Thống nhất từ nhận thức đến thực tiễn...
Là một tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người thuộc những tỉnh thấp nhất cả nước, GRDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 27,82 triệu đồng/người, nhưng điều gì là động lực để Bắc Kạn đột phá, đi đầu trong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ trong hệ thống chính trị giai đoạn 2016 – 2021?
Thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo chính là động lực để Bắc Kạn vượt qua ràng buộc của bộ máy cồng kềnh; đấu tranh với chia sẻ quyền lợi “ngầm” theo lợi ích nhóm và từ bỏ nếp nghĩ, thói quen ăn sâu trong tư duy mô hình quản lý và vận hành bộ máy hành chính nhiều năm trở nên cũ kỹ, nặng nề, trì trệ, cản trở sự phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, Bắc Kạn tiếp nhận tinh thần cách mạng trong cải cách bộ máy, đưa nghị quyết của Đảng, Quốc hội vào cuộc sống là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang được Bắc Kạn tích cực triển khai. (Ảnh nguồn: ITN) |
Công khai, công minh và công bằng là chìa khóa cho những thành công bước đầu khi thực hiện xắp xếp tinh gọn bộ máy. Chính điều này làm cho những chính sách, quyết sách của tỉnh sáng rõ ở từng nơi, từng người, từng vị trí... (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn Nguyễn Hoàng Hiệp). |
Cho đến nay, Bắc Kạn đã cơ bản hoàn thành đề án sắp xếp lại bộ máy và có kế hoạch triển khai đồng bộ từ năm 2019 với việc dự kiến sáp nhập các sở, cơ quan tham mưu giúp việc như: sáp nhập Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Xây dựng với Sở Giao thông, Vận tải; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Thông tin, Truyền thông; Báo và đài Bắc Kạn hay Văn phòng giúp việc Đảng, đoàn thể… Về sắp xếp bộ máy Bắc Kạn được đánh giá ở mức rất tốt xếp thứ 17 trong cả nước. Đây là kết quả bước đầu, là quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong sắp xếp tổ chức bộ máy điều quan trọng bảm đảm sự lãnh đạo của Đảng. Sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo; đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của Bí thư tỉnh ủy tạo ra xung lực thúc đẩy cải cách đổi mới đột phá. Phó bí thư thường trực tỉnh ủy Bắc Kạn Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định: Chúng tôi quan niệm thực hiện nghị quyết cũng chính là cơ hội nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng; nâng cao năng lực quản lý của các cấp chính quyền, của cán bộ. Từ đó thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Cán bộ viên chức nhận thức đầy đủ yêu cầu và chính sách mới như tất yếu khách quan; nhận thức rõ vị trí, vai trò của cơ quan mình phục vụ và trách nhiệm cá nhân trong từng vị trí công tác, vị trí việc làm. Điều quan trọng trong tổ chức lại là hiệu quả công việc phục vụ nhân dân. Và cũng chính thực hiện nguyên tắc này, dư luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ những thay đổi của các cấp chính quyền, chia sẻ ghi nhận đóng góp của cán bộ. Cán bộ đồng lòng, nhân dân ủng hộ thì việc khó mấy cũng vượt qua.- ông Hiệp chia sẻ.
Chủ động tạo dư địa
Đối với các cơ quan Đảng, ngay khi Đề án 03-ĐA/TU và Kế hoạch số 70-KH/TU ngày 07.8.2017 của Thường trực Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế tại các cơ quan thuộc khối đảng, đoàn thể tỉnh được ban hành, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan thuộc khối đảng, đoàn thể tỉnh thực hiện quy trình lựa chọn đối với cấp trưởng phòng dôi dư do sáp nhập theo kế hoạch.
Theo đó, sau khi sắp xếp, khối Đảng, đoàn thể giảm từ 81 phòng xuống còn 52 phòng. Dự kiến số biên chế đảm bảo thực hiện vị trí việc làm là 848 biên chế, tỷ lệ tinh giản là 7,5% so với tổng biên chế của Trung ương giao.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 305/KH-UBND ngày 10.8.2017 về việc thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế giai đoạn 2016 - 2021. Theo đó, đến nay đã có 16/21 sở, ban, ngành thực hiện xong việc thành lập, sáp nhập, giải thể các phòng chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, UBND cấp huyện theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Đối với các đơn vị hành chính nhà nước, các phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc sở, ban, ngành và tương đương cấp tỉnh giảm từ 135 phòng xuống còn 101 phòng; các phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc chi cục, ban trực thuộc sở, ban ngành và tương đương cấp tỉnh giảm từ 60 phòng xuống còn 39 phòng. Đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh giảm từ 9 xuống còn 7 đơn vị, số phòng giảm từ 41 phòng xuống còn 31 phòng; đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ban, ngành giảm từ 104 đơn vị xuống còn 94 đơn vị, số phòng giảm từ 248 phòng xuống còn 192 phòng; đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện giảm từ 348 xuống còn 326 đơn vị; đơn vị sự nghiệp thuộc đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh giảm từ 03 xuống còn 02 đơn vị, số phòng ban thuộc các tổ chức Hội cấp tỉnh giảm từ 08 phòng xuống còn 04 phòng, ban.
Nhìn vào những con số biết nói, Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Kạn Ma Xuân Thu cho biết, Bắc Kạn là một trong những tỉnh thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy nhanh so với toàn quốc. Khi tinh giản bộ máy sẽ dẫn đến dư thừa một số lãnh đạo cấp trưởng phòng và phó phòng, nhưng tỉnh đã lường trước và có văn bản chỉ đạo là trong vòng 2 năm không bổ nhiệm trưởng, phó phòng. Do đó, khi triển khai thực hiện số lượng trưởng, phó phòng không dôi dư nhiều so với dự kiến ban đầu.
Tạo không gian phát triển, quản lý mạch lạc, hiệu lực, hiệu quả
Hợp nhất không chỉ là tinh gọn một cách cơ học mà chính là tạo không gian quản lý đồng bộ, thông suốt, thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau ở các lĩnh lực liên quan mật thiết và đối với hợp nhất đơn vị hành chính còn là tạo không gian phát triển kinh tế xã hội và giữ gìn bản sắc truyền thống địa phương, cơ sở. Chính vì vậy, sự hợp nhất các cơ quan chuyên môn, cơ quan tham mưu giúp việc, đơn vị sự nghiệp… không đơn thuần là thu gọn đầu mối hành chính mà là sắp xếp lại mảng việc liên quan; tạo điều kiện ứng dụng công nghệ, quản lý khoa học hơn tránh chồng chéo, nhũng nhiễu. Vì vậy, việc bàn bạc kỹ lưỡng chức năng nhiệm vụ, vị trí quản lý, vị trí việc làm giữa các sở sáp nhập được chú trọng làm kỹ; việc gì sử dụng chung nguồn lực vật chất, nguồn lực thông tin, công nghệ, cán bộ, việc gì cần làm riêng được khảo sát, cân nhắc kỹ lưỡng. Những việc như vậy không chỉ lãnh đạo sở, ngành, các ban, đoàn thể bàn bạc mà còn triển khai lấy ý kiến cán bộ viên chức vừa hoàn thiện đề án, vừa tạo sự thống nhất cao. Việc gì chưa thống nhất chưa làm, việc gì còn vướng tìm giải pháp.
Tuy nhiên, từ triển khai Đề án 03-ĐA/TU đến thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về Đề án tinh gọn bộ máy những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn rất nhiều vấn đề đặt ra.
Cụ thể như, hợp nhất đơn vị hành chính cơ sở theo quy mô dân số và diện tích là chủ trương đúng. Tuy nhiên, khi thực hiện phải khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng đặc điểm từng vùng, đơn vị; cân nhắc cả yếu tố đặc thù dân tộc, cộng đồng, vùng miền, thu ngân sách để tránh lắp ghép cơ học. Đặc biệt hợp nhất còn cần tạo ra không gian phát triển kinh tế- xã hội mở, đủ quy mô đầu tư cơ sở hạ phát triển kinh tế xã hội tạo sự liên kết thị trường nhất là vùng đồng bào còn nặng sản xuất tự cung, tự cấp. Mặt khác, phải hết sức chú ý công tác cán bộ. Giải quyết tốt vấn đề này thì mục tiêu hợp nhất nâng cao năng lực quản lý ở của các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, thôn mới đạt được... Đây cũng là khó khăn khi tinh giản bộ máy ở từng địa phương. Hay việc tận dụng cơ sở vật chất khi nhập ba xã làm một như thế nào? Xây dựng trụ sở mới ở đâu? Quy mô ra sao? Và đặc biệt là đưa chính quyền gần dân hơn, sát dân hơn bằng cách nào? Những thách thức như vậy phải được lý giải đầy đủ trước khi bước vào thực hiện các đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả ở Bắc Kạn.
Rõ ràng con đường thực hiện cải cách bộ máy còn nhiều chông gai phía trước nhưng Bắc Kạn lặng lẽ đi đầu như một điển hình chia sẻ kinh nghiệm. Các tỉnh và thành phố cũng có nhiều bài học kinh nghiệm và sự tương tác trao đổi sẽ giúp Nghị quyết của Đảng, Quốc hội có sức sống mãnh liệt.
Lấy đại sự làm thước đo phát triển
“Bắc Kạn đã tinh gọn và khoán định mức cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố một cách bài bản. Qua thăm dò ý kiến có 87% bà con và các cấp chính quyền ủng hộ, đồng tình. Tuy nhiên, vẫn còn một số người có tâm tư, băn khoăn và tâm tư này là có thật. Nhưng tôi nghĩ lấy đại sự để làm thước đo chung cho sự phát triển của Bắc Kạn và chúng tôi đã mạnh dạn làm đề án này.”- Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Kạn Ma Xuân Thu chia sẻ.
Bước ngoặt thay đổi hệ thống cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn
Thực hiện Nghị quyết 39 và Quyết định 64 của Bộ Chính trị và sau này là Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành TƯ Khóa XII, Bắc Kạn đã tổ chức triển khai công tác tinh gọn, sát nhập bộ máy cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố. Và qua gần 2 năm chuẩn bị, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về Đề án tinh gọn bộ máy những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Theo Giám đốc Sở Nội Vụ Bắc Kạn Ma Xuân Thu, đây là một Nghị quyết hết sức quan trọng, như một bước ngoặt để thay đổi hệ thống cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn và tổ dân phố.
|
Việc sắp xếp, bố trí tinh gọn bộ máy những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở với phương châm một người kiêm nhiều chức danh sẽ tiết kiệm được một khoản ngân sách lớn. |
Nguồn: baobackan.org.vn |
Việc giảm đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn và tổ dân phố vừa có thuận lợi nhưng gặp không ít khó khăn. Đây là vấn đề chế độ chính sách đối với cán bộ, vấn đề bảo đảm hoạt động của bộ máy gần dân, vì dân, phục vụ nhân dân và thực sự hiệu quả. Trước kia, cán bộ không chuyên trách cấp xã của tỉnh Bắc Kạn là 18 định biên nhưng nay thì còn 8 định biên, giảm đi 10 định biên với một xã. Như vậy là khoảng 2.700 cán bộ không chuyên trách cấp xã bây giờ chỉ còn 976 người. Đối với cán bộ thôn gồm 14 chức danh nay còn 3 chức danh. 3 chức danh được hưởng chế độ chính sách trên cơ sở 5 định biên nhưng chỉ có 3 người phụ trách cứng, các chức danh còn lại thì kiêm nhiệm. Các chức danh cứng gồm có: Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn; Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận; Công an viên hoặc Ủy viên Ban Bảo vệ dân phố (đối với tổ dân phố). 3 chức danh này có thể kiêm nhiệm không quá 3 chức danh còn lại của các định biên không giao nữa.
Từ 01.01.2019 Bắc Kạn sẽ đưa Nghị quyết về Đề án tinh gọn bộ máy những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn vào thực hiện. Phạm vi điều chỉnh của đề án là 122 xã, phường, thị trấn và 1.241 thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của Đề án giảm số lượng những người hoạt động không chuyên trách, tinh giảm, gọn nhẹ bộ máy tại cơ sở đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. |
Tinh giản cán bộ đi đôi với chế độ, chính sách mới như thế nào? Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND để giải quyết vấn đề này người kiêm nhiệm chức danh, bao quát nhiều công việc, trách nhiệm cao thì hưởng định mưc bao nhiêu. Nếu là Trưởng thôn thì được tính 01 định mức, nếu là Trưởng thôn và Bí thư Chi bộ thì được tính 02 định mức và có thể kiêm chức danh thứ 3 nữa là Chủ tịch Hội Người cao tuổi. Mỗi chức danh kiêm nhiệm được hưởng 60% định mức của từng chức danh được quy định trong Nghị định 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở cấp xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Như vậy, vừa bảo đảm các công việc lĩnh vực phụ trách ở cấp cơ sở không bỏ trống, buông lỏng, vừa giảm được số người không cần thiết. Tính số lượng người giảm sau khi tinh gọn cấp thôn đã là 12.379 người. Đây là một con số hết sức lớn trong bộ máy chính quyền cơ sở. Điều này đòi hỏi tiến trình xây dựng chính sách phải tính toán thận trọng, đầy đủ, làm tốt công tác tư tưởng cũng như đãi ngộ, vinh danh…
Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Kạn Ma Xuân Thu cho biết: Kế hoạch triển khai cụ thể, rõ trách nhiệm từng cơ quan, giải quyết tốt từng đối tượng. Bên cạnh đó, Sở Nội vụ được UBND tỉnh giao trách nhiệm phối hợp với Ban tổ chức Tỉnh ủy, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, Tư pháp, Tài chính hướng dẫn chung: tổ chức như thế nào, cách chi tiền khoán, mỗi tổ chức được khoán bao nhiêu? Ví dụ: Với cấp xã thì cứ 5 hội được khoán 1 triệu/tháng, còn với cấp thôn thì mỗi hội chỉ khoán 150.000/tháng. Đó là việc thực hiện chế độ, xây dựng hướng dẫn.
Chính sách đi trước, sáp nhập theo sau
Với số lượng cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố giảm nhiều thì khi tổ chức triển khai việc xử lý số dư thế nào? Đây là vấn đề khó cần có bước mạnh dạn, đột phá, sáng tạo tìm hướng đi phù hợp điều kiện từng nơi. Vì vậy, Bắc Kạn khảo sát xây dựng chính sách, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, nhân dân, phổ biến tinh thần đổi mới của Nghị quyết phải thấu đáo, phải thuyết phục, phải đi trước một bước và có giải pháp phù hợp. Ở Bắc Kạn, cấp chính quyền ghi nhận sự cống hiến của những đối tượng đã có thời gian giữ những chức danh cũng như trách chức của thôn, xã. Thông qua các cấp chính quyền xây dựng huy hiệu “Vì sự phát triển tỉnh Bắc Kạn” trao tặng cán bộ. Với những chức danh có thời gian công tác khoảng 10 năm trở lên, đã 2 lần được UBND tỉnh tặng giấy khen cấp huyện, cấp tỉnh trở lên sẽ được xem xét trao tặng huy hiệu và kèm theo đó là được 0,5 mức lương tối thiểu theo mức lương hiện nay. Như vậy, khi tinh giản, một số sẽ được hưởng theo chế độ này còn một số thì chỉ ghi nhận.
Việc hướng dẫn thực hiện cụ thể đóng vai trò quan trọng đối với cấp cơ sở. Xác định được điều đó, Bắc Kạn hướng dẫn tổ chức đại hội lại bầu Trưởng thôn trên tinh thần xem đồng chí nào là đảng viên kiêm nhiệm được là Bí thư thì bầu vào chức danh Bí thư. Đồng thời, lấy phương châm những người được dân tín nhiệm nhiều nhất sẽ được bầu vào chức vụ, nếu chưa là đảng viên sau đó phát triển đảng, không nhất thiết đảng viên không làm được mà vẫn đưa vào làm lãnh đạo; bảo đảm bộ máy từ cơ sở có được sự tín nhiệm của nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng.
Về chức danh kiêm nhiệm cũng vậy, chính sách phải đi trước, Bắc Kạn làm kỹ lưỡng, thận trọng ai sẽ kiêm nghiệm những chức danh gì. Ví dụ: Công an viên sẽ kiêm những chức danh gì sẽ được Sở Nội vụ tư vấn cho các xã, thôn chứ không để họ tự “bươn trải”. Cùng với đó, các vấn đề phụ cấp, khoán kinh phí cũng được hướng dẫn cụ thể cho từng đối tượng. Những hoạt động nào thuộc chuyện khoán, những hoạt động nào được chi, những hoạt động nào không được chi sẽ rõ ràng, mạch lạc.
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở cấp cơ sở có tác động sâu rộng đến các cấp chính quyền, đến lòng dân, đến tâm tư đội ngũ cán bộ cơ sở đã gắn bó, cống hiến nhiều năm nên việc rà soát kỹ lưỡng, đánh giá tác động và xây dựng chính sách cụ thể, phù hợp phải là công việc hàng đầu. Bên cạnh đó phải biết gạt bỏ những ràng buộc, hệ lụy, lấy đại cục, lấy mục đích phục vụ nhân dân, phát triển kinh tế- xã hội làm trọng thì mới có thể tiến hành thành công. Đó là những bài học từ Bắc Kạn.
Không tinh gọn, sáp nhập cơ học
“Năm 2018, Bắc Kạn rà soát lại tất cả các xã, phường, thị trấn không đủ một trong hai yếu tố là diện tích và dân số. Đồng thời rà soát cả những xã, phường đủ tiêu chí về cả dân số và diện tích mà thuận lợi về kinh tế và các yếu tố khác để nghiên cứu sáp nhập. Đấy là điểm khác biệt, là điều Bắc Kạn trăn trở, tìm tòi trong sáp nhập để tạo không gian phát triển thuận lợi. Khi đã phát triển rồi thì phải mặc bộ quần áo mới hơn để vừa vặn trong quản lý điều hành chứ không phải cứ phải thiếu cái này cái kia mới sáp nhập.”- Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Kạn Ma Xuân Thu nhấn mạnh.
Bài bản, cẩn thận, chi tiết
Cán bộ không chuyên trách cấp xã trước kia khoảng 2.700 người, bây giờ chỉ còn 976 người. Vậy 976 người này phải tìm được những người thật sự năng động, sáng tạo và dày dặn trong các công tác để đảm nhận công việc. Và các công việc không chỉ dừng lại ở “ngày xưa” mà còn phải khá hơn, như thế mới đạt được mục đích. Đây là một quá trình có sự chỉ đạo và hướng dẫn một cách chi tiết thì sẽ thành công. Và Bắc Kạn cũng sẽ yêu cầu từng huyện xây dựng lại các kế hoạch, lộ trình và Sở Nội vụ sẽ trực tiếp chỉ đạo từng đơn vị để đúng theo đề án. - Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Kạn Ma Xuân Thu |
Khi tinh gọn bộ máy ở cấp tỉnh thì không thể làm một cách cơ học, sáp nhập các sở ngành, phòng chuyên môn cũng không phải vậy. Đây là cách nghĩ, cách làm từ thực tiễn từng địa phương. Mạnh dạn, quyết liệt, bám sát Nghị quyết Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội nhưng không trì trệ, làm qua loa, ngại động chạm quyền lợi. Bắc Kạn nghiên cứu kỹ những sở ngành nào tương đồng về chức năng, nhiệm vụ thì xem xét sáp nhập, không phải sáp nhập để hoàn thành bộ máy nhưng biên chế không giảm. Khi sáp nhập bộ máy xong phải đi đôi xây dựng lại vị trí việc làm cho phù hợp.
Việc thực hiện Nghị quyết của HĐND Bắc Kạn về Đề án tinh gọn bộ máy những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố cũng như vậy, không thể làm một cách cơ học. Trước hết là vấn đề cán bộ không chuyên trách trước kia đông nhưng bây giờ giảm đi thì rõ ràng phải là cả một vấn đề về tổ chức giải quyết người đi, người ở như thế nào. Theo Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Kạn Ma Xuân Thu, phải lựa chọn làm sao để 3 chức danh cứng về chính quyền, về đảng phải chọn được những người năng động, nhiệt tình và tâm huyết là nhân tố quyết định. Và Bắc Kạn làm hết sức bài bản, cẩn thận, chi tiết ở từng cơ sở.
Việc tinh giảm, gọn bộ máy thì đồng thời cũng phải tinh gọn lại vị trí việc làm để có hiệu lực, hiệu quả. Đây vừa là vấn đề khoa học về tổ chức, về sử dụng con người, vừa là vấn đề khó giải quyết ngay và tưởng như mâu thuẫn khi con người giảm, bộ máy gọn mà hiệu lực, hiệu quả lại phải cao hơn. Nếu làm bộ máy theo cơ học nhưng biên chế không giảm thì cũng không đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Nhưng cũng không thể lấy con số giảm làm thành tích, kết quả. Điều cốt lõi vẫn là hiệu quả, hiệu lực của bộ máy chính quyền phục vụ nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Bản Pác Ngòi - biểu tượng văn hóa của núi rừng Bắc Kạn. (Ảnh nguồn: ITN) |
Tôn trọng lịch sử và ý nguyện của người dân
Khi triển khai đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã từ nay tới năm 2021 tại tỉnh Bắc Kạn thì yêu cầu đầu tiên là phải tôn trọng lịch sử và ý nguyện của người dân. Đây là vấn đề mới đặt ra từ thực tiễn khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, thôn ở Bắc Kạn. Điều này được nghiên cứu, bổ sung, xin ý kiến các cấp để thực hiện thống nhất về những điểm đặc thù phát sinh. Không chỉ sắp xếp theo tiêu chí diện tích và dân số mà bỏ qua đặc thù văn hóa, lịch sử. Không thể sáp nhập các xã, thôn một cách cơ học như vậy sẽ vương mắc trong thực thi.
Đi từ thực tế cụ thể của địa phương, ông Ma Xuân Thu cho biết: thôn bản người Mông, người Dao và người Kinh thì hai dân tộc người Kinh với Dao sáp nhập thuận lợi, nhưng với người Mông thì họ có nét đặc thù là muốn sống độc lập. Mặt khác đặc thù về văn hóa, đặc biệt là về tôn giáo thì không bắt buộc phải sáp nhập cơ học. Nhưng với những thôn có đủ diện tích hoặc dân số đạt nhưng mà sáp nhập tạo thuận lợi cho phát triển và nhân dân đồng tình thì Sở Nội vụ vẫn trình HĐND tỉnh để sáp nhập. Như thế vừa bảo đảm các yếu tố văn hóa, truyền thống và những nét dân tộc, vừa phù hợp với quy định hiện hành.
Hiện, Bắc Kạn đã rà soát khoảng 23 xã, thị trấn không đủ diện tích hoặc không đủ dân số. Ở Bắc Kạn chủ yếu là không đủ dân số, còn diện tích thì không thiếu nhiều. Khi sáp nhập 1 xã hoặc 3 xã làm một có rất nhiều bất cập. Thứ nhất, khi sáp nhập 3 xã làm một thì 2 trụ sở còn lại sẽ dư thừa, trong khi đó trụ sở mới thành lập ở 1 xã thì lại thiếu phòng làm việc. Thứ hai, đội ngũ cán bộ nếu dồn 3 xã sẽ chỉ còn 1 chủ tịch UBND, 1 chủ tịch HĐND, 1 chủ tịch Mặt trận Tổ quốc… Rõ ràng sẽ dư thừa các cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn. Mục đích của sáp nhập là vừa tinh gọn được bộ máy nhưng phải phục vụ được dân doanh. Nếu bộ máy khi sáp nhập mà phục vụ dân doanh không tốt thì có nhất thiết phải sáp nhập không? Chỉ khi nào người dân đồng tình từ 51% trở lên Bắc Kạn mới thực hiện. “Trụ sở ngày xưa rất gần, giải quyết hồ sơ rất nhanh, hộ khẩu, hộ tịch, đăng ký khai sinh, khai tử chỉ trong 30 phút – 1 giờ đổ lại, bây giờ lên đến 3-4 giờ đồng hồ chẳng hạn thì người dân không ủng hộ. Mà người dân không ủng hộ thì mình cũng chẳng dại gì ép một cách cơ học để sáp nhập.”- Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Kạn Ma Xuân Thu nói.
Sự đồng thuận của người dân sẽ là yếu tố quyết định sự thành công của việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả ở Bắc Kạn. Đó là nguyên tắc trong vận hành, triển khai Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, HĐND tỉnh thể hiện sự tôn trọng ý nguyện của người dân, lấy dân làm gốc, làm mục tiêu phục vụ. Đây là cách làm bám sát thực tiễn ở Bắc Kạn.
Thanh Hà