Vinashin là một tập đoàn kinh tế trọng điểm của quá trình CNH-HĐH ngành đóng tàu biển Việt Nam; Tập đoàn Vinashin được hưởng những cơ chế, chính sách ưu đãi rất lớn với định hướng để phát triển ngành đóng tàu. Ngày 1-9-2005, Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép Tập đoàn vay lại trái phiếu chính phủ phát hành ra thị trường quốc tế để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa ngành đóng tàu biển và giao cho Bộ Tài chính theo dõi quản lý. Trái phiếu quốc tế 750 triệu USD được phát hành vào ngày 3-11-2005, lãi suất 6,875%/năm, trả gốc một lần vào ngày 15-1-2016, trả lãi 6 tháng một lần vào ngày 15-1 và 15-7 hằng năm, phí phát hành trái phiếu quốc tế trả một lần 168 tỷ đồng. Tiếp đó ngày 25-6-2007, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận cho Tập đoàn này vay tiếp 600 triệu USD của 15 ngân hàng và hai quỹ đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên do sai phạm về quản lý tài chính và công tác tổ chức cán bộ, Vinashin bị thất thoát một nguồn lực lớn tài chính, con tàu Vinashin rơi vào tình trạng phá sản, dư luận xã hội nóng lên. Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc.
Ngày 5-7-2010, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận “Những sai phạm của đồng chí Phạm Thanh Bình trong huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn của Nhà nước là do thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái và có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội”.
Ngày 12-7-2010, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục ban hành văn bản khẳng định: “Trong nhiều năm qua, Tập đoàn Vinashin đã báo cáo không trung thực với Chính phủ về tình hình tài chính của doanh nghiệp; hậu quả của những khuyết điểm, vi phạm của đồng chí Phạm Thanh Bình dẫn đến Tập đoàn tàu thủy Việt Nam có nguy cơ phá sản, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước”.
Ngày 13-7-2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định đình chỉ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinashin đối với ông Phạm Thanh Bình. Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinashin.
Ngày 3-8 và 4-8, tại phiên họp thường kỳ tháng 7-2010, Chính phủ yêu cầu “xử lý đúng pháp luật đối với các cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật” dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng tại Tập đoàn Vinashin.
Ngày 4-8-2010, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã bắt, khám xét đối với ông Phạm Thanh Bình. Ông Bình bị khởi tố về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 Bộ Luật Hình sự. Chính phủ đã tái cơ cấu Vinashin, điều chuyển 12 đơn vị và 5 dự án về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.
Điều gì khiến “con tàu” Vinashin từ vị trí “quả đấm thép” của nền kinh tế chìm dần trong nợ nần, vay nợ mới để trả nợ cũ? Có một nguyên nhân sâu xa chính là công tác tổ chức, cán bộ của Tập đoàn Vinashin, nhất là từ gia đình ông Phạm Thanh Bình. Mọi quyết sách đều do ông Bình quyết định.
Ông Phạm Thanh Bình, sinh năm 1953, quê ở Cà Mau. Tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư vỏ tàu thủy tại Đại học Bách khoa Gơ-đan (Ba Lan) năm 1977. Năm 1978, công tác tại Viện thiết kế tàu và ngành công nghiệp đóng tàu. Từ một cán bộ nghiên cứu thành một thư ký Viện trưởng rồi Trưởng phòng dự án năm 1986. Năm 1994 được đề bạt Phó viện trưởng, năm 1996 nhận chức Tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Từ năm 2006, khi thành lập Tập đoàn Vinashin, ông Bình được bổ nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin.
Theo quyết định số 104/TTg, ngày 15-5-2006 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinashin cũng là Chủ tịch Tập đoàn đại diện theo pháp luật của Tập đoàn Vinashin. Vừa là Chủ tịch, vừa là Tổng giám đốc điều hành nên năm 2007, ông Bình đã quyết: bổ nhiệm con trai là Phạm Bình Minh (sinh năm 1980, tốt nghiệp Đại học Niu Sao Guên chuyên ngành kỹ sư vỏ tàu thủy, về nước năm 2003) làm Viện phó Viện Khoa học công nghệ tàu thủy, một đơn vị sự nghiệp thuộc Tập đoàn Vinashin. Sau đó Phạm Bình Minh còn kiêm nhiệm một loạt chức vụ khác trong đó có Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất do Vinashin giữ 100% vốn điều lệ.
Vừa tốt nghiệp đại học tại chức Đại học Xây dựng năm 2000, ông Phạm Thanh Phong là em ruột ông Phạm Thanh Bình, được ông Bình bổ nhiệm làm Phó giám đốc Công ty tư vấn công nghệ và dịch vụ tài chính thuộc Công ty tài chính công nghiệp tàu thủy. Tháng 3-2006, Phạm Thanh Phong được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng giám đốc công ty đầu tư xây dựng Vinashin. Đặc biệt hơn, ông Phong còn được anh ruột ưu ái cử làm “đại diện góp vốn” của Tập đoàn cho Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư kiêm Chủ tịch HĐQT – Giám đốc Công ty.
Hầu hết các dự án lớn đều do Chủ tịch Bình chỉ định thầu. Với đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên như vậy cùng với cung cách điều hành kiểu “quản gia”, Tập đoàn Vinashin rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản. Đến tháng 6-2010, tổng tài sản của Tập đoàn có khoảng 104.000 tỷ đồng nhưng tổng số nợ là 86.000 tỷ đồng, vốn điều lệ thấp, sử dụng vốn dàn trải, sản xuất đình đốn, công nhân chuyển việc, bỏ việc gần 17.000 người, mất việc gần 5.000 người.
Sự kiện Vinashin bên bờ vực phá sản, làm thất thoát một nguồn lực lớn tài chính quốc gia không chỉ để lại hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, điều quan trọng hơn là làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, quản lý kinh tế của Đảng, Chính phủ. Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất của Tập đoàn Vinashin cần có sự đánh giá nghiêm túc, rút ra những kinh nghiệm sâu sắc trên các phương diện để không lặp lại “sự cố” tai hại này. Bước đầu nêu lên một số vấn đề sau:
1. Phải thực hiện đúng nguyên tắc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ. Đảng phải lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, thực hiện đúng quy trình trong xem xét, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ. Không thể để người không đủ tiêu chuẩn phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn vào các vị trí lãnh đạo, quản lý do ý chí chủ quan của người lãnh đạo dù là lãnh đạo cao nhất. Tập thể cấp ủy theo phân cấp quản lý phải chịu trách nhiệm về việc đánh giá, bố trí vị trí lãnh đạo của đội ngũ cán bộ.
2. Tổ chức đảng và cơ quan quản lý cấp trên phải thường xuyên, nghiêm túc kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những sai sót, kiên quyết xử lý. Không có ngoại lệ và “vùng cấm” với bất kể ai, nhất là những tổ chức kinh tế - kỹ thuật quan trọng, nắm giữ nguồn tài chính, tài sản to lớn.
3. Thẩm quyền và trách nhiệm phải được quy định rõ và thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch. Sự không rõ ràng về trách nhiệm của các cấp dẫn đến sự tùy tiện, lộng hành, lợi ích nhóm và thu vén cá nhân nhưng không bị kiểm soát, trừng phạt để rồi “hòa cả làng” là một trong những điều đáng chú ý của sự kiện Vinashin.
Đỗ Đức Hưởng
Nguồn: Bản tin Bảo vệ chính trị nội bộ, số tháng 9-2011