Lịch sử
Kết quả thi môn Lịch sử ở khối C trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011 vừa được các trường công bố có hàng ngàn điểm 0, không ít trường có tới 98% số bài thi dưới điểm trung bình khiến dư luận xã hội xôn xao và lo lắng.

Người ta đã phân tích, mổ xẻ rất nhiều nguyên nhân từ sách giáo khoa, từ thiết kế chương trình, từ dạy và học, từ ra đề thi đáp án, từ môi trường xã hội, ảnh hưởng nền kinh tế thị trường, thực dụng, thậm chí có người có trách nhiệm còn so sánh với các nước khác trên thế giới để rồi trấn an: Ở đâu cũng thế! Có đúng như vậy không? Có đúng trong một kỳ thi mà có tới hàng ngàn điểm 0 của một môn?

Những học sinh sau 12 năm học, chọn khối C để gửi gắm tương lai, sự nghiệp, mơ ước cuộc đời mà kiến thức lịch sử bằng 0 thì những học sinh khác không chọn khối có môn sử phải thi thì kiến thức lịch sử là bao nhiêu? Kết quả hàng ngàn điểm 0 hoàn toàn không bình thường, nó thêm một vết khứa sâu bức xúc về chất lượng giáo dục thế hệ trẻ - tương lai của đất nước.

Học và thi trong nhà trường là khoảng thời gian rất quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách con người. Môn sử là môn góp phần làm nên nhân cách ấy. Truyền thống Việt Nam, giá trị Việt Nam, bản lĩnh và cốt cách Việt Nam trong thời chiến và thời bình, trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc trước ngoại xâm và trong xây dựng đất nước là mục tiêu mà mỗi bài học lịch sử hướng tới. Tình yêu đất nước được bồi bổ qua từng sự kiện, nhân vật lịch sử, nâng trí tuệ, tâm hồn, bản lĩnh và nhân cách người Việt Nam. Căn cốt của giáo dục cả dạy và học phải hướng đến những con người, dù sau này làm  nghề gì cũng được trang bị kiến thức xã hội và nhân văn nền tảng để trước hết hiểu rõ lịch sử của chính mình làm niềm tin bước tiếp. Chỉ có đứng vững trên nền tảng hiểu biết cần thiết về đất nước, lịch sử và văn hóa Việt Nam cùng với những giá trị lịch sử, văn hóa mà các thế hệ tổ tiên để lại, thế hệ trẻ mới phát huy hết năng lực sáng tạo của tuổi trẻ, ý thức sâu sắc trách nhiệm góp phần xây dựng đất nước, tiếp nhận những thành tựu văn minh, khoa học, công nghệ thế giới và giữ gìn bản sắc dân tộc. Chính vì thế Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy:

Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.


Biết lịch sử để hiểu về nguồn gốc tổ tiên, dân tộc, để tự hào, tự tôn truyền thống, để biết nghĩa vụ và trách nhiệm với quê hương, nơi sinh ra, lớn lên, để biết vận dụng những bài học lịch sử vào thực hiện nhiệm vụ trong cuộc sống hiện nay. Hẳn những ai làm tổ chức cán bộ không thể quên bài học Tô Hiến Thành tiến cử người tài; cách đánh giá, sử dụng người của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Đường lối lấy dân làm gốc của Đảng ta ngày nay không thể không có nguồn gốc từ bài học lịch sử khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước. Di tích lịch sử thành nhà Hồ nay đã thành di sản văn hoá thế giới không khỏi gợi những suy ngẫm về bài học thành cao, hào sâu không bền vững bằng lòng dân trong lịch sử chống giặc ngoại xâm bảo vệ chủ quyền đất nước… Không hiểu quá khứ làm sao có hành động đúng trong hiện tại, kiến tạo được tương lai?

Lịch sử là báu vật, là gốc của mỗi quốc gia, dân tộc. Gốc có vững, cây mới bền. Học sinh, sinh viên hôm nay là cán bộ ngày mai của đất nước. Cán bộ có góc nhìn lịch sử, toàn diện, trước mọi tình huống xảy ra hằng ngày sẽ có cách xử lý sau trước vẹn toàn, tình lý phân minh. Muốn học sinh hiểu lịch sử, giỏi lịch sử cần sự quan tâm, đổi mới toàn diện trong toàn xã hội. Nhưng trước hết trong Ngành Giáo dục-đào tạo. Bởi đây là chức năng, trách nhiệm lịch sử của ngành trước nhân dân, đất nước, trước vận mệnh dân tộc hôm nay và mai sau.

Phản hồi (5)

Nguyễn Thị Thanh Thảo 04/09/2011

Hàng ngàn điểm 0 môn thi lịch sử năm nay cũng là hiện tượng lịch sử của ngành giáo dục-đào tạo Việt Nam.

Lê Mạnh Hiển 30/08/2011

Lịch sử là vốn quý của dân tộc. Lịch sử đã và đang cho ta rất nhiều bài học bổ ích, thiết thực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Nhưng tôi rất lo bài học về lòng yêu nước đang bị hiểu không đúng, thực hiện không đúng, cùng với bài học đoàn kết, đối thoại với dân không được các cấp chú ý đã diễn ra hiện tượng chia rẽ trong nhân dân rất đáng lo ngại. Đề nghi Tạp chí Xây dựng Đảng-vốn luôn có quan điểm đúng cần có ý kiến về hiện tượng này. Những điểm 0 môn lịch sử là sự kiện báo trước những hiểm nguy cho chúng ta. Cần hết sức cảnh giác.

Nguyen Van Tien 28/08/2011

Bài viết rất sâu sắc, bổ ích, thiết thực.

1 2

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất