Ngày 21-11-2014, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có Thông cáo báo chí “Về Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với đồng chí Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ”. Đọc xong Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, có nhiều phản hồi khác nhau từ phía cán bộ và người dân, trong đó có 2 luồng ý kiến chính là:
Thứ nhất, đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân hoan nghênh tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng nguyện vọng nhân dân của Ủy ban Kiểm tra Trung ương dưới sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với vụ việc của một cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý gây bức xúc dư luận thời gian qua. Từ một trường hợp cụ thể này, người dân càng tin tưởng hơn vào quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Thứ hai, người dân bất ngờ vì một cán bộ cấp cao, giữ một vị trí rất quan trọng, đứng đầu một cơ quan tham mưu, giúp việc cho Chính phủ về công tác thanh tra và phòng, chống tham nhũng, mà chỉ riêng trong lĩnh vực nhà đất lại có nhiều sai phạm, khuyết điểm, “thiếu gương mẫu” như vậy thì không biết bao giờ mới giành thắng lợi trong cuộc chiến cam go, quyết liệt, lâu dài với “giặc nội xâm”?
Qua Kết luận về vụ việc nhà đất của một cán bộ nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đặt ra nhiều vấn đề, dưới góc độ công tác xây dựng đảng có một số câu hỏi đặt ra, trong đó có câu hỏi về công tác quản lý cán bộ.
Đảng ta khẳng định trong Đảng có “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiêu sài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Tuy vậy, việc “điểm mặt, chỉ tên” một cách cụ thể “một bộ phận không nhỏ” ở từng tổ chức, cấp ủy đảng... xem ra còn nhiều khó khăn, hạn chế. Vậy đồng chí Trần Văn Truyền có thuộc diện “một bộ phận không nhỏ” trong “một số cán bộ cao cấp” hay không? Nếu không thì vi phạm ở mức độ nào và nếu có thì ở dạng nào trong các yếu kém, khuyết điểm nói trên, hay chỉ là “thiếu cân nhắc, thiếu gương mẫu trong việc tự mình thực hiện hoặc tác động, đề nghị với các cơ quan chức năng để xử lý một số trường hợp về nhà, đất có liên quan đến lợi ích của bản thân và gia đình; trong đó có việc thiếu trung thực, có việc vi phạm hoặc chưa gương mẫu thực hiện tốt quy định về những điều đảng viên không được làm và thực hiện học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”?
Dư luận nhân dân đặt vấn đề, Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới chỉ dừng ở các căn biệt thự, căn nhà, thửa đất của đồng chí Trần Văn Truyền, còn các mặt công tác khác, các lĩnh vực khác nữa có liên quan, liệu tới đây các tổ chức, cơ quan có trách nhiệm có tiếp tục làm rõ các sai phạm không, hay lại chỉ vì “gia đình có công với cách mạng, có quá trình cống hiến lâu dài, đảm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương và cơ quan Trung ương, có những đóng góp thiết thực trong công tác xây dựng đảng và chính quyền trên các cương vị và chức trách, nhiệm vụ được giao”... mà lại bỏ qua, không làm tới nơi tới chốn, rơi vào tình trạng “giơ cao đánh khẽ” đã từng xảy ra? Chằng hạn, việc trước khi nghỉ hưu, đồng chí Trần Văn Truyền đã tức tốc đề bạt hơn 50 cán bộ cấp vụ thuộc diện mình quản lý? Chẳng hạn, việc con trai đồng chí Trần Văn Truyền còn rất trẻ, mới đeo quân hàm đại úy cảnh sát mà đã đứng tên căn biệt thự nguy nga trên khu đất hàng chục nghìn mét vuông, trị giá nhiều tỷ đồng... Giải thích như thế nào trước người dân về các hiện tượng cán bộ giàu lên một cách bất thường này?
Làm cách nào mà đồng chí Trần Văn Truyền được sở hữu nhiều nhà đất như vậy? Nếu như đồng chí Trần Văn Truyền không phải là cán bộ lãnh đạo từng đứng đầu cấp ủy đảng địa phương, thủ trưởng-bí thư cấp ủy cơ quan Thanh tra Chính phủ liệu có thể dễ dàng được cấp, được bán, được cho thuê nhà đất ở những vị trí đắc địa, giá trị kinh tế lớn một cách dễ dàng, đơn giản như vậy không?
Việc kê khai tài sản và kiểm tra bản kê khai tài sản hằng năm đối với đồng chí Trần Văn Truyền và của các người thân trong gia đình có được thực hiện nghiêm túc không? Trách nhiệm của chi bộ đảng, của ban cán sự, của tổ chức cấp trên quản lý người đứng đầu tổ chức, cấp ủy như thế nào mà để xảy ra những sai phạm, khuyết điểm một thời gian dài trên lĩnh vực nhà đất? Những cán bộ, đảng viên thực thi công vụ nhà-đất ở tỉnh Bến Tre, ở TP Hồ Chí Minh được lợi gì khi dễ dàng giải quyết nhà đất cho đồng chí Trần Văn Truyền hay chỉ vì thông cảm với “khó khăn về nhà ở” của đồng chí Trần Văn Truyền?
Qua Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về một vụ việc nhà-đất của đồng chí Trần Văn Truyền, dư luận xã hội đặt ra câu hỏi lớn là: Đây có phải là trường hợp cá biệt duy nhất trong cán bộ, đảng viên có chức, có quyền ở nước ta trong thời gian qua? Có bao nhiêu trường hợp cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp có nhiều nhà đất một cách bất hợp pháp? Có bao nhiều cán bộ được cấp hoặc được “bán” (rẻ như cho) ở nơi công tác cũ, khi được điều chuyển công tác ở nơi khác lại tiếp tục được cấp, được “mua” nhà đất với nhiều lý do khác nhau? Có bao nhiêu cán bộ tham nhũng, lợi dụng chức quyền, vụ lợi, cơ hội nhưng được che chắn một cách cực kỳ kín đáo mà chưa bị lộ? Các cơ quan có trách nhiệm muốn biết rõ hãy chịu khó, khéo tiếp xúc, gợi chuyện người dân ở các khu dân cư. Người dân sẽ chỉ cho đâu là nhà, đâu là đất của cán bộ nào, làm gì, ở đâu hoặc là của vợ ông lãnh đạo nọ, con của người quản lý kia...
Trả lời cho được những câu hỏi như trên không dễ nhưng cũng không phải không thể trả lời được. Vấn đề là những cơ quan chức năng có quyết tâm làm rõ hay không mà thôi. Đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng để lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và là cơ sở quan trọng để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là trong dịp chuẩn bị lựa chọn nhân sự cấp ủy trước thềm đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Vũ Ngọc Lân