Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế của tỉnh Quảng Bình đạt nhiều kết quả. Quá trình thực hiện, rút ra một số kinh nghiệm bước đầu.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quảng Bình đã chủ động rà soát và tinh giản biên chế theo lộ trình, mỗi năm giảm tối thiểu 2,5% biên chế. Đến nay, khối chính quyền giảm 1.157 người, khối đảng giảm 68 người và đã thực hiện điều chuyển nội bộ từ nơi thừa sang nơi thiếu, hạn chế việc tuyển dụng, tiếp nhận mới. Theo kế hoạch, đến năm 2021 toàn tỉnh Quảng Bình phải tinh giản 2.683 biên chế.
Việc sắp xếp các phòng, ban bên trong của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Quảng Bình được triển khai tích cực, đã giảm mạnh số lượng phòng và lãnh đạo cấp phòng; giảm số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập. Đã tiến hành xây dựng Đề án giải thể, sáp nhập và giảm các đơn vị sự nghiệp khối đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; sắp xếp kiện toàn các phòng và lãnh đạo cấp phòng theo Quy định số 04 của Ban Bí thư.
Tỉnh Quảng Bình cũng đã tiến hành sáp nhập, hợp nhất 71 thôn, bản, tổ dân phố, hiện nay tỉnh có 1.183 thôn, bản, tổ dân phố. Về tình hình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và công tác tinh giản biên chế khối chính quyền, tính đến tháng 10-2018 qua rà soát, sắp xếp Quảng Bình đã giảm được 42 cấp phó; giảm 8 đơn vị sự nghiệp công lập, 8 lãnh đạo cấp trưởng của 8 đơn vị sự nghiệp công lập và 12 lãnh đạo cấp phòng. Đã bố trí kiêm nhiệm một số chức danh có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, như: trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đồng thời là chánh thanh tra huyện; trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; thực hiện văn phòng phục vụ chung khối mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện; văn phòng chung ở cấp xã...
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy được gắn với tinh giản biên chế. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quảng Bình đã chủ động rà soát và tinh giản biên chế theo lộ trình, mỗi năm giảm tối thiểu 2,5% biên chế. Đến nay, khối chính quyền giảm 1.157 người, khối đảng giảm 68 người và đã thực hiện điều chuyển nội bộ từ nơi thừa sang nơi thiếu, hạn chế việc tuyển dụng, tiếp nhận mới. Theo kế hoạch, đến năm 2021, toàn tỉnh Quảng Bình phải tinh giản 2.683 biên chế
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiện nay ở Quảng Bình đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Việc hợp nhất, sáp nhập một số sở, ngành của Quảng Bình thực hiện chưa thống nhất giữa các địa phương, đơn vị. Trong quá trình sắp xếp, có một số vấn đề chưa thống nhất giữa địa phương và cơ quan Trung ương, như việc sắp xếp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh với Trung tâm Dạy nghề của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Trung tâm Bắc Trung Bộ của Tỉnh đoàn, nhưng Hội Nông dân Việt Nam không đồng ý sáp nhập, muốn giữ lại mô hình cũ.
Việc tinh giản biên chế mới chỉ giảm các đối tượng về hưu trước tuổi, những trường hợp về hưu thì không bổ sung biên chế, thực tế chưa tinh giản được nhiều đối với các đối tượng không bảo đảm yêu cầu công việc đưa ra khỏi bộ máy, mặt khác, cũng rất khó khăn trong thu hút những sinh viên giỏi, xuất sắc vào làm việc trong bộ máy Nhà nước.
Có thể nói, Quảng Bình đã bước đầu đạt được những kết quả nhất định trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Tuy nhiên, đây là một việc làm khó, nhạy cảm và phức tạp, đòi hỏi có thời gian và lộ trình phù hợp. Quá trình thực hiện, rút ra một số kinh nghiệm bước đầu sau:
Một là, chủ động, tích cực trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận, kế hoạch, quy định, hướng dẫn của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả.
Hai là, có tư duy đổi mới, sáng tạo, cách tiếp cận khoa học, phù hợp; mạnh dạn tổ chức thực hiện với bước đi chắc chắn, không chủ quan, nóng vội.
Ba là, coi trọng tổng kết thực tiễn, cả những việc thành công và chưa thành công trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra.
Bốn là, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
Năm là, kịp thời giải quyết chế độ, chính sách, làm tốt công tác tư tưởng đối với các đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Ngọc Thảo
Ban Tổ chức Trung ương