Năng động, sáng tạo, tích cực đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Cán bộ, phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng và chuyên viên Vụ Địa phương III cùng đi cơ sở. Ảnh: Thu Huyền

Xin Đồng chí đánh giá vấn đề nổi bật nhất trong công tác tổ chức xây dựng đảng ở phía Nam trong năm 2010 ?
Vấn đề nổi bật nhất năm 2010 là tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 04-8-2009 và Ban Tổ chức Trung ương có Hướng dẫn số 33-HD/BTCTW ngày 25-9-2009 các tỉnh, thành ủy ở phía Nam đã tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai đến cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, thành và cấp trên cơ sở. Đồng thời có văn bản hướng dẫn các đảng bộ cơ sở thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư và đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở trực tiếp bầu bí thư.
Sau khi quán triệt các văn bản chỉ đạo của cấp trên, các đảng bộ cơ sở được chọn làm điểm đã tích cực, khẩn trương triển khai xây dựng văn kiện và công tác nhân sự. Hầu hết các tỉnh, thành ủy và cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng đều thành lập Ban Chỉ đạo đại hội do đồng chí bí thư hoặc phó bí thư cấp ủy là trưởng ban, lập các tổ công tác do đồng chí trưởng ban tổ chức làm tổ trưởng. Để chuẩn bị cho việc tổ chức đại hội, nhiều cấp ủy đã tiến hành rà soát tình hình cơ sở, xác định những nơi có nhiều khó khăn để tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề nổi cộm có liên quan đến cán bộ, đảng viên, nhất là những đồng chí dự kiến tham gia cấp ủy nhiệm kỳ mới, đồng thời thực hiện một bước việc kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, điều động, sắp xếp, bố trí và luân chuyển các đồng chí thuộc diện quy hoạch tiếp cận chức danh quy hoạch.
Năm 2010, các tỉnh, thành ủy và cấp ủy cấp trên cơ sở thường xuyên quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cấp ủy và các chức danh chủ chốt lãnh đạo, quản lý của từng cấp, với yêu cầu: phải gắn liền với việc chuẩn bị từng bước nhân sự cấp ủy khóa mới và đảm bảo đúng quy trình Hướng dẫn số 33-HD/BTCTW. Nghĩa là việc rà soát, bổ sung quy hoạch lần này phải thực hiện các bước, từ khâu lấy ý kiến cán bộ chủ chốt trên cơ sở danh sách cán bộ do tổ chức đảng có thẩm quyền trước đây đã đưa vào quy hoạch. Chính vì vậy, trước, trong và sau đại hội đảng bộ các cấp và nhất là cấp cơ sở, công tác nhân sự không có biến động về tư tưởng hay biểu hiện “đấu đá” để “tranh chức, giành quyền”. Danh sách bầu cấp ủy nhiệm kỳ mới đều có số dư từ 15% trở lên, ban thường vụ trên 20%. Kết quả bầu cử phần lớn đảm bảo về chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý. Cấp ủy viên mới tham gia cấp ủy ở cả 3 cấp đạt tỷ lệ trung bình từ 35% đến 50%, có nơi trên 60%. Tỷ lệ cấp ủy viên là nữ ở cấp cơ sở của Tp. Hồ Chí Minh đạt 27,19% (cao nhất cả nước). Đối với cấp ủy cấp trên cơ sở và tương đương, nhiều nơi có tỷ lệ cấp ủy viên nữ đạt trên 15%, một số nơi đạt trên 20%: Quận Bình Thủy của Tp. Cần Thơ; Quận 1, 5, 10 của Tp. Hồ Chí Minh. Phần nhiều các đơn vị thực hiện thí điểm đại hội bầu trực tiếp bí thư, phó bí thư đều không có số dư và kết quả phiếu tín nhiệm đạt trên 85%.

Từ công tác tham mưu nắm tình hình, sắp xếp cán bộ chủ chốt phục vụ đại hội đảng bộ các cấp thời gian qua, Đồng chí đánh giá như thế nào về công tác của Vụ, về đội ngũ chủ chốt các tỉnh thành ủy trong khu vực?
Công tác tham mưu nắm tình hình và đề xuất nhận xét, đánh giá, sắp xếp cán bộ chủ chốt là chức năng, nhiệm vụ của các vụ địa phương được Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương giao, trong đó có Vụ Địa phương III. Việc nắm tình hình là nhiệm vụ thường xuyên của chuyên viên  và của Vụ. Vì có qua nắm chắc tình hình nhiều mặt hoạt động của địa phương mới hiểu được năng lực tổ chức thực hiện và khả năng vận dụng để cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước vào điều kiện thực tiễn của từng địa bàn đối với tập thể lãnh đạo và cá nhân chủ chốt ở các địa phương như thế nào. Bằng nhiều kênh thông tin khác nhau, thông qua việc đi cơ sở, tổ chức khảo sát, dự các hội nghị sơ kết, tổng kết hay tham gia các đoàn công tác của Trung ương kết hợp với phương pháp phân tích, tổng hợp, từng chuyên viên được phân công theo dõi địa bàn cùng với tập thể Vụ có những đề xuất, nhận xét về năng lực, phẩm chất, kết quả lãnh đạo, điều hành, quản lý của tập thể và cá nhân nêu trên.
Năm 2010 là năm đảng bộ các cấp tập trung cho công tác đại hội tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng, đồng thời phải tập trung lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2010 gắn với việc kiểm điểm thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ đương nhiệm. Với tinh thần đó, ngay từ đầu năm, được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy cơ quan cùng sự hỗ trợ của các vụ, đơn vị trong Ban và sự phối hợp của các cơ quan đảng phía Nam, các cơ quan tham mưu về tổ chức xây dựng đảng ở các địa phương, Vụ và chuyên viên  của Vụ III đã bám chắc địa bàn để nắm tình hình và tham mưu sắp xếp cán bộ chủ chốt ở một số tỉnh, thành ủy có nhu cầu. Vụ đã nỗ lực phấn đấu đảm bảo cấp ủy khóa mới (nhiệm kỳ 2010-2015) có các đồng chí chủ chốt đủ tiêu chuẩn năng lực, trình độ, đạo đức phẩm chất, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới, đủ sức lãnh đạo đảng bộ thực hiện thắng lợi nghị quyết do đại hội đề ra. Đồng thời đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XI theo hướng nhân sự mà Ban Chấp hành Trung ương khóa X chuẩn bị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ chủ chốt qua hoạt động thực tiễn nhiều năm cho thấy đã có bước phát triển nhiều mặt (nhất là các đồng chí được luân chuyển và các đồng chí là uỷ viên dự khuyết BCHTƯ). Đã cùng với tập thể lãnh đạo của đảng bộ thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết Đại hội X và của BCHTƯ khoá X và đại hội đảng bộ cấp mình. Hầu hết được tập thể cấp ủy và Trung ương đánh giá là hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật tốt. Phần đông giữ được phẩm chất đạo đức, lối sống, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quan hệ mật thiết với cơ sở và nhân dân, được tín nhiệm.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt mạnh, một số đồng chí chủ chốt ở một số tỉnh, thành khu vực phía Nam vẫn có hạn chế nhất định: không đủ tuổi tái cử chức danh đương nhiệm và cấp ủy nhiệm kỳ 2010-2015 theo Chỉ thị 37-CT/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 33-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương. Một số đồng chí hạn chế về năng lực, phương pháp lãnh đạo, quản lý. Vai trò quy tụ tập thể chưa cao, phong cách  làm việc chưa khoa học, sự rèn luyện, tu dưỡng chưa thật sự gương mẫu.
Từ thực tiễn và với tinh thần trách nhiệm, từng chuyên viên và Vụ đã đề xuất Lãnh đạo Ban và Trung ương sắp xếp, bố trí lại nhiệm vụ và luân chuyển theo quy hoạch đã được xác nhận một số chức danh chủ chốt ở một số tỉnh, thành ủy trong khu vực có yêu cầu. Kết quả đề xuất tham mưu của Vụ qua thực tiễn kiểm nghiệm ở các địa phương trên đến trước, trong và sau đại hội đảng bộ cho thấy tình hình kết quả và xu hướng phát triển tốt hơn.

Đồng chí có thể nói sâu thêm về khả năng đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cấp tỉnh, thành phố phía Nam trong lãnh đạo thực hiện thành công nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng?
Cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, thành phố phía Nam (bí thư, phó bí thư và chủ tịch HĐND tỉnh, thành phố) tại thời điểm diễn ra đại hội đảng bộ cấp tỉnh, thành có vào khoảng 70 đồng chí. Sau đại hội có một số nghỉ, một số chuyển về Trung ương công tác nhưng không nhiều. Trong số này có 4 đồng chí nữ (2 là phó bí thư, chủ tịch HĐND; 1 là phó bí thư phụ trách xây dựng cơ sở đảng và 1 là bí thư tỉnh ủy...
Theo dõi tình hình chung trong khu vực nhận thấy: Đội ngũ cán bộ nói trên tuy có một số hạn chế, nhưng nhìn chung đã có bước trưởng thành và tiến bộ nhiều mặt; có thực tiễn công tác lãnh đạo ở địa phương. Trong nhiệm kỳ qua, các đồng chí đã tích cực lãnh đạo đảng bộ mình thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết Đại hội X của Đảng. Đa số được đánh giá hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ. Phần đông giữ được đạo đức, phẩm chất, được đảng bộ và nhân dân địa phương tín nhiệm. Đại hội đảng bộ cấp tỉnh, thành vừa qua đã chứng minh rõ điều này. Nhiều đồng chí được đại hội tín nhiệm giới thiệu tái cử và trúng cử với kết quả số phiếu bầu đạt khá cao.
Trong nhiệm kỳ này, những tố chất tốt đẹp ấy của đội ngũ cán bộ chủ chốt phía Nam chắc chắn sẽ được tiếp tục phát huy. Tôi tin chắc rằng các đồng chí ấy sẽ góp phần lãnh đạo thành công Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ mình.

Đồng chí đánh giá thế nào về việc bầu trực tiếp ban thường vụ, phó bí thư, bí thư tại đại hội đảng bộ các cấp ở phía Nam?
Khu vực phía Nam thực hiện chủ trương trên ở cả 3 cấp: Cấp cơ sở có 168 đảng bộ thực hiện thí điểm đại hội trực tiếp bầu ban thường vụ, phó bí thư, bí thư, có 145 đảng bộ bầu đúng dự kiến, 27 đảng bộ bầu không đúng dự kiến. Trong đó, ủy viên ban thường vụ 20 trường hợp, bí thư 2 trường hợp, phó bí thư 6 trường hợp. Cấp huyện và tương đương có 64/372 đơn vị đại hội trực tiếp bầu bí thư, 51 bí thư tái cử; cấp tỉnh có 3/22 tỉnh, thành ủy  (Ninh Thuận, Sóc Trăng và Bến Tre) được chọn thí điểm đại hội trực tiếp bầu bí thư. Kết quả bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư tại đại hội đảng bộ các cấp ở phía Nam đa số đạt được 3 yêu cầu: bầu đủ số lượng, bầu đúng dự kiến và người trúng cử nằm trong quy hoạch. Sau khi bầu xong ban chấp hành, các đại hội đều thực hiện lấy phiếu giới thiệu chức danh bí thư trong đại hội. Tỉ lệ phiếu giới thiệu và phiếu bầu của chức danh bí thư là tương đối thống nhất và đạt khá cao (cấp cơ sở trên 85%, cấp huyện và tương đương đạt trên 90%, cấp tỉnh đạt trên 99%). Tuy nhiên, vẫn có một số đảng bộ nhân sự dự kiến cho chức danh bí thư, phó bí thư hoặc ủy viên ban thường vụ đã không trúng cử ngay vòng bầu ban chấp hành, có nơi bầu khác so dự kiến.
Từ kết quả trên, tôi thấy rằng: Thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư và đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở trực tiếp bầu bí thư cấp ủy là một chủ trương mới, phù hợp với quy luật phát triển chung và đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đảng viên nên được cán bộ, đảng viên đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Chủ trương đó đã được cấp ủy các cấp quán triệt kỹ và quan tâm chỉ đạo, tạo sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên, nhất là trong cấp ủy và đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các cấp. Tuy nhiên, nếu đại hội trực tiếp bầu ban chấp hành, bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư như làm thí điểm vừa qua thì đại hội phải bầu cử rất nhiều lần (ít nhất 6 lần), đại hội mất quá nhiều thời gian cho việc bầu cử. Vì vậy, theo tôi, đại hội đảng bộ các cấp chỉ nên trực tiếp bầu cấp ủy và bí thư cấp ủy là phù hợp.
Công tác nhân sự đại hội bầu trực tiếp được chuẩn bị kỹ, thực hiện đúng quy trình hướng dẫn và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên nên tạo được sự thống nhất cao. Hầu hết các đại hội bầu đủ số lượng ban thường vụ, bí thư, phó bí thư. Các đồng chí bí thư được đại hội bầu đều trong quy hoạch và trúng cử với số phiếu gần như tuyệt đối. Điều này chứng tỏ đảng viên rất coi trọng người đứng đầu, người cầm lái con thuyền của đảng bộ.
Dân chủ trong Đảng được mở rộng, làm cơ sở cho việc mở rộng và phát huy dân chủ trong xã hội. Đảng viên nâng cao tính đảng khi thực hiện quyền dân chủ trực tiếp trong đại hội. Người được trúng cử do đại hội bầu trực tiếp tự tin hơn, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình hơn, góp phần nâng cao chất lượng cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cũng như tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong đảng bộ. Tuy nhiên, việc bầu cử bí thư, phó bí thư ở những đảng bộ thực hiện thí điểm vừa qua cho thấy: hầu hết đều tiến hành bầu tròn, không có số dư. Nhiều ý kiến của đảng viên cho rằng chưa thực sự phát huy hết dân chủ trong Đảng, vì đảng viên không có nhiều phương án để lựa chọn. Theo tôi, nên có số dư. Trong bầu cử, công tác chuẩn bị nhân sự của cấp ủy, nhất là nhân sự ban thường vụ, bí thư, phó bí thư là yếu tố quyết định kết quả bầu cử. Thực tế ở những đại hội thí điểm cho thấy: nơi nào cấp ủy chỉ đạo và tiến hành công tác chuẩn bị nhân sự chưa kỹ, thiếu dân chủ, không thật khách quan, không thực hiện đúng quy trình hoặc có biểu hiện nể nang, né tránh thì sẽ không được đại hội chấp nhận thông qua thực hiện quyền bầu cử trực tiếp của đảng viên. Vừa qua, phía Nam có một số nơi cấp ủy chuẩn bị nhân sự chưa kỹ, chưa đánh giá đúng cán bộ, chưa lắng nghe ý kiến của đảng viên, coi thường dư luận nên có một số đồng chí cấp ủy viên đương nhiệm được cấp ủy giới thiệu tái cử nhưng không trúng cử, trong đó có cả một số cán bộ chủ chốt.
  
Theo Đồng chí, năm 2011, công tác tổ chức xây dựng đảng ở các tỉnh, thành phía Nam cần chú trọng những nội dung gì?
Thứ nhất, tập trung cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng trong lĩnh vực công tác tổ chức xây dựng đảng phù hợp với đặc điểm các tỉnh, thành phía Nam.
Thứ hai, thực hiện đồng bộ, toàn diện các khâu của công tác cán bộ. Chú trọng việc sắp xếp, phân công, điều động, luân chuyển và thực hiện chính sách cán bộ sau đại hội. Chuẩn bị tốt nhân sự phục vụ bầu cử Quốc hội khóa XIII và nhân sự HĐND, UBND 3 cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Triển khai thực hiện có chất lượng công tác quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, quận và cấp tỉnh, thành phố. Trong đó, chú trọng thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy hoạch trong nội bộ ngành và địa phương, tiếp tục mở rộng thực hiện việc bố trí lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương.
Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị ở cơ sở. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, chú trọng xây dựng, củng cố tổ chức đảng ở trong các doanh nghiệp thuộc vùng kinh tế động lực phía Nam, vùng có đông đồng bào theo đạo, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh Đông, Tây Nam bộ và trong học sinh, sinh viên.
Thứ tư, kiện toàn, nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ và xây dựng cơ quan làm công tác tổ chức, cán bộ ở các tỉnh, thành phố phía Nam thành những tập thể đoàn kết vững mạnh, năng động, sáng tạo, trung thành với Đảng, trung thực với tổ chức, sẵn sàng đấu tranh bảo vệ cái đúng, bảo vệ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.     

Phản hồi (1)

Nguuyễn Trần Hồng Hải 04/02/2011

"Bầu đúng dự kiến" mà là một yêu cầu của bầu cử thì đúng là quá lạc hậu. Người làm công tác tổ chức mà quan niệm như vậy thì thật khó chấp nhận. Yêu cầu phải là những người có đủ đức, tài, được nhân dân tín nhiệm. Việc dự kiến của BCH cũ chỉ coi là một kênh mà không nên áp đặt. Mong sao những người làm công tác tổ chức (...) đổi mới tư duy mới tạo được đổi mới trong công tác cán bộ.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất