Thực hiện Nghị quyết Hội
nghị lần thứ 5, thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã chỉ đạo
việc “Thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch uỷ ban
nhân dân (UBND) ở cấp xã và địa phương không tổ chức hội đồng nhân dân (HĐND)”.
Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng có cuộc trao đổi với đồng chí
Trần Lưu Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương về một
số vấn đề liên quan đến nội dung trên.
Xin đồng chí cho biết một số nét khái quát về việc thực hiện chủ trương này ở
các địa phương như thế nào?
Đồng chí Trần Lưu Hải:
Ngày 24-2-2009, Bộ Chính trị có Thông báo số 223-TB/TW về việc “Thực hiện thí
điểm chủ trương đồng chí bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp xã và
địa phương không tổ chức HĐND”. Đây là một vấn đề mới, chưa quy định trong Điều
lệ Đảng, Luật Tổ chức HĐND và UBND, nên phải thực hiện thí điểm để rút kinh
nghiệm, nếu phù hợp thì nhân ra diện rộng. Thực hiện thí điểm chủ trương bí thư
cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp xã và địa phương không tổ chức HĐND là
nhằm tiếp tục nghiên cứu, xây dựng mô hình để đổi mới phương thức lãnh đạo của
Đảng, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các mặt công
tác của địa phương, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu
quả quản lý của Nhà nước, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.
Theo chỉ đạo của Bộ Chính
trị, Ban Bí thư, việc thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp uỷ đồng thời là
chủ tịch UBND được tiến hành tại 20-30% số huyện, quận, phường thí điểm không tổ
chức HĐND và thực hiện sau khi kết thúc hoạt động nhiệm kỳ 2004-2009 của HĐND
vào ngày 25-4-2009. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì mỗi
tỉnh, thành phố sẽ chọn, chỉ đạo thực hiện thí điểm 2-3% số xã, thị trấn ở địa
phương mình và thực hiện trong năm 2009. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị,
Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương đã có Hướng dẫn số 25-HD/BTCTW ngày 06-3-2009
nêu cụ thể việc thực hiện chủ trương này.
Theo đồng chí, cần phải chú ý vấn đề gì khi lựa chọn các đơn vị thực hiện thí
điểm chủ trương này?
Đồng chí Trần Lưu Hải:
Những huyện, quận, phường thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức HĐND thì
Quốc hội và Chính phủ đã có quyết định cụ thể. Đối với các xã, thị trấn (những
nơi có tổ chức HĐND) khi lựa chọn cần chú ý một số nội dung sau: Chọn làm thí
điểm những địa phương tình hình kinh tế-xã hội phát triển tương đối ổn định; nội
bộ đoàn kết, thống nhất và đã thực hiện tốt việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo,
bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ; đại diện cho các vùng, miền có điều kiện
kinh tế - xã hội khác nhau. Để đồng chí bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND
hoàn thành tốt nhiệm vụ của cả hai chức danh, cần cơ cấu đồng chí phó bí thư
thường trực cấp uỷ kiêm chủ tịch HĐND và có kinh nghiệm về công tác xây dựng
đảng và công tác quản lý nhà nước để có khả năng điều hành công việc chung khi
đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND đi vắng. Ngoài ra, cần chú ý lựa chọn
những đơn vị mà sau khi thực hiện thí điểm “nhất thể hoá” cán bộ, đồng chí bí
thư hoặc chủ tịch UBND không tiếp tục đảm nhiệm chức vụ cũ có đủ điều kiện để bố
trí công tác khác phù hợp.
Để thực hiện tốt chủ
trương này thì những nơi thí điểm cần phải quan tâm chỉ đạo những vấn đề gì?
Đồng chí Trần Lưu Hải:
Các cấp uỷ đảng, nhất là ở những địa phương thực hiện thí điểm cần tổ chức
nghiên cứu, quán triệt kỹ chủ trương này của Trung ương và sự chỉ đạo, hướng dẫn
của cấp uỷ cấp trên, tạo sự thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân
dân địa phương về mục đích, yêu cầu, nội dung và phương pháp tiến hành. Cần coi
trọng chỉ đạo thực hiện thí điểm ở cả cấp huyện và cấp cơ sở; cả nơi không tổ
chức HĐND (huyện, quận, phường) và nơi có HĐND (xã, thị trấn) để qua đó có cơ sở
đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm chỉ đạo chung, giúp cho việc đề xuất những
chủ trương, giải pháp tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong thời
gian tới. Các cấp uỷ cấp trên cần tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm
tra, kịp thời uốn nắn những sai sót, lệch lạc (nếu có) trong quá trình thực hiện
ở cấp dưới; sau khi thực hiện thí điểm cần kịp thời sơ kết, rút kinh nghiệm báo
cáo về cấp uỷ cấp trên theo quy định.
Những tiêu chuẩn nào đồng chí bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND cần phải
có?
Đồng chí Trần Lưu Hải:
Đồng chí bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND phải bảo đảm tiêu chuẩn cán bộ
theo Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của
từng chức danh cán bộ. Cụ thể là: Có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt; có năng
lực và kinh nghiệm về công tác đảng, công tác chính quyền; ý thức tổ chức kỷ
luật, tinh thần trách nhiệm và tính đảng cao; tác phong làm việc dân chủ, sâu
sát, nói đi đôi với làm; có sức khỏe và uy tín trong cán bộ, đảng viên và nhân
dân địa phương, nói chung phải có trình độ đại học về chuyên môn, nghiệp vụ và
lý luận chính trị cao cấp trở lên (đối với huyện, quận); có trình độ chuyên môn,
nghiệp vụ và lý luận chính trị từ trung cấp trở lên (đối với xã, phường, thị
trấn). Đã đảm nhiệm (hoặc được quy hoạch) một trong các chức vụ lãnh đạo, quản
lý ở huyện, quận hoặc xã, phường, thị trấn tương ứng với chức vụ đảm nhiệm; hoặc
những đồng chí có trình độ, kiến thức và năng lực để hoàn thành tốt chức trách,
nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, đồng chí được giao nhiệm vụ bí thư cấp uỷ đồng
thời là chủ tịch UBND phải còn đủ tuổi theo quy định để tiếp tục tham gia cấp uỷ
nhiệm kỳ 2010-2015.
Việc chuẩn bị nhân sự bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND phải tiến hành
như thế nào?
Đồng chí Trần Lưu Hải:
Một trong những nội dung rất quan trọng khi thực hiện thí điểm chủ trương này là
công tác nhân sự. Vì vậy, việc chuẩn bị nhân sự phải tiến hành chu đáo, thận
trọng, bảo đảm dân chủ, khách quan và thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn
của cấp uỷ cấp trên. Nhân sự bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp nào
do cấp uỷ cấp đó chuẩn bị và đề nghị cấp uỷ cấp trên trực tiếp xem xét, quyết
định theo quy định phân cấp quản lý cán bộ. Việc kiện toàn chức danh bí thư cấp
uỷ (bầu cử hoặc cấp uỷ cấp trên chỉ định) tiến hành trước theo quy định của Điều
lệ Đảng và Quy chế bầu cử trong Đảng; việc kiện toàn chức danh chủ tịch UBND
tiến hành sau theo quy định của pháp luật hiện hành. Đối với nơi không tổ chức
HĐND (huyện, quận, phường) thì chức danh chủ tịch UBND do chủ tịch UBND cấp trên
trực tiếp bổ nhiệm. Đối với những nơi có HĐND (xã, thị trấn) thì quá trình chuẩn
bị nhân sự bí thư cấp uỷ, cấp uỷ cần tổ chức hội nghị tham khảo ý kiến của đại
biểu HĐND và đại diện các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở. Sau khi kiện toàn
chức danh bí thư, chủ tịch HĐND giới thiệu đồng chí bí thư cấp uỷ để HĐND bầu
giữ chức chủ tịch UBND. Nếu đồng chí bí thư cấp uỷ đang kiêm chức chủ tịch HĐND
thì phải có đơn xin rút chức chủ tịch HĐND để HĐND cho đồng chí bí thư rút chức
chủ tịch HĐND, sau đó cấp uỷ giới thiệu đồng chí phó bí thư với HĐND để bầu giữ
chức chủ tịch HĐND.
Theo đồng chí, khi thực hiện “nhất thể hoá” hai chức danh bí thư cấp ủy và chủ
tịch UBND, sẽ có những khó khăn, hạn chế gì và làm thế nào để khắc phục?
Đồng chí Trần Lưu Hải:
Khi thực hiện chủ trương bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND tuy có nhiều
ưu điểm, nhưng cũng có một số mặt hạn chế là: Rất khó xác định và phân định được
ranh giới lúc nào thì thực hiện nhiệm vụ của bí thư cấp uỷ, lúc nào thì thực
hiện nhiệm vụ của chủ tịch UBND; đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch sẽ mất
nhiều thời gian đi họp hoặc xử lý những công việc cụ thể của UBND, ít có thời
gian để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo những mặt công tác trọng tâm của đảng bộ và
khi quyền lực được tập trung vào một người, nếu không có cơ chế kiểm tra, giám
sát chặt chẽ thì dễ xuất hiện và xảy ra hiện tượng gia trưởng, độc đoán, chuyên
quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng...
Vì vậy, sau khi kiện toàn
chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp nào thì cấp uỷ, HĐND (nếu
có), UBND ở cấp đó phải xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc. Quy chế
làm việc của mỗi tổ chức phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các
mối quan hệ công tác của cá nhân người đứng đầu với cấp uỷ, HĐND (nơi có HĐND)
và UBND. Cụ thể là mối quan hệ giữa bí thư với ban thường vụ và với cấp uỷ; giữa
chủ tịch UBND với HĐND (nơi có HĐND) và UBND. Đồng thời, cấp uỷ, HĐND, UBND phải
thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc; cấp ủy, HĐND và
UBND cấp trên tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của cấp dưới,
kịp thời khắc phục những biểu hiện tiêu cực, gia trưởng, độc đoán, vi phạm
nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng.
Xin chân thành cảm ơn Đồng chí!
Quốc Khánh thực hiện