|
Hội nghị BTV Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc họp cho ý kiến về công tác cán bộ.
|
Từ chủ trương của Đảng
Tuyển dụng là khâu đầu tiên, quyết định chất lượng đầu vào của đội ngũ cán bộ, CCVC, từ đó quyết định sự phát triển của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong quá trình vận hành của nền công vụ, việc tuyển dụng được những công chức giỏi thì nhất định nền công vụ sẽ hoạt động đạt kết quả cao, bởi như Bác Hồ đã nói “cán bộ là gốc của mọi công việc”.
Từ hơn hai thập kỷ trước, chủ trương đổi mới trong công tác tuyển dụng cán bộ của Đảng ta đã sớm được manh nha. Qua từng thời kỳ, các chủ trương, chính sách, quy định về tuyển dụng cán bộ từng bước thay đổi theo hướng hoàn thiện hơn.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng xác định nhiệm vụ: “Thực hiện tốt Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH; đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ. Xây dựng và thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trọng dụng những người có tài, có đức”. Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đề ra nhiệm vụ: “Tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ theo hướng: Thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời, nghiên cứu phân cấp kiểm định theo lĩnh vực đặc thù và theo vùng, khu vực”.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tập trung, thống nhất, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm của các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, công tác tuyển dụng, sử dụng công chức đã được triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 28-KL/TW ngày 21-2-2022 về xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, CCVC trong toàn hệ thống chính trị; Kết luận số 40-KL/TW ngày 18-7-2022 về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026; Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18-7-2022 về quản lý biên chế của hệ thống chính trị; Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18-7-2022 về biên chế các cơ quan đảng, mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026.
Cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, hệ thống văn bản pháp lý của Nhà nước về tuyển dụng ngày càng được ban hành đồng bộ, đầy đủ. Theo đó, hiện nay, việc tuyển dụng CCVC được thực hiện căn cứ theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), các Nghị định số 140/2017/NĐ-CP, Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức và Thông tư số 06/2020/TT-BNV của Bộ Nội vụ về Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển CCVC, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; Nội quy thi tuyển, xét tuyển CCVC, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Đặc biệt trong tuyển dụng khối đảng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện theo Quyết định số 1061-QĐ/TCTW, ngày 12-3-2003 của Ban Tổ chức Trung ương; Hướng dẫn số 37-HD/BTCTW, ngày 4-8-2015 của Ban Tổ chức Trung ương về một số nội dung trong tuyển dụng CCVC cơ quan đảng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Hiện nay đã được thay thế bằng Hướng dẫn số 22-HD/BTCTW ngày 3-1-2023 của Ban Tổ chức Trung ương về một số nội dung trong tuyển dụng CCVC cơ quan đảng, mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Một số kết quả của Vĩnh Phúc
Đối với tỉnh Vĩnh Phúc, việc tuyển dụng CCVC luôn được thực hiện nghiêm túc, bám sát các quy định, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương; các quy định của Luật Cán bộ, công chức, các nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Nội vụ. Việc tuyển dụng CCVC được chú trọng thực hiện song song ở cả hai phương diện: (1) Thi tuyển CCVC căn cứ theo nhu cầu và chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao; (2) Xét tuyển sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để tạo nguồn cán bộ chất lượng cao. Công tác tuyển dụng được quan tâm đổi mới, đạt một số kết quả:
1. Về thi tuyển:
Do đặc thù và điều kiện tiêu chuẩn tuyển dụng công chức làm nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu trong các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng cấp tỉnh, cấp huyện, người đăng ký dự tuyển phải là đảng viên và không vi phạm các tiêu chuẩn chính trị về bảo vệ chính trị nội bộ, việc tuyển dụng công chức ở các vị trí trên, Vĩnh Phúc cơ bản thực hiện tiếp nhận CCVC từ cơ quan khác về khối đảng công tác.
Giai đoạn từ năm 2020 đến nay, lần đầu tiên tỉnh thực hiện tổ chức kỳ thi tuyển dụng phối hợp chung giữa khối đảng, đoàn thể với khối chính quyền nhà nước. Kết quả, có 36 thí sinh trúng tuyển, trong đó có 8 thí sinh trúng tuyển các vị trí việc làm tại cơ quan khối đảng, đoàn thể. Việc phối hợp tuyển dụng chung qua thực tế đã khẳng định được nhiều ưu điểm như khắc phục được sự lãng phí thời gian, nhân lực và tài chính trong quá trình tuyển dụng, đồng thời ngày càng đảm bảo sự khách quan, công khai, minh bạch do có sự tham gia độc lập của một bên thứ ba trong quá trình xây dựng đề thi, chấm thi và gia tăng sự kiểm tra, giám sát đến từ các cơ quan ở cả 2 khối.
2. Về xét tuyển sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ
Thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5-12-2017 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, Vĩnh Phúc là một trong địa phương sớm quan tâm thực hiện thu hút, xây dựng đội ngũ trí thức, trọng dụng nhân tài. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 20-11-2019 về xây dựng đội ngũ trí thức trọng dụng nhân tài tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025, trong đó đề ra mục tiêu: “Xây dựng đội ngũ trí thức và trọng dụng nhân tài nhằm huy động, thu hút, sử dụng người có tài để phát huy sức sáng tạo cao nhất của đội ngũ này, góp phần hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng, tạo sự đột phá trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và phát triển kinh tế - xã hội”.
Từ năm 2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 30/2017/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, CCVC được biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng và thu hút thông qua tuyển dụng, tiếp nhận để phát triển nguồn nhân lực của tỉnh 5 đối tượng: tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa (cấp I, II), người có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên với mức thu hút từ 80 đến 150 triệu đồng/cá nhân.
Đến nay, nhằm lan tỏa và tạo sức hút mạnh mẽ hơn nữa trong việc tuyển dụng, thu hút nhân tài về làm việc cho tỉnh, ngày 3-8-2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND về một số chính sách đặc thù xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút, trọng dụng người có tài năng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 thay thế Nghị quyết số 30/2017/NQ-HĐND. Theo đó các mức hỗ trợ thu hút dành cho các đối tượng đã tăng từ 1,5 đến 4 lần so với trước. Cụ thể: hỗ trợ một lần 600 triệu đồng cho các tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II khi về làm việc cho tỉnh; thạc sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp I được hỗ trợ 400 triệu đồng; giáo viên, giảng viên có trình độ đại học được hỗ trợ 300 triệu đồng; sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên được hỗ trợ 150 triệu đồng.
Kết quả, giai đoạn 2017-2022, Vĩnh Phúc đã tuyển thu hút trên 50 trường hợp là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ về làm việc tại 2 khối của tỉnh. Riêng năm 2022-2023 là 14 CCVC.
|
Đồng chí Phạm Thị Hồng Nhung, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc phát biểu tại Hội thảo khoa học “Đổi mới công tác tuyển dụng khối đảng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn hiện nay” (7-2023).
|
Một số vấn đề đặt ra
Tuy nhiên, từ thực tế thực hiện công tác tuyển dụng khối đảng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thời gian qua tại địa phương, Vĩnh Phúc nhận thấy còn một số vấn đề đặt ra như sau:
Thứ nhất, việc tuyển dụng CCVC được thực hiện gắn với nhu cầu về vị trí việc làm, tuy nhiên, đến nay hệ thống cơ sở pháp lý để xây dựng hoàn chỉnh vị trí việc làm các cơ quan khối đảng, đoàn thể chưa hoàn thiện, nhất là vị trí việc làm tại các đơn vị sự nghiệp. Theo quy định hiện hành, việc tuyển dụng CCVC căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế, theo đó, kế hoạch tuyển dụng cần xác định rõ số lượng vị trí việc làm cần tuyển và số lượng biên chế cần tuyển ở từng vị trí việc làm. Tuy nhiên với quy định tạm thời về danh mục vị trí việc làm công chức các cơ quan đảng, đoàn thể như hiện nay (đối với mỗi vị trí việc làm chưa có căn cứ pháp lý xác định định mức biên chế và cơ cấu ngạch hợp lý cần có), do vậy, việc tuyển dụng công chức sẽ không đạt được mục đích, yêu cầu của việc tuyển dụng. Đối với tuyển dụng viên chức cũng tương tự, cần kịp thời ban hành danh mục, bản mô tả vị trí việc làm đối với viên chức các đơn vị sự nghiệp của Đảng làm cơ sở để xác định ngành, số lượng cần tuyển của từng vị trí.
Thứ hai, về hình thức tuyển dụng: Việc tuyển dụng công chức theo quy định hiện nay chủ yếu căn cứ vào việc kiểm tra bằng cấp và kiến thức lý thuyết mà chưa chú trọng đánh giá được kỹ năng “mềm” của người dự tuyển thông qua một số hình thức như thi tình huống hoặc phỏng vấn trực tiếp. Hoạt động công vụ đòi hỏi ở CCVC sự thuần thục giữa kiến thức với kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng thuyết phục, sự linh hoạt trong giải quyết tình huống… Do đó nếu chỉ duy trì hình thức tuyển dụng như hiện nay sẽ thiếu đi các kênh cần thiết để đánh giá toàn diện CCVC.
Thứ ba, đối với tuyển dụng cán bộ, công chức của hội cựu chiến binh cấp tỉnh, cấp huyện: Theo Khoản 4 Điều 2 Quy định số 212-QĐ/TW ngày 30-12-2019 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của ủy ban mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện quy định: "Biên chế cơ quan hội cựu chiến binh có cơ cấu tuối thiểu 2/3 là cựu chiến binh đã nghỉ hưu đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo hội, lãnh đạo văn phòng và các ban, còn lại là công chức và người lao động làm nhiệm vụ giúp việc và phục vụ". Theo đó, đối với công chức làm nhiệm vụ giúp việc trong cơ quan hội cựu chiến binh cấp tỉnh, cấp huyện sẽ được tuyển dụng theo quy định hiện hành. Đối với cựu chiến binh đã nghỉ hưu, việc bố trí đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo hội được thực hiện thông qua bầu cử. Tuy nhiên, nhóm lãnh đạo văn phòng và các ban - nhóm do cựu chiến binh đã nghỉ hưu đảm nhiệm thì hiện nay chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể để tuyển dụng như thế nào? Đây là các vị trí mà thực hiện tuyển dụng bằng thi tuyển là chưa phù hợp, đồng thời nếu tiếp nhận công chức thì chưa được quy định tại Nghị định 138 của Chính phủ.
Thứ tư, đối với tuyển dụng cán bộ, công chức đoàn thanh niên: Trong bối cảnh thực hiện tinh giản biên chế, các đợt thi tuyển cán bộ, CCVC không thường xuyên, khoảng cách giữa các kỳ thi tuyển công chức của tỉnh khá dài (tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện tinh giản biên chế, sau 11 năm, đến năm 2022 tổ chức thi tuyển công chức ở 2 khối) dẫn đến thiếu hụt cán bộ trong cơ quan chuyên trách của tổ chức đoàn.
Thứ năm, việc tuyển dụng bằng chính sách thu hút sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ gặp khó khăn. Hiện nay, Vĩnh Phúc còn khoảng 3% biên chế chưa sử dụng, số biên chế này được ưu tiên để tuyển dụng CCVC bằng hình thức thi tuyển và xét tuyển thu hút nhân tài, tri thức trẻ. Tuy nhiên, công tác tuyển dụng CCVC theo chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ quy định tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5-12-2017 của Chính phủ gặp nhiều khó khăn do các tiêu chuẩn, điều kiện đặt ra tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ khá “ngặt nghèo” như: người tốt nghiệp đại học ngoài kết quả học tập đạt xuất sắc phải có kết quả rèn luyện đạt xuất sắc; hoặc ngoài tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, sinh viên đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, quốc gia hoặc các cuộc thi ở bậc đại học.
Từ những vấn đề nêu trên, Vĩnh Phúc đề xuất một số nội dung cần quan tâm để đổi mới công tác tuyển dụng CCVC khối đảng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay như sau:
Một là, sớm hoàn thiện việc xác định vị trí việc làm, làm cơ sở cho việc tuyển dụng công chức đúng đối tượng, giúp đảm bảo bố trí, sử dụng có hiệu quả. Trong đó cần quan tâm về vị trí việc làm và chuyên ngành đào tạo để xem xét sự phù hợp giữa chuyên ngành đào tạo với vị trí việc làm, từ đó có quy định phù hợp để tránh tình trạng cơ quan tuyển dụng công chức dùng quy định về chuyên ngành đào tạo dẫn đến nguyên tắc cạnh tranh trong tuyển dụng thành không cạnh tranh, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả tuyển dụng
Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tuyển dụng CCVC đảm bảo đồng bộ, thống nhất:
Trước mắt cần sửa đổi Nghị định số 138/2020/NĐ-CP để đồng bộ với Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21-2-2023 của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Đối với nội dung và hình thức thi tuyển CCVC được quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ, đề nghị Ban Tổ chức Trung ương, Chính phủ xem xét đổi mới nội dung, hình thức thi tuyển theo hướng quy định vòng thi phỏng vấn bắt buộc sau khi thí sinh vượt qua việc kiểm định chất lượng đầu vào. Nội dung phỏng vấn phải gắn với yêu cầu đáng giá kỹ năng, thái độ, phẩm chất của thí sinh thay vì tiếp tục kiểm tra kiến thức lý luận chung.
Cùng với đó, cần hoàn thiện hệ thống văn bản của Đảng, Nhà nước để địa phương có cơ sở xây dựng, hoàn thiện xác định vị trí việc làm CCVC các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng. Đây là căn cứ khoa học, khách quan cần thiết cho hoạt động tuyển dụng CCVC. Trên cơ sở đó, xây dựng hệ thống ngân hàng các câu hỏi, phạm vi kiến thức ôn tập cho các vòng thi sẽ sát với yêu cầu từng vị trí việc làm, đặc biệt là các vị trí việc làm đối với viên chức đơn vị sự nghiệp.
Ba là, do những khó khăn trong công tác tuyển dụng, thiếu hụt cán bộ trong cơ quan chuyên trách của đoàn thanh niên, Vĩnh Phúc mạnh dạn đề xuất trong việc tuyển dụng biên chế bên cạnh việc tuyển dụng công chức theo thẩm quyền có thể xem xét việc thực hiện tuyển dụng cán bộ trong cơ quan chuyên trách của đoàn thông qua kỳ thi tuyển công chức do Trung ương Đoàn tổ chức.
Bốn là, mở rộng đối tượng thu hút, tạo nguồn cán bộ: Cần nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5-12-2017 của Chính phủ theo hướng giảm bớt các điều kiện gắn với nhóm đối tượng là sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đãi ngộ tương xứng và tạo được môi trường làm việc thích hợp để nguồn nhân lực này phát huy thế mạnh của mình. Có như vậy mới đảm bảo cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn để “trải thảm” thu hút và “giữ chân” được nguồn cán bộ chất lượng cao.
Phạm Thị Hồng Nhung, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc
Trương Thị Thuỷ, Ban Tổ chức Trung ương