.
Năm ngoái, chị Trần Ngọc Sương bị Tòa án nhân dân TP.Cần Thơ xử phúc thẩm tuyên phạt 8 năm tù giam và bồi thường 4,3 tỉ đồng với tội danh “lập quỹ trái phép” khiến công luận bức xúc. Nhiều cơ quan, nhiều cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, những người đứng đầu cao nhất của các cơ quan pháp luật đã lên tiếng. Chưa có ở Việt Nam và chắc cũng hiếm thấy trên thế giới, có hàng trăm người nông dân làm đơn “xin đi tù thay” cho người bị xử. Toà án nhân dân tối cao đã chấp nhận kháng nghị của cơ quan công tố, tuyên hủy bản án hình sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân TP. Cần Thơ và bản án hình sự sơ thẩm Tòa án nhân dân huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) để điều tra lại từ đầu.
Vì sao có hiện tượng đó? Phải chăng chỉ vì chị đã từng là một Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, là Người phụ nữ ấn tượng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương? Phải chăng chị đã kế nghiệp xuất sắc người cha cũng là Anh hùng bắt đầu một sự nghiệp biến vùng đất hoang trở thành nông trường trù phú, mang lại ấm no cho hàng chục ngàn nông dân? Phải chăng chỉ vì lòng thương cảm của tình người trước một phụ nữ ốm đau, bệnh tật, không gia đình, không nhà cửa, bị dồn ép nhưng trước hiểm họa tù đày vẫn không hèn nhát trút trách nhiệm lên đầu người khác?
Đúng vậy. Nhưng chưa đủ. Chị có thể có một quá khứ anh hùng, có ơn nghĩa với nhiều người, có hoàn cảnh éo le, có khí phách mạnh mẽ, nhưng nếu có tội và được xét xử nghiêm minh, công bằng, thấu tình, đạt lý thì chắc chắn bản thân chị cũng tâm phục, khẩu phục. Có công thì thưởng, có tội thì phạt, thưởng đúng, phạt đúng, công bằng là điều cha ông đã dạy từ ngàn xưa, càng cần thực hiện trong nhà nước pháp quyền. Mọi người Việt Nam, từ dân thường tới các quan chức đều hiểu và mong như vậy.
Cần khẳng định đây không phải là biểu hiện nặng cảm tính mà ngược lại, là kết quả của tư duy cảm tính sâu sắc và cao hơn là lương tri. Thông tin đến với mỗi người có thể nhiều ít, có thể đúng hoặc chưa thật đầy đủ, nhưng đã đánh thức lương tri con người. Lương tri không thay được pháp luật lại càng không thể đứng trên pháp luật. Nhưng nó là cái duy nhất mách bảo giải pháp đúng trong tình huống phức tạp. Cao hơn, lương tri làm cho mọi hành vi xã hội được thừa nhận và có tình người.
Toà án xử chị Trần Ngọc Sương tất nhiên phải căn cứ vào các điều luật hiện hành. Nhưng chị và cộng sự lại phải hoạt động trong một thời kỳ khác, khi khởi đầu và trong cả quá trình đổi mới, khi cả nước chuyển đổi cơ chế, khi nhiều thể chế, quy chế, luật pháp cũ không còn phù hợp, nhưng cái mới lại chưa ra đời. Trong điều kiện đó họ đã tìm mọi cách để hoạt động, vươn lên. Gọi là sáng tạo, dám làm cũng đúng, mà gọi là vượt rào, vi phạm cũng không sai. Vấn đề là làm như vậy mới đưa đến kết quả có một Nông trường Sông Hậu hai lần Anh hùng Lao động, mang lại no ấm, hạnh phúc, văn hoá cho hàng nghìn gia đình. Kết quả về tinh thần và kinh nghiệm mà mô hình Nông trường Sông Hậu mang lại đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước trong buổi ban đầu không thể tính hết. Điều này nhiều cơ quan quản lý nhà nước, nhiều tổ chức khoa học nghiên cứu, các vị lãnh đạo đã nghiên cứu, tổng kết mô hình biết rõ hơn ai hết. Mọi người đều động viên, khuyến khích họ mạnh dạn làm. Nếu ta đã thừa nhận sai và sửa sai việc phê phán Kim Ngọc - người chỉ đạo khoán hộ ở Vĩnh Phúc, những người đem tiền về đồng bằng sông Cửu Long mua gạo cứu đói cho dân TP.Hồ Chí Minh, những người bỏ tem phiếu để “bù giá vào lương” ở Long An… thì liệu ngày nay xử chị Sương vào tù liệu có đúng? Sự việc khác nhau nhưng cùng một bản chất dám làm, phải làm vì cái chung, vì sự tiến bộ và cả vì điều kiện bắt buộc. Cái “quỹ trái phép” của Nông trường mang lại cho cá nhân chị Sương những gì? Nếu họ đã dùng quỹ đó để chi cho mọi hoạt động mà ngày nay ta gọi là tiếp thị, quảng cáo (tổ chức hội nghị, tuyên truyền mô hình, đón tiếp các đoàn đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm…), để khen thưởng xứng đáng cho những người góp công, để vực giúp cho những người lâm cảnh ngặt nghèo thì họ sai đến đâu? Đương nhiên, quản lý việc chi tiêu một quỹ như vậy trong thời điểm đó, với điều kiện của họ thì khó tránh khỏi sai sót. Hơn nữa, “quỹ trái phép” của Nông trường Sông Hậu được lập năm 1994 - 6 năm trước khi chị Trần Ngọc Sương được cử làm giám đốc thì tội lập quỹ quy cho chị cơ sở ở đâu?
Kết án chị Trần Ngọc Sương không còn là vấn đề đối với riêng một người, của một địa phương, một đơn vị. Nó đã trở thành mối quan tâm của đông đảo dư luận trong nước và quốc tế, thể hiện thái độ của Nhà nước và nhân dân đối với quá khứ của đất nước, trong những năm tháng chồng chất khó khăn, đã có những đảng viên của Đảng đứng mũi chịu sào dám làm, dám chịu trách nhiệm, cố sức tìm cách nâng thuyền để nó không chìm. Những người cầm cán cân công lý ngày nay rất nên thấu hiểu điều đó. Vì vậy có nhất thiết đưa chị Sương ra xét xử một lần nữa khi không có đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn? Chính vì thế, kiến nghị của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo nhân dân.
Xử lý nghiêm minh, công bằng, thấu tình, đạt lý sẽ tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Kết quả xử lý không chỉ có răn đe mà còn hướng thiện, không chỉ chống mà còn xây, không chỉ có lý mà còn phải thấm đẫm tình người.
Nguyễn Thuý Hoàn