Ngày 8-12-2017, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký Quyết định 631- QĐNS/TW về việc đình chỉ sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy (gồm cả sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương) đối với đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp thông qua Nghị quyết số 456/NQ- UBTVQH14 ngày 8-12-2017 “Về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng, đại biểu Quốc hội khóa XIV”.
Những quyết định trên cùng với việc Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng để làm rõ trách nhiệm liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng khi ông đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Đảng, một cán bộ lãnh đạo từng giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị bị khởi tố, bắt tạm giam. Đây là một minh chứng thể hiện quyết tâm của Đảng phòng chống tham nhũng không có “vùng cấm”, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, mang lại niềm tin cho nhân dân. Đây là bước tiến mới trong cuộc chiến chống quốc nạn tham nhũng - nguy cơ đe dọa tồn vong của chế độ và của Đảng, làm chậm quá trình phát triển bền vững của đất nước.
Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm dù nghiêm khắc đến đâu chỉ là giải quyết phần ngọn. Quan trọng hơn, thành công hơn phải là ngăn chặn từ gốc, loại bỏ nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Phải chăng một trong những nguyên nhân là quyền lực chưa được kiểm soát chặt chẽ, công tác giám sát, kiểm tra chưa hiệu quả?
Chẳng hạn, nếu quyền lực được kiểm soát chặt chẽ, liệu ông Đinh La Thăng có thể vi phạm Quy chế làm việc Hội đồng Quản trị (HĐQT) Tập đoàn trong việc ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại Văn bản số 6934, ngày 18-9-2008 giữa Chủ tịch HĐQT Tập đoàn và Chủ tịch HĐQT Oceanbank (có nội dung: Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của Oceanbank) trước khi HĐQT Tập đoàn họp thống nhất nội dung trên, dẫn đến thất thoát 800 tỷ đồng?
Chẳng hạn, nếu công tác kiểm tra, giám sát có hiệu quả liệu những sai phạm của ông Đinh La Thăng kéo dài trong suốt thời gian ông tại chức ở Tập đoàn và sau cả nhiệm kỳ ông làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải không được cảnh báo, phát hiện?
Quyền lực tuyệt đối thì dễ dẫn đến tha hóa. Không được kiểm soát, không được giám sát, kiểm tra chặt chẽ, không bị phát hiện kịp thời dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hiện nay. Làm thế nào để kiểm soát quyền lực và kiểm tra, giám sát chặt chẽ?
Có nhiều giải pháp nhưng trước tiên phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng tạo tiền đề để Nhà nước đổi mới biện pháp quản lý với quan điểm quyền lực tối cao thuộc về nhân dân. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý nhưng phải bảo đảm nhân dân được trực tiếp tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đảng lãnh đạo bảo đảm lập pháp, hành pháp, tư pháp tương đối độc lập, giám sát, kiểm soát chéo và điều chỉnh lẫn nhau. Đảng lãnh đạo bảo đảm thực thi rộng rãi quyền dân chủ dưới các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện và dân chủ tham dự; việc đề bạt và bổ nhiệm cán bộ có sự tham gia ý kiến của nhân dân. Đảng lãnh đạo bảo đảm minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của các tổ chức và cá nhân được giao quyền lực, sự giám sát của công luận, của nhân dân. Đảng lãnh đạo bảo đảm tự do tư tưởng và tự do ngôn luận thể hiện chính kiến của những người làm chủ đất nước…
Những nội dung trên không mới. Nhưng mới bàn và nói nhiều, chưa làm đến nơi, đến chốn, triệt để. Nói đi đôi với làm là phong cách Hồ Chí Minh mà chúng ta cần làm theo.
Thu Nga