Triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 82-KH/TU ngày 30-1-2018 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 91-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thường trực Tỉnh uỷ và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Thuận đã dành nhiều thời gian để tham gia y kiến các Đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) nhằm từng bước sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
1. Về 4 Đề án thí điểm sắp xếp hệ thống chính trị huyện Phú Quý
(1) Đề án nhất thể hoá chức danh bí thư huyện uỷ đồng thời là chủ tịch UBND huyện, thời gian thực hiện Đề án từ nay đến tháng 6-2021.
(2) Đề án hợp nhất một số cơ quan tham mưu giúp việc của Huyện uỷ với cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện. Cụ thể (a) Hợp nhất Ban Tổ chức Huyện ủy và Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội huyện. (b) Hợp nhất cơ quan Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy và Thanh tra huyện. (c) Hợp nhất Văn phòng Huyện ủy và Văn phòng HĐND & UBND huyện. Về con dấu sử dụng sau khi hợp nhất: Đối với Ban Tổ chức - Nội vụ, Văn phòng Cấp ủy - Chính quyền huyện huyện: sử dụng 1 con dấu. Đối với Cơ quan Kiểm tra - Thanh tra huyện: Giữ nguyên 2 con dấu (gồm 1 con dấu của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy và 1 con dấu của Thanh tra huyện để sử dụng khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
(3) Đề án hợp nhất các cơ quan giúp việc chung của khối cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ tương đồng giữa Ban Dân vận với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện, hợp nhất Ban Dân vận Huyện uỷ với các cơ quan chuyên trách, giúp việc Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện, thành lập Cơ quan khối Dân vận, Mặt trận và các đoàn thể huyện Phú Quý. Về tổ chức, phân công đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ hiện nay giữ chức Trưởng khối đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện; 1 Phó Trưởng khối là Huyện uỷ viên, hiện nay là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện; 1 Phó trưởng khối hiện nay là Phó Ban Dân vận huyện uỷ; các thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và Ban Chấp hành các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện vẫn hoạt động độc lập, tuân thủ các quy định pháp luật, điều lệ của mỗi tổ chức. Về con dấu sử dụng sau khi hợp nhất, khi triển khai các nhiệm vụ chung của khối thì sử dụng dấu Cơ quan khối Dân vận, Mặt trận và các đoàn thể huyện Phú Quý; khi triển khai các nhiệm vụ riêng và của ngành dọc thì sử dụng con dấu của tổ chức đó.
(4) Đề án sáp nhập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, UBND huyện Phú Quý có 10 phòng, ban chuyên môn. Theo Đề án hợp nhất một số cơ quan tham mưu giúp việc của Huyện uỷ với cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện thì sắp xếp, sáp nhập 7 phòng ban chuyên môn còn 4 phòng ban chuyên môn thuộc UBND huyện.
2. Về Đề án Văn phòng Tỉnh uỷ phục vụ chung các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Tỉnh uỷ; Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của Văn phòng Tỉnh uỷ và các Ban của Tỉnh uỷ
Căn cứ Quy định số 04-QĐi/TW ngày 25-7-2018 của Ban Bí thư về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy đã tiến hành xây dựng Đề án Văn phòng Tỉnh uỷ phục vụ chung các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Tỉnh uỷ. Ngày 4-8-2018, Thường trực Tỉnh ủy họp và cho ý kiến về nội dung từng Đề án của các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy theo đề nghị của Hội đồng thẩm định và trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Văn phòng Tỉnh uỷ được giao phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh uỷ các lĩnh vực tài chính; quản lý, sử dụng xe công; công nghệ thông tin; công tác lưu trữ. tổ chức bộ máy bên trong là 5 phòng (giảm 1 phòng so với hiện tại), biên chế được giao phù hợp với nhiệm vụ phục vụ chung và cơ cấu tổ chức bộ máy mới. Bắt đầu thực hiện từ ngày 1-10-2018, riêng lĩnh vực tài chính bắt đầu từ ngày 1-1-2019.
Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của Văn phòng Tỉnh uỷ và các Ban của Tỉnh uỷ, căn cứ Quy định số 04-QĐi/TW ngày 25-7-2018 của Ban Bí thư về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy và các ban của Tỉnh ủy đã tiến hành xây dựng Đề án sắp xếp bộ máy bên trong theo Kế hoạch của Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ngày 11-8-2018, Thường trực Tỉnh ủy họp và cho ý kiến về nội dung từng Đề án của các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy theo đề nghị của Hội đồng thẩm định và trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho ý kiến thông qua. Sau sắp xếp tổ chức bên trong của Văn phòng Tỉnh ủy và các ban của Tỉnh ủy, còn 20/28 phòng; tổng số cán bộ lãnh đạo quản lý của các cơ quan còn 64/87 người, trong đó: lãnh đạo cơ quan 22/23 người (6 cấp trưởng; 16/17 cấp phó); lãnh đạo cấp phòng 42/64 người (20/28 trưởng phòng, 22/36 phó phòng); giảm 8 phòng; giảm 1 phó ban và 22 lãnh đạo cấp phòng (8 trưởng phòng và 14 phó trưởng phòng). Từ ngày 1-10-2018, tổ chức bộ máy mới của các cơ quan đi vào hoạt động.
3.Về Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh.
Sau sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh còn 20/34 ban chuyên môn; tổng số cán bộ lãnh đạo quản lý của các đơn vị 61/93 người, trong đó: lãnh đạo đơn vị: 23/23 người (6/6 cấp trưởng; 17/17 cấp phó); lãnh đạo cấp phòng/ban trực thuộc đơn vị có 38/70 người (18/34 trưởng ban và 20/36 phó ban). Đã giảm 14 ban; 32 lãnh đạo cấp phòng/ban trực thuộc đơn vị (trong đó giảm 16 trưởng ban và 16 phó ban).
4. Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của Trường Chính trị tỉnh và Báo Bình Thuận.
Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận hiện có 4 khoa, 3 phòng, biên chế được giao là 50. Dự kiến kết quả sau sắp xếp còn 5/7 khoa, phòng; 49/50 biên chế. Như vậy sau sắp xếp giảm 2 đầu mối (giảm 1 khoa, 1 phòng); 1 biên chế, 1 trưởng phòng, 3 phó trưởng phòng/khoa. Lộ trình thực hiện sau khi quy định (sửa đổi, bổ sung) Quy định 184-QĐ/TW được Trung ương ban hành.
Báo Bình Thuận hiện có 7 phòng, biên chế được giao là 33. Sau sắp xếp tổ chức bên trong còn 3/7 phòng (giảm 4 phòng); 31/33 biên chế. Kết quả sau sắp xếp giảm 4 đầu mối, 2 biên chế, 1 phó tổng biên tập, 4 trưởng phòng; tăng 2 phó trưởng phòng (do phòng Phóng viên 11 biên chế và phòng Toà soạn – Điện tử 12 biên chế nên mỗi phòng có 2 phó phòng). Từ ngày 1-1-2019, tổ chức bộ máy mới của Báo Bình Thuận đi vào hoạt động.
5. Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cán bộ tỉnh.
Ngày 7-8-2018 vừa qua, Hội đồng thẩm định cho ý kiến nhất trí tiếp tục nghiên cứu bổ sung khi có văn bản quy định, hướng dẫn mới của Trung ương về cơ chế hoạt động của Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cán bộ tỉnh.
6. Rà soát bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của các Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh và Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp.
Ngày 14-8- 2018, Hội đồng thẩm định đã cho ý kiến, thống nhất giao Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, 2 Đảng uỷ Khối và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu phương án sáp nhập 2 Đảng uỷ Khối theo nội dung Kết luận số 34 –KL/TW ngày 7-8-2018 của Bộ Chính trị (hợp nhất Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh và Đảng Khối Các cơ quan tỉnh).
7. Về Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các sở, cơ quan ngang sở, cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện
UBND tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo ngày 27-7-2018, trình Hội đồng thẩm định thông qua vào ngày 14-8-2018; hiện đang trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét, thông qua đề án. Nếu thông qua phương án sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất đầu mối bên trong tại các sở, cơ quan ngang sở (gồm 20 đơn vị), số lượng chi cục thuộc sở giảm 4/17 chi cục; số lượng phòng thuộc sở giảm 29/128 phòng. Về sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, tại 10 huyện, thị, thành phố của Bình Thuận có 122 cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND; sau sắp xếp, tổng số đầu mối giảm 27 phòng/ban.
8. Về Đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện
UBND tỉnh Bình Thuận đã trình Thường trực Tỉnh uỷ vào ngày 4-8-2018 và trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thông qua ngày 9-8-2018. Phương án là căn cứ thực trạng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, quan điểm, nguyên tắc, xây dựng phương án sắp xếp, thu gọn 15 đơn vị hành chính đến năm 2030, chia làm 2 giai đoạn, từ nay đến năm 2021 và từ năm 2020 đến năm 2030.
Giai đoạn 1: Từ nay đến năm 2021, dự kiến sẽ thực hiện sáp nhập, điều chỉnh địa giới tại 13 đơn vị hành chính cấp xã. Cụ thể: Sáp nhập 6 đơn vị: Xã Hoà Phú với Thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong); Xã Phan Lâm với xã Phan Sơn (huyện Bắc Bình); xã Đông Tiến và xã Đông Giang (Hàm Thuận Bắc); xã Mỹ Thạnh và xã Hàm Cần (Hàm Thuận Nam); xã Măng Tố và xã Đức Tân (Tánh Linh); xã Đức Chính và xã Nam Chính (Đức Linh). Điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên xã Phú Lạc cho thị trấn Liên Hương và xã Bình Thạnh (Tuy Phong); Điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên xã Hàm Kiệm cho xã Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam); Điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên xã Tân Đức và thị trấn Tân Minh (Hàm Tân); Điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên xã Tân phước về phường Phước Lộc (thị xã La Gi); Điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên thị trấn Võ Xu và xã Nam Chính về xã Vũ Hoà.
Giai đoạn 2: Từ năm 2022 – 2030 tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn còn lại.
Với các đề án được thông qua, Bình Thuận đã xây dựng lộ trình rõ ràng, cụ thể để từng bước đưa Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII vào cuộc sống, hiện thực hóa các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Ngọc Thảo
Ban Tổ chức Trung ương