1. Đại hội VII của Đảng (6-1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và chủ trương tiến hành cuộc vận động “Đổi mới và chỉnh đốn Đảng”. Cương lĩnh chỉ rõ: “Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo”. Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII) đã ra nghị quyết chuyên đề “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”, chỉ rõ: “Đây làm một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đối với vận mệnh chế độ ta và Đảng ta”, nhằm “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”, phù hợp với yêu cầu khách quan của cách mạng nước ta trong tình hình mới, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, bảo đảm thực hiện có kết quả các nhiệm vụ chính trị do Đại hội VII đề ra”.
Cuộc vận động này được chỉ đạo thực hiện tập trung, tích cực từ giữa năm 1992 đến cuối năm 1998, đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Đại hội VIII của Đảng (6-1996) chủ trương “tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao hơn nữa sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của mình, khắc phục cho được các khuyết điểm, các biểu hiện tiêu cực và yếu kém”. Thực hiện Nghị quyết của Đại hội, Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII (2-1999) ra nghị quyết “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng đảng hiện nay”, chủ trương tiến hành cuộc vận động “xây dựng và chỉnh đốn Đảng” tiếp nối cuộc vận động “đổi mới và chỉnh đốn Đảng”, tiến hành tự phê bình, phê bình và sửa chữa khuyết điểm trong Đảng với tinh thần kiên quyết hơn. Các Đại hội IX, X của Đảng chủ trương tiếp tục cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tập trung sức làm tốt một số mặt công tác quan trọng như: giáo dục tư tưởng chính trị, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân; tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, đảng viên; xây dựng, củng cố các TCCSĐ, kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng...
2. Sau gần 20 năm thực hiện nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng, công tác xây dựng đảng nói chung và công tác cán bộ, đảng viên nói riêng đạt được một số kết quả tích cực, nhưng chuyển biến chậm. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trên một số lĩnh vực và một số vấn đề lớn chưa tập trung, kiên quyết, dứt điểm; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm. Nhìn chung, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu; năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bên cạnh đó, toàn Đảng đã triển khai tích cực việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mở đầu là đẩy mạnh việc nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục Tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới theo Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 27-3-2003 của Ban Bí thư; tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7-11-2006 của Bộ Chính trị và tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị... Song, cuộc vận động này chưa thực sự đi vào chiều sâu, ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, việc làm theo chưa đạt yêu cầu.
Qua gần 20 năm tiến hành cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Đại hội XI của Đảng (1-2011) vẫn nhận định về đội ngũ cán bộ, đảng viên và công tác phòng, chống tham nhũng: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin đối với Đảng và Nhà nước ta, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”, công tác “phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội”. Tình trạng trên còn được nhắc lại trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới và trong bài phát biểu gần đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng (5-2014).
3. Đến đây, xin được nêu vấn đề: Đảng ta luôn coi trọng việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà sao một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, vẫn tham nhũng, lãng phí, quan liêu? Đương nhiên, nguyên nhân trước tiên là do chính số cán bộ, đảng viên này không tự tu luyện bản thân mình theo tiêu chuẩn của người đảng viên, của người cán bộ cách mạng; lòng tham danh vọng, tiền bạc đã làm họ vi phạm khuyết điểm. Song, có một nguyên nhân quan trọng là từ phía cơ quan tham mưu và những người làm công tác tổ chức, cán bộ ở các cấp, các ngành.
Nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đồng thời phát huy trách nhiệm của các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định đi đôi với thực hiện đầy đủ trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý cán bộ. Tuy vậy, quá trình thực hiện ở nơi này, nơi khác thường xảy ra những trục trặc giữa tổ chức có thẩm quyền với tổ chức tham mưu và các tổ chức khác, giữa tập thể và cá nhân, giữa người đứng đầu tổ chức và cấp dưới thuộc quyền, kể cả cán bộ tham mưu. Và cuối cùng, mọi việc do tổ chức có thẩm quyền và người đứng đầu tổ chức quyết định. Những quyết định như vậy, nếu mang theo động cơ cá nhân hoặc “lợi ích nhóm” thì thật tai hại. Việc nguyên Tổng thanh tra Nhà nước Trần Văn Truyền trước khi nghỉ hưu, trong ít ngày đã ký quyết định đề bạt hơn 5 chục cán bộ lãnh đạo cấp cục, vụ tại cơ quan này, sao Ban Cán sự đảng, Đảng ủy, Vụ Tổ chức - Cán bộ cơ quan và cán bộ, đảng viên ở đây không có ý kiến gì, trách nhiệm của các tổ chức đó và người làm công tác tổ chức, cán bộ ở đây như thế nào?
Công tác cán bộ là công tác con người và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân làm công tác tổ chức, cán bộ rất lớn và quan trọng. Chính sự làm việc không khách quan, trung thực của họ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu cực trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Nội dung công tác cán bộ rất rộng: tuyển dụng, bố trí cán bộ, thực hiện việc quản lý, sử dụng và phân công, phân cấp quản lý cán bộ; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nhận xét, đánh giá cán bộ hằng năm hoặc theo nhiệm kỳ; bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ; khen thưởng, kỷ luật, bãi nhiệm cán bộ; thực hiện chế độ, chính sách cán bộ; kiểm tra công tác cán bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo cán bộ... Là cán bộ tham mưu, người làm công tác tổ chức, cán bộ phải am hiểu và làm được tất cả những công việc này. Đối với mỗi công việc, người làm công tác tổ chức, cán bộ có nhiệm vụ đề xuất ý kiến, cơ quan thẩm định, tập thể quyết định và từng cán bộ phải chịu trách nhiệm về việc đề xuất ý kiến, thẩm định và tham gia quyết định từng việc trong công tác cán bộ.
Nhiều vụ việc tiêu cực của cán bộ, đảng viên, trong đó có một số cán bộ do Trung ương quản lý, được công luận nêu, nhưng chưa thấy các tổ chức có thẩm quyền và cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ và về công tác kiểm tra của cấp ủy lên tiếng hoặc làm rõ, để xử lý người sai phạm hoặc để minh oan cho cán bộ, đảng viên.
Do tầm quan trọng của công tác tổ chức, cán bộ, Đảng ta luôn nhấn mạnh việc cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở mỗi cấp, mỗi đơn vị phải trực tiếp chăm lo công tác này. Đồng thời, còn lưu ý một biện pháp quan trọng là thường xuyên kiện toàn các cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ, không để những người không vững vàng về chính trị, không trung thực, kém phẩm chất và năng lực làm công tác tổ chức, cán bộ. Các cấp ủy đảng và đích thân cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo xây dựng, chỉnh đốn tổ chức bộ máy và đội ngũ làm công tác tổ chức, cán bộ. Trong đó, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của các cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ; khắc phục tình trạng chồng chéo, không rõ trách nhiệm, không nắm chắc cán bộ, tránh những kẻ hở trong sự phối hợp giữa các cơ quan làm công tác tổ chức - cán bộ.
Việc kiện toàn tổ chức phải gắn với nâng cao phẩm chất, trình độ và năng lực làm việc của đội ngũ làm công tác tổ chức, cán bộ. Cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ trước hết phải là người có tinh thần yêu nước sâu sắc; tôn trọng, phục vụ nhân dân; kiên định lập trường, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; có ý thức tổ chức, kỷ luật, trung thực, không cơ hội; gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm; có trình độ hiểu biết về chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, có trình độ chuyên môn, đủ năng lực và sức khỏe làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; phải coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc. Tóm lại, đối với đội ngũ những người làm công tác tổ chức, cán bộ, Đảng cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn những người hội tụ được những yêu cầu, tiêu chuẩn này.
Làm được như vậy, tin rằng sẽ xây dựng được cơ quan tổ chức, cán bộ vững mạnh, trong sạch, gồm những người có đức, tài, có trách nhiệm và nhiệt tình, góp phần tích cực khắc phục những yếu kém trong công tác tổ chức, cán bộ, tình trạng sa sút, suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu và những tiêu cực xã hội.
Song Hà