Công tác tổ chức cán bộ của Đảng qua những năm Dần

Trong lịch sử vẻ vang của Đảng đã có nhiều sự kiện gắn với công tác tổ chức, cán bộ diễn ra vào những năm Dần:

Năm Mậu Dần (1938)

Ngày 29 và 30-3-1938, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp quyết định tổ chức Mặt trận thống nhất dân chủ, coi đó là một nhiệm vụ trung tâm của Đảng trong giai đoạn đó. Đảng phải củng cố những cơ sở đảng đã có, lập thêm cơ sở mới, chú trọng phát triển cơ sở ở các châu thành, các đồn điền, các vùng kỹ nghệ tập trung. Các tổ chức cơ sở dù hoạt động công khai hay bí mật đều phải phục tùng cơ quan chỉ huy của Đảng ở các cấp. Tại Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng thay đồng chí Hà Huy Tập.

Theo báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi Quốc tế Cộng sản, đến tháng 3-1938, Đảng bộ Nam kỳ có 655 đảng viên, Đảng bộ Trung kỳ có 740 đảng viên và Đảng bộ Bắc kỳ có 202 đảng viên. ở ba kỳ đều có xứ uỷ. Nam kỳ có 4 liên tỉnh uỷ, 11 tỉnh uỷ và 122 chi bộ. Trung kỳ có tỉnh uỷ Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Bắc kỳ đã có đảng bộ Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Phủ Lý, Thái Bình, Cao Bằng. Ban Chấp hành Trung ương Đảng có 11 uỷ viên, trong đó 9 uỷ viên hoạt động ở trong nước, 2 uỷ viên hoạt động ở ngoài nước.

Cuộc vận động dân chủ của Đảng trong những năm 1936-1939 diễn ra sôi nổi, rộng lớn đã minh chứng chủ trương chuyển hướng mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là đúng, hợp với ý nguyện của dân chúng và phù hợp với tình hình đất nước.

Năm Canh Dần (1950)

Trước những biến chuyển của tình hình quốc tế, nhất là thắng lợi của cách mạng Trung Quốc, tháng 1-1950, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng (21-1 đến 3-2-1950). Trên cơ sở đánh giá tình hình, Hội nghị quyết định “cần phải nhân đà tiến bộ của bản thân ta, dựa vào sức giúp đỡ của các lực lượng bạn, lợi dụng sự lúng túng của địch, trước mưu mô của đế quốc Mỹ, Anh, mà gấp rút hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công trong năm 1950 này”.

Hội nghị quyết định phải đẩy mạnh chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch; gấp rút bồi dưỡng và xây dựng quân đội nhân dân; củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất và công tác dân vận; củng cố chính quyền nhân dân; tổng động viên toàn lực, thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến! Tất cả để chiến thắng!” và “Thi đua ái quốc”; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chiến lược, nhiều ngành, nhiều địa phương đã phạm những khuyết điểm, sai lầm trong công tác xây dựng lực lượng quân sự, trong thực hiện phương châm tác chiến, trong công tác tổng động viên v.v... Vào giữa năm 1950, Trung ương đã phát hiện khuynh hướng sai lầm chủ quan nóng vội trên đã kịp thời có chủ trương uốn nắn, sửa chữa. ý thức kháng chiến lâu dài, dựa vào sức mình là chính được quán triệt hơn, các mặt trận phát triển vững chắc và tiến lên giành những thắng lợi to lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho Đảng họp Đại hội lần thứ II vào đầu năm 1951.

Năm Nhâm Dần (1962)

Tháng 6-1962, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) bàn về vấn đề công nghiệp hoá, đề ra nhiệm vụ và phương hướng xây dựng và phát triển công nghiệp trong tình hình kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Năm Giáp Dần (1974)

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 22 họp bàn về nhiệm vụ khôi phục kinh tế của miền Bắc.

Năm 1974, ở miền Nam, quân ta liên tiếp đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, thực hiện chiến lược tiến công. Miền Bắc tích cực khôi phục kinh tế và chi viện mạnh mẽ cho miền Nam. Nguỵ quân, nguỵ quyền suy yếu nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị trong các kỳ họp tháng 10-1974, tháng 12-1974 và tháng 1-1975, đã đi đến kết luận: Chúng ta đang đứng trước thời cơ lớn, có đầy đủ các điều kiện về quân sự và chính trị để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hoà bình thống nhất đất nước. Nghị quyết lịch sử của Bộ Chính trị năm 1974 và đầu năm 1975 là một điển hình của tư duy cách mạng khoa học và sáng tạo lớn, dắt dẫn quân và dân ta đến mùa Xuân đại thắng năm 1975.

Cùng với sự lãnh đạo và tổ chức cuộc chiến đấu ở miền Nam và xây dựng ở miền Bắc, Trung ương Đảng rất coi trọng công tác xây dựng đảng. Tháng 12-1974, Hội nghị lần thứ 23 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam. Nghị quyết nêu rõ: “Để Đảng ta tiếp tục làm tròn nhiệm vụ trước dân tộc và trước phong trào cộng sản quốc tế, phải tăng cường công tác xây dựng đảng, đảm bảo cho Đảng ta luôn luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện mới của cách mạng nước ta, có đường lối, chính sách đúng, có tư tưởng cách mạng triệt để, có tổ chức vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện đầy đủ, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

Năm Bính Dần (1986)

Cuối tháng 5-1986, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá V) họp phân tích những khuyết điểm, sai lầm trong việc chỉ đạo công tác giá lương tiền, khẳng định quyết tâm chiến lược xoá bỏ tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, Hội nghị còn thảo luận và góp ý cho Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội lần thứ VI của Đảng.

Ngày 17-11-1986, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương quyết định triệu tập Đại hội VI sẽ họp công khai vào tháng 12-1986.

Đầu tháng 12-1986, Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục thảo luận vấn đề nhân sự và thông qua danh sách giới thiệu Ban Chấp hành Trung ương mới để trình Đại hội VI.

Từ 15 đến 18-12-1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam họp tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 124 uỷ viên chính thức. Bộ Chính trị gồm 13 uỷ viên chính thức và một uỷ viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội VI là Đại hội đổi mới, đoàn kết tiến lên của Đảng ta. Đại hội đã đề ra đường lối mới về nhiều mặt: Đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, đổi mới tổ chức, đổi mới đội ngũ cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác. Đại hội đánh giá cao quá trình dân chủ hoá sinh hoạt chính trị của Đảng và nhân dân ta trong thời gian chuẩn bị và tiến hành Đại hội.

Đại hội hoàn toàn nhất trí với những kết luận của Ban Chấp hành Trung ương về đánh giá tình hình, tổng kết kinh nghiệm, xác định mục tiêu và phương hướng chính sách nhằm đưa sự nghiệp cách mạng nước ta tiếp tục tiến lên.

Năm Mậu Dần (1998)

Tháng 7-1998, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khoá VIII) thảo luận và thông qua Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Năm Canh Dần (2010)

Năm 2010 là năm đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng vào đầu năm 2011. Cùng với việc tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội X, các nghị quyết Trung ương về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên và bảo vệ chính trị nội bộ, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá X), nhiệm vụ quan trọng của Ngành tổ chức trong năm Canh Dần-2010 là tham mưu giúp cấp uỷ chuẩn bị tốt nhân sự phục vụ đại hội đảng bộ các cấp, góp phần vào thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất