Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của CMSC. Theo quy định tại nghị định, có 7 tập đoàn và 12 tổng công ty được Chính phủ giao cho ủy ban đại diện chủ sở hữu.
Nhằm áp dụng các tiến bộ khoa học công nghiệp lần thứ 4, đồng thời triển khai xây dựng chính phủ điện tử, ủy ban đã nghiên cứu xây dựng phần mềm bộ chỉ số giám sát, đánh giá hiệu quả doanh nghiệp để kết nối trực tiếp với doanh nghiệp được giao quản lý. Bộ chỉ số bao gồm các chỉ số chung và riêng theo ngành/lĩnh vực, có xem xét tương quan ngành trong toàn thị trường. Hệ thống này cũng sẽ giảm thiểu thời gian lập, gửi và tổng hợp báo cáo của doanh nghiệp đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo quy định hiện hành nhờ phần mềm chuyên biệt.
Cũng trong lễ ra mắt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao quyết định của Thủ tướng bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Phú Hà, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) giữ chức vụ Phó Chủ tịch CMSC.
CMSC đại diện chủ sở hữu 19 tập đoàn, tổng công ty, gồm:
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước;
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;
Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam;
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam;
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam;
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam;
Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam;
Tổng công ty Viễn thông MobiFone;
Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam;
Tổng công ty Hàng không Việt Nam;
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam;
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam;
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam;
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam;
Tổng công ty Cà phê Việt Nam;
Tổng công ty Lương thực miền Nam;
Tổng công ty Lương thực miền Bắc;
Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.
Tổng hợp báo cáo tài chính thời điểm 31-12-2017, giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu của 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về ủy ban là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng.