Cách đây 93 năm, đã diễn ra sự kiện “làm rung chuyển thế giới”: Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công, khai sinh ra chế độ XHCN đầu tiên trong lịch sử loài người. Bắt đầu từ thời điểm này, thời đại độc tôn của chủ nghĩa tư bản đã chấm dứt, nhường chỗ cho một thời đại mới: thời đại lao động toàn thế giới vùng lên đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản; thời đại các dân tộc bị áp bức tạo ra các cao trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc; thời đại hình thành và phát triển của chủ nghĩa xã hội như một chủ thể hùng mạnh trong nền kinh tế - chính trị thế giới...
Cách mạng Tháng Mười là cột mốc mở đầu thời đại ngày nay. Con đường Cách mạng Tháng Mười Nga đã đưa nhân loại sang một trang sử mới, ở đó giấc mơ về một cuộc sống không còn bóc lột, áp bức, bất công đã trở thành hiện thực sinh động cho hàng tỷ người trên một không gian thật sự rộng lớn của địa cầu. Ðộng lực và cảm hứng từ Cách mạng Tháng Mười đã xác lập nên xu hướng vận động chủ đạo của lịch sử thế giới hiện đại: đó là xu hướng phê phán, phủ định và thay thế chủ nghĩa tư bản bằng một chế độ xã hội tiến bộ hơn. Ngay cả trong điều kiện chủ nghĩa xã hội bị khủng hoảng, khó khăn, xu hướng chống chủ nghĩa tư bản cũng không suy giảm. Sự hằn học, chống phá quyết liệt hiện nay của các thế lực thù địch đối với Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa xã hội chính là vì cuộc cách mạng vĩ đại ấy tiếp tục tác động mạnh mẽ đến triển vọng của lịch sử loài người trong thế kỷ 21, thế kỷ của đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản ở tầm cao mới.
Thế kỷ 21 đặt ra nội dung và yêu cầu mới cho mục tiêu phát triển. Ðó là sự phát triển trong hòa bình và tự do; phát triển hài hòa giữa vật chất và tinh thần; phát triển trong công bằng và dân chủ; phát triển bền vững và nhân văn; sự phát triển của mỗi người, mỗi nhóm xã hội, mỗi giai cấp, tập đoàn, mỗi quốc gia, dân tộc phải là điều kiện tích cực cho sự phát triển của những người khác và toàn bộ loài người. Khuôn khổ này của sự phát triển không thể tương dung với giới hạn chật hẹp của hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, cái hình thái chỉ có thể tồn tại và vận động được nhờ giá trị thặng dư thông qua bóc lột lao động, nhờ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa ngày càng lớn, nhờ đầu cơ tài chính và chiến tranh,... Bởi vậy, mục tiêu phát triển hiện đại tự nó đặt ra yêu cầu tiếp tục giải phóng, giải phóng triệt để hơn khỏi con đường và chế độ tư bản chủ nghĩa trong mọi biến thái khác nhau của chúng. Ðể tìm cách thoát khỏi bế tắc, từ đầu thập kỷ 80 đến nay chủ nghĩa tư bản ra sức triển khai chủ nghĩa tự do mới trên phạm vi toàn cầu với những phi điều tiết hóa, tư nhân hóa, tự do hóa, buộc các nền kinh tế quốc gia phải mở cửa rộng rãi cho tư bản độc quyền quốc tế xâm nhập. Với tính cách là mô hình chủ nghĩa tư bản trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, chủ nghĩa tự do mới vừa đem lại hào quang, vừa tô đậm thêm những hạn chế không thể vượt qua của chủ nghĩa tư bản. Với chủ nghĩa tự do mới, chủ nghĩa tư bản có tham vọng dẫn dắt thế giới đi vào toàn cầu hóa. Thế giới đã lên tiếng trả lời bằng một phong trào chống toàn cầu hóa tự do tư bản chủ nghĩa. Phong trào chống toàn cầu hóa tự do tư bản chủ nghĩa là sản phẩm độc đáo của một thế giới phải đối mặt với chủ nghĩa tư bản như thế lực đế chế toàn cầu; là sự phản kháng toàn cầu chống chủ nghĩa tư bản chưa hề có tiền lệ trong lịch sử loài người.
Qua vài thập kỷ trở lại đây, chủ nghĩa xã hội lại chứng minh sức sống và tính ưu việt của mình thông qua quá trình cải cách, đổi mới và phát triển. Với Trung Quốc, quốc gia chiếm gần 1/5 dân số toàn cầu, liên tục dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế suốt gần 30 năm qua, hiện đứng thứ hai về GDP trên thế giới; với Việt Nam đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đang trở thành người bạn và đối tác tin cậy của các nước; Cu-ba kiên định và sáng tạo trong vòng tay ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của bè bạn khắp năm châu; với sự phục hồi và hoạt động của phong trào cộng sản quốc tế gồm gần 80 đảng, với hơn 80 triệu đảng viên, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội vẫn là một lực lượng chính trị mà không thế lực nào có thể bỏ qua trong những tính toán chiến lược toàn cầu. Chính vì chân lý sáng tỏ này, mà rất nhiều bộ óc vĩ đại của trí tuệ loài người, từ Anh-xtanh đầu thế kỷ 20, Pôn Xa-tơ-rơ, Béc-tran Ru-xen... đến Giắc-cơ Ðe-ri-đa, No-am Chom-xki, Giô-xép Xtíc-lít, Ði-nô-vi-ép... mới đây, đều biểu thị sự đồng tình không che giấu với chủ nghĩa cộng sản, công khai đánh giá C.Mác là nhà tư tưởng của thế kỷ 21 và Cách mạng Tháng Mười Nga là sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.
Con đường Cách mạng Tháng Mười không chỉ là của giai cấp vô sản, mà là con đường của tất cả các tầng lớp lao động, lực lượng cách mạng, các dân tộc bị bóc lột, áp bức và toàn thể nhân loại tiến bộ, cho nên đó là con đường của thế kỷ 21. Chân lý này đang được minh chứng sinh động ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ la-tinh, nơi phong trào cánh tả đang dấy lên thành một cao trào mới và đang nhiệt tình kiến tạo chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21.
Ở Việt Nam, trong lúc các lực lượng cách mạng trong nước bế tắc về đường lối như đang đi trong bóng đêm và sương mù, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đem ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga về cho phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Nhờ vậy, ngày 3-2-1930, Ðảng Cộng sản Việt Nam đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam ra đời, đưa ra cương lĩnh, đường lối, chiến lược lãnh đạo phong trào cách mạng. 15 năm sau, trên cơ sở vận dụng sáng tạo và thành công bài học của Cách mạng Tháng Mười Nga, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ðảng đã nhất tề đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Sự nghiệp cách mạng Việt Nam từ mốc son lịch sử 1945 tiếp tục vận động theo con đường và lý tưởng mục tiêu của Cách mạng Tháng Mười Nga. Ðó là con đường cách mạng nhằm bảo vệ độc lập, tự do và mang lại hạnh phúc cho quần chúng cần lao; là con đường đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc; là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Những mốc son trên con đường cách mạng của Việt Nam là sự nối tiếp hào hùng của Cách mạng Tháng Mười Nga, góp phần tạo nên tiến trình các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Từ năm 1986 đến nay, Ðảng và nhân dân Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới với những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Trước thử thách nghiệt ngã của thời cuộc, Việt Nam vẫn kiên trì mục tiêu, lý tưởng và con đường Cách mạng Tháng Mười Nga; tích cực tìm tòi, khám phá hướng đi đúng đắn, phù hợp. Mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng được sáng tỏ hơn. Ðất nước giữ vững ổn định chính trị - xã hội; dân chủ được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, tạo ra động lực mạnh mẽ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao; đời sống của nhân dân đã cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo đói giảm nhanh; chỉ số phát triển con người cải thiện trên 30 bậc, đem lại sinh lực, sức sống mới cho sự nghiệp đổi mới. Từ chỗ bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao với 178 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và các tổ chức quốc tế hàng đầu; đồng thời phát triển quan hệ đa phương, đa dạng với các đối tác nước ngoài theo tinh thần là bạn, là đối tác tin cậy, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
Những nhân tố đã giúp chúng ta đổi mới thành công ắt hẳn là rất đa dạng, trong đó trước hết phải là sự kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa và tư tưởng khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ðối với Ðảng và nhân dân Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười Nga mãi mãi là một trong những cội nguồn của động lực, sức mạnh và nguồn cảm hứng; mãi mãi là ánh mặt trời chói lọi soi sáng con đường đi lên phía trước, tiến tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
PGS, TS Nguyễn Viết Thảo, Tổng Biên tập Báo điện tử ĐCSVN
Nguồn: Nhân Dân điện tử