Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 64-KL/TW ngày 28-5-2013 của BCHTƯ Đảng (khoá XI) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác về quan hệ lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị (HTCT), nhất là từ cấp cơ sở đến cấp trực thuộc Trung ương sau khi tổ chức đại hội đảng bộ theo nhiệm kỳ. Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc, chức năng, nhiệm vụ gắn với sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan tham mưu giúp việc cấp uỷ tỉnh, huyện và tổ chức bộ máy mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các đoàn thể chính trị - xã hội theo quy định của Ban Bí thư. Hoàn thiện mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp; rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Tổ chức đại hội đảng bộ các cấp theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, Quy chế bầu cử trong Đảng.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện bộ máy nhà nước theo đúng tinh thần Hiến pháp (sửa đổi, bổ sung năm 2013). Xây dựng, ban hành Luật Tổ chức Quốc hội theo hướng quy định rõ hơn thẩm quyền của UBTV Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội; tăng thêm số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách cùng với cơ chế gắn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với cử tri. Xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ gắn với định hướng hoàn thiện tổ chức bộ máy Nhà nước. Tổng kết, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Quy định rõ cơ chế phân cấp giữa Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương, khắc phục chồng chéo hoặc bỏ trống về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý. Bảo đảm nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Thực hiện Luật Tổ chức toà án nhân dân (TAND) và Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân (VKSND) (sửa đổi, bổ sung năm 2014); Nghị quyết của Bộ Chính trị về đổi mới hoạt động của các cơ quan tư pháp; sắp xếp, chuyển đổi hệ thống tổ chức TAND, VKSND theo mô hình mới bảo đảm ổn định, hoạt động hiệu quả. Rà soát, chuyển những nhiệm vụ mà Nhà nước không cần thiết phải trực tiếp thực hiện hoặc thực hiện không có hiệu quả sang các tổ chức xã hội đảm nhận. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công và xã hội hoá việc cung ứng dịch vụ công trên cơ sở các định mức, tiêu chuẩn, quy định của pháp luật và tăng cường kiểm tra, giám sát của Nhà nước và nhân dân.
Thứ ba, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức của HTCT ở địa phương. Xây dựng và ban hành Luật Chính quyền địa phương theo hướng phân biệt rõ chính quyền nông thôn và đô thị, các đơn vị hành chính đặc thù như đặc khu kinh tế, hải đảo... Cơ bản ổn định số lượng và phân loại các đơn vị hành chính làm cơ sở xác định tổ chức, biên chế và yêu cầu quản lý. Quy định thống nhất về mô hình tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội ở dưới xã, phường, thị trấn (thôn, bản, tổ dân phố,...) theo quy mô về dân số, phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn. Thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt không là người địa phương và bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch HĐND các cấp ở nơi có HĐND; bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND ở nơi không tổ chức HĐND và ở cấp xã, cấp huyện đối với những nơi có đủ điều kiện.
Thứ tư, thực hiện có hiệu quả quy định của Đảng về giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; về MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia ý kiến xây dựng đảng, chính quyền gắn với đại hội đảng bộ các cấp. Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về tổ chức, hoạt động của các hội theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí; thực hiện khoán kinh phí để các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao.
Thứ năm, thực hiện nghiêm cơ chế về thống nhất quản lý biên chế của cả HTCT, về cơ bản giữ ổn định tổ chức bộ máy và tổng biên chế của cả HTCT; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đổi mới cơ chế giao và quản lý biên chế theo vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức. Quy định lại số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo hướng tăng cường kiêm nhiệm. Từng bước giảm số người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, bản, tổ dân phố... trên cơ sở khoán quỹ phụ cấp và hình thức tự quản của cộng đồng dân cư. Thống nhất quản lý số lượng viên chức ở các đơn vị sự nghiệp công lập, thí điểm việc chuyển đổi mô hình hoạt động các đơn vị sự nghiệp sang cổ phần hoá và xã hội hoá với những đơn vị có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động để giảm số viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Thứ sáu, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới phương thức tuyển dụng công chức, viên chức; hoàn thiện và ban hành hệ thống tiêu chuẩn chức danh, danh mục vị trí việc làm; đổi mới cơ chế đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục thực hiện thi tuyển các chức danh quản lý ở Trung ương và địa phương; ban hành và thực hiện quy định về số lượng cấp phó trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thực hiện cơ chế khoán kinh phí quản lý hành chính gắn với chế độ thưởng để khuyến khích những người làm việc tốt.
Nguyễn Hoàng Việt
UVTƯ Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương