Đắk Lắk có 184 xã, phường, thị trấn (152 xã, 20 phường,12 thị trấn), với 2.466 thôn, buôn, tổ dân phố; trong đó có 89 xã thuộc khu vực I, 52 xã thuộc khu vực II, 43 xã khu vực thuộc III và 411 thôn đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ lực lượng dân quân toàn tỉnh là 1,37% so với tổng số dân, 100% xã, phường, thị trấn có chi bộ quân sự.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn vùng Tây Nguyên trong xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, sự cần thiết phải thành lập chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn (gọi chung là chi bộ quân sự xã), nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ (DQTV), dự bị động viên (DBĐV) trong tình hình mới; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Đảng ủy Quân sự tỉnh và cấp ủy các địa phương khảo sát, nghiên cứu tình hình công tác xây dựng Đảng trong lực lượng DQTV, DBĐV và Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 02-HD/BTC, ngày 25-6-2004 về "Thực hiện mô hình tổ chức chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn”. Đảng ủy Quân sự tỉnh ban hành Công văn số 428-CV/ĐU, ngày 20-7-2009 về việc "Đẩy mạnh xây dựng chi bộ quân sự". Sau khi có Hướng dẫn số 35-HD/BTCTW, ngày 15-10-2009 của Ban Tổ chức Trung ương về “Tổ chức và hoạt động của chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn”; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức quán triệt sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng về mục đích, ý nghĩa, vai trò, vị trí, chức năng, tầm quan trọng của chi bộ quân sự xã cũng như các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chi bộ quân sự xã. Đồng thời, chỉ đạo cấp ủy các địa phương củng cố, kiện toàn chi bộ quân sự xã đảm bảo về cơ cấu theo hướng dẫn của Trung ương; xác định rõ đối tượng lãnh đạo của chi bộ quân sự là Ban chỉ huy quân sự và đơn vị dân quân cơ động, dân quân thường trực (đối với các xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng, an ninh).
Các cấp ủy quân sự đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy cùng cấp nhiều giải pháp để tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của chi bộ quân sự xã, nhất là năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp uỷ, chi bộ. Căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, đa số các chi bộ quân sự xã đã xây dựng quy chế làm việc, chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, đảng viên trong chi bộ; đồng thời, đề ra các chủ trương, giải pháp phấn đấu xây dựng chi bộ đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh. Các cấp ủy đảng cũng đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các chi bộ quân sự xã thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt đảng, từng bước đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư. Một số cấp ủy đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và định hướng đưa nội dung sinh hoạt chuyên đề vào sinh hoạt chi bộ; gắn sinh hoạt chi bộ với thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Hầu hết các chi bộ quân sự xã đã quy định ngày sinh hoạt định kỳ hằng tháng, nội dung sinh hoạt phong phú hơn và đi sâu thảo luận những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị.
Công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên được các chi bộ tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả, số lượng đảng viên kết nạp hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ đảng viên trong LL DQTV của tỉnh, đạt 19%; đảng viên trong lực lượng DBĐV đạt 10% (riêng SQDB: 52%, đảng viên là HSQ,CS dự bị hạng I: 5,28%). Công tác đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên được thực hiện nghiêm túc, đúng thực chất; kết quả hằng năm có trên 88% chi bộ quân sự đạt trong sạch vững mạnh, không có chi bộ yếu kém; có từ 76% đến 81% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, tỷ lệ đảng viên vi phạm tư cách và không hoàn thành nhiệm vụ giảm từ 0,41% năm 2009 xuống còn 0,26% năm 2013; từ năm 2009 đến nay đã tiến hành kiểm tra 3.101 lượt đảng viên và giám sát 2.795 lượt đảng viên, thông qua việc kiểm tra, giám sát đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của cấp ủy chi bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được phân công. Các chi bộ quân sự xã đã lãnh đạo Ban CHQS xã, phường, thị trấn thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp về nhiệm vụ quốc phòng và công tác quân sự ở địa phương, cơ sở; xây dựng và nâng cao chất lượng lực lượng dân quân cơ động, dân quân thường trực; lãnh đạo thực hiện tốt công tác huấn luyện, giáo dục chính trị cho các đối tượng, đúng, đủ nội dung, bảo đảm đúng quy định; tham mưu thực hiện công tác đăng ký nhĩa vụ quân sự độ tuổi 17, công tác tuyển, chọn, gọi công dân nhập ngũ, tạo nguồn trong tuyển quân, tuyển sinh quân sự...; tích cực tham gia công tác phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai; trên cơ sở đó đã giúp cấp ủy các cấp lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, hoàn thành 100% chỉ tiêu gọi thanh niên nhập ngũ hàng năm; chất lượng tuyển quân từng bước được nâng cao (chất lượng chính trị, trình độ học vấn và sức khỏe); hoàn thành cơ bản nội dung, chương trình huấn luyện cho lực lượng DQTV, DBĐV; kết quả kiểm tra bình quân hàng năm đối với các lực lượng đạt 70-75% khá giỏi; tổ chức đủ đầu mối các đơn vị DBĐV, quản lý lực lượng DBĐV từng bước đi vào nề nếp; cơ bản hoàn thành tốt công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng, chất lượng giáo dục quốc phòng - an ninh và nhận thức của các đối tượng ngày càng nâng cao. Góp phần tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, tham gia tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, một số cấp ủy chưa thực hiện đầy đủ hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương; chưa gắn việc xây dựng và hoạt động của chi bộ quân sự xã với tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên; ở một số nơi vẫn chưa thực hiện tốt chế độ sinh hoạt chi bộ; chất lượng sinh hoạt chưa cao, chưa bám sát nhiệm vụ chính trị cụ thể. Công tác chỉ đạo, phối hợp với các lực lượng, đặc biệt với Công an, Kiểm lâm trong công tác giữ gìn an ninh trật tự theo Nghị định 74/2010/NĐ-CP của Chính phủ ở một số xã, phường, thị trấn chưa tốt; chưa xây dựng quy chế phối hợp hoạt động, công tác trao đổi thông tin duy trì chưa thường xuyên dẫn đến việc nắm bắt, phản ánh tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn với cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương có lúc chưa kịp thời. Việc lựa chọn, tạo nguồn phát triển đảng viên trong độ tuổi nhập ngũ, tuyển chọn đảng viên trong thanh niên nhập ngũ gặp nhiều khó khăn, không đạt chỉ tiêu trên giao; chưa thường xuyên quan tâm lãnh đạo xây dựng chi đoàn quân sự xã, phường, thị trấn.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các chi bộ quân sự xã, các cấp ủy đảng tỉnh Đắk Lắk xác định thực hiện tốt nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục quán triệt và chỉ đạo chặt chẽ việc cơ cấu vào chi bộ quân sự đúng thành phần theo Hướng dẫn số 35-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương. Thường xuyên giáo dục cho cán bộ, đảng viên nắm vững về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tổ chức và hoạt động của chi bộ quân sự xã; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
2. Tiến hành rà soát, bổ sung và hoàn thiện quy chế làm việc, quy chế phối hợp của chi bộ phù hợp với thực tế tình hình của mỗi địa phương, đơn vị. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ quân sự xã. Thường xuyên kiểm tra việc duy trì nề nếp, nội dung sinh hoạt chi bộ, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, rút kinh nghiệm và chỉ đạo hoạt động đạt hiệu quả.
3. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát đối với chi bộ quân sự xã trong việc chấp hành các chủ trương, nghị quyết của Đảng, thực hiện quy chế làm việc, quy chế phối hợp, rèn luyện, giáo dục, quản lý đảng viên; Thực hiện tốt công tác đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên hằng năm bảo đảm nghiêm túc, đúng thực chất. Lấy kết quả và hiệu quả hoạt động của đơn vị để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của chi ủy, chi bộ.
4. Theo dõi, chỉ đạo đảng ủy cấp xã củng cố, kiện toàn chi bộ quân sự khi có thay đổi về nhân sự; tiếp tục cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng các chức danh chủ chốt của ban chỉ huy quân sự xã, chú trọng công tác tạo nguồn gắn với đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch cán bộ.
5. Thường xuyên bồi dưỡng về phương pháp, cách thức tiến hành công tác đảng, công tác chính trị cho cán bộ chính trị viên, chính trị viên phó ban CHQS cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nguyễn Phú Lập
Ban Tổ chức Tỉnh ủy