Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi hội tụ và tỏa sáng văn hóa Việt Nam. Nhân cách văn hóa của Người không chỉ làm rạng rỡ non sông đất nước Việt Nam mà còn khắc sâu trong trái tim bạn bè thế giới. Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người không chỉ là dịp để người Việt Nam lĩnh hội và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, tìm về chuẩn mực đạo đức mà còn là cơ hội để sửa mình, học làm người, làm cán bộ, học để phụng sự nhân dân, để xây dựng đất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác hằng mong ước.
Trong xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm giáo dục cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về nội dung tự phê bình và phê bình. Theo Người, tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén để chiến đấu và chiến thắng với những sai lầm, khuyết điểm, là quy luật sống còn đối với sự tồn tại, phát triển của Đảng ta.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định cán bộ là cái “gốc” của mọi công việc, “mọi việc thành hay bại chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không”. Muốn sự nghiệp thành công “Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ chân chính”.
Theo Hán Việt từ điển xuất bản năm 1932 của nhà sử học Đào Duy Anh, “đạo” được hiểu “là đường đi, là đạo lý, là cái nghĩa lý đương nhiên, ai cũng nhận”; nghĩa đen theo chữ Hán là con đường, nghĩa bóng mang nghĩa là phương hướng, đường lối dẫn dắt con người đi đến mục tiêu hay lý tưởng nào đó. “Đạo đức” được hiểu là “nguyên lý tự nhiên là đạo, được vào lòng người là đức; cái lý pháp người ta nên noi theo”(1). Có rất nhiều lý tưởng và nguyên tắc khác nhau về “đạo”, nhưng tất cả đều có chung một nền tảng cơ bản là dựa trên cái thiện, trong sáng, lành mạnh, chân chính để mưu cầu hạnh phúc và an bình cho con người.