Thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) "Về tăng cường công tác xây dựng đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài"; Kết luận số 80-KL/TW ngày 29-7-2010 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới. Tỉnh ủy Nghệ An đã thực hiện nhiều giải pháp xây dựng và củng cố tổ chức đảng và đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, nhằm nâng cao vai trò của khu vực kinh tế này góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Từ thực trạng
Nghệ An có 7.886 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh (tính đến 31-12-2013), trong đó: doanh nghiệp thành lập theo luật HTX 138; doanh nghiệp tư nhân 1.012; Công ty TNHH tư nhân 3.370; công ty hợp doanh 4; công ty cổ phần tư nhân 3.252; công ty cổ phần/TNHH trong đó NN sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở xuống 22; công ty cổ phần/TNHH trong đó NN sở hữu trên 50% vốn điều lệ 46; doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài 34; doanh nghiệp liên doanh giữa nước ngoài với các đối tác trong nước 8.
Đa số các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, số doanh nghiệp có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng chiếm khoảng 95%; số sử dụng từ 30 lao động có hợp đồng dài hạn trở lên chiếm 4,75% số doanh nghiệp đang hoạt động (375 doanh nghiệp). Có 34 công ty đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ đang thực hiện các dự án đầu tư ở tỉnh Nghệ An, gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ, Hà Lan, Anh, Ca-na-đa, Xinh-ga-po, Thái Lan, Pháp.
Các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tập trung chủ yếu tại thành phố Vinh, các khu công nghiệp trọng điểm và một số huyện, thị như: Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu, Cửa Lò. Số còn lại phân tán ở các huyện vùng đồng bằng.
Những năm qua, các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách của tỉnh (số liệu nộp ngân sách và tỷ trọng so với thu ngân sách của cả tỉnh 4 năm gần đây: năm 2010: 2.014.622 triệu đồng (45,8%); năm 2011: 2.884.783 triệu đồng (46,1%); năm 2012: 3.971.005 triệu đồng (73,7%); năm 2013: 3.531.000 triệu đồng (45,4 %).
Nhìn chung, doanh nghiệp ngòa khu vực nhà nước ở Nghệ An có sự phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô và lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đóng góp ngân sách cho tỉnh ngày càng nhiều, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: quy mô doanh nghiệp nhỏ, trình độ công nghệ một số doanh nghiệp còn lạc hậu, khả năng quản trị doanh nghiệp chưa tốt, việc tiếp cận nguồn tín dụng, mối liên kết giữa các doanh nghiệp còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và phát triển; tình trạng nợ lương, chậm lương, nợ thuế, nợ đọng bảo hiểm xã hội của người lao động còn nhiều.
Đến giải pháp…
Để triển khai thực hiện Kết luận số 80-KL/TW, ngày 29-7-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới”. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo các huyện, thành, thị uỷ và các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức quán triệt Kết luận số 80-KL/TW trong các đảng bộ, chi bộ và cán bộ, đảng viên. Chỉ đạo UBND tỉnh ban hành các các cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận của Ban Bí thư.
Trong năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập đoàn khảo sát thực trạng hoạt động và công tác xây dựng tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong các loại hình DNTN, doanh nghiệp có vốn nước ngoài (DNCVNN) công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, công ty liên doanh. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực trạng, ngày 08-2-2014 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 5155-ĐA/TU “Phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong các DNTN-DNCVNN trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2014-2020”. Đồng thời, ban hành kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc để triển khai thực hiện đề án trên.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao cho Ban Tổ chức Tỉnh uỷ phối hợp với các ban xây dựng đảng tham mưu, hướng dẫn các cấp uỷ đảng tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động để chủ doanh nghiệp nhận thức rõ đường lối của đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; vai trò, ý nghĩa của việc thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp. Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiến hành rà soát nắm tình hình tổ chức đảng, đảng viên ở từng loại hình doanh nghiệp. Doanh nghiệp đủ 3 đảng viên chính thức trở lên, tình hình sản xuất kinh doanh ổn định, ban tổ chức hướng dẫn thủ tục thành lập chi bộ. Ban Tổ chức tập trung chỉ đạo các tổ chức đảng trong doanh nghiệp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao chất lượng đảng viên trong các doanh nghiệp. Chỉ đạo Đảng uỷ khối Doanh nghiệp tỉnh tổng kết chuyên đề “Tình hình, kết quả đổi mới, chỉnh đốn Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng, người lao động”.
Liên đoàn Lao động tỉnh đã xây dựng Đề án "Thành lập công đoàn cơ sở và phát triển đoàn viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước giai đoạn 2011-2016", xây dựng kế hoạch phát triển 1,5 vạn đoàn viên công đoàn giai đoạn 2008-2013. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tổ chức tuyên truyền để đoàn viên, thanh niên, các doanh nghiệp trên địa bàn hiểu rõ chủ trương về phát triển các tổ chức đoàn, Hội LHTN trong các doanh nghiệp. Tham mưu kế hoạch, giải pháp và hướng dẫn thành lập tổ chức đoàn, Hội LHTN trong các DNTN và DNCVNN.
Và kết quả
Với những biện pháp chủ động, tích cực, công tác xây dựng đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đã đạt một số kêt quả tích cực. Có 338/7.886 doanh nghiệp thành lập được tổ chức đảng (4,3% ) với 4.340 đảng viên (chiếm 2,5% số đảng viên toàn tỉnh), trong đó có 122 chủ doanh nghiệp là đảng viên (tính đến tháng 31-12-2013). Một số doanh nghiệp có đảng viên nhưng chưa thành lập được tổ chức đảng, do số đảng viên làm việc phân tán ở nhiều địa bàn; nhiều chủ doanh nghiệp chưa phải là đảng viên nên chưa quan tâm đến việc thành lập tổ chức đảng, vì vậy số đảng viên này đang phải sinh hoạt ở chi bộ nơi cư trú.
Hầu hết các doanh nghiệp có tổ chức đảng đã quan tâm công tác bồi dưỡng, tạo nguồn, kết nạp đảng viên, từ năm 2010 -2013, đã kết nạp được 573 đảng viên, chiếm 2,7 % so với tổng số đảng viên được kết nạp trong toàn tỉnh. Công tác quản lý, nâng cao chất lượng đảng viên đã được cấp uỷ chi bộ quan tâm. Qua khảo sát ở một số tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân và công ty cổ phần có vốn Nhà nước dưới 50% trực thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An và Đảng bộ huyện Quỳ Hợp, cho thấy: phần lớn đảng viên đều phát huy được vai trò trách nhiệm, tiên phong gương mẫu trong công tác, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, có ý thức xây dựng chi bộ, đảng bộ và doanh nghiệp, được chủ doanh nghiệp ghi nhận.
Để thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2020 có trên 50% số DNTN-DNCVNN thành lập được tổ chức đảng; 70% DNTN-DNCVNN thành lập được công đoàn, 60% thành lập được Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc Hội Liên hiệp Thanh niên. Trong thời gian tới, Tỉnh ủy Nghệ An và các cấp ủy đảng xác định thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Kết luận 80-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) trong tình hình mới”.
Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 5155-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; xây dựng kế hoạch cụ thể, bám sát các 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Đề án để tổ chức thực hiện có hiệu quả trong từng thời gian cụ thể.
Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành về phát triển doanh nghiệp. Coi phát triển doanh nghiệp là chiến lược phát triển lâu dài trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuyên truyền, vận động để các chủ doanh nghiệp và người lao động hiểu rõ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển và chấp hành đúng pháp luật.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW, Nghị quyết 17-NQ/TU “về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”. Cấp uỷ đảng các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể tiến hành khảo sát nắm chắc số doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa có tổ chức đảng để có kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân khi có đủ các điều kiện; gắn công tác xây dựng đảng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất -kinh doanh.
Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án bồi dưỡng doanh nhân giai đoạn 2011-2015. Phấn đấu để phần lớn đội ngũ doanh nhân Nghệ An được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về quản trị kinh doanh, về tiếng Anh thương mại, tin học văn phòng đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Khánh Chi