Vĩnh Phúc có thể mở cửa theo định hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt Covid-19

Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, kinh tế Vĩnh Phúc vẫn duy trì nhịp độ tăng trưởng. Ảnh: TL.

Covid-19 thực sự đã làm đảo lộn thế giới. Năm 2020 đến đầu năm 2021, Việt Nam đã thành công với mục tiêu “zero COVID-19” bằng chiến lược “ngăn chặn triệt để, phát hiện sớm, cách ly tập trung, khoanh vùng - dập dịch, điều trị hiệu quả”.

Từ tháng 4-2021, dịch diễn biến hết sức phức tạp với biến chủng Delta có mức độ lây lan rất nhanh, có thể lây qua đường không khí, số người mắc tăng cao, vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống điều trị dẫn đến số người tử vong rất lớn trong thời gian ngắn tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh xung quanh.

Các can thiệp mạnh mẽ là phong toả, giãn cách toàn xã hội… trong thời gian dài không còn tác dụng như trước đây, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế, xã hội. Với các giải pháp đồng bộ cùng với vắc-xin, dịch đã được kiểm soát giảm nhanh số tử vong và chấp nhận số mắc vẫn ở một mức độ cao và sức chịu đựng của nền kinh tế và đời sống xã hội đã đến giới hạn, việc mở cửa dần đã được bắt đầu từ 1-10, có thể nói là an toàn theo chiều hướng rất tích cực.

Như vậy khái niệm kiểm soát ở đây đã thay đổi từ chỗ nói không với Covid-19 sang hướng chấp nhận có F0 trong cộng đồng, nhưng giảm thiểu tử vong, kiềm chế số mắc, để phát triển kinh tế - xã hội một cách an toàn và bền vững.

Vĩnh Phúc là tỉnh đồng bằng Bắc Bộ với dân số hơn 1 triệu dân, là vùng đất giàu truyền thống văn hoá, cách mạng và luôn có tư duy đổi mới, sáng tạo, nhiều sáng kiến đi đầu trong cả nước. Tỉnh đã có mức phát triển kinh tế khá cao theo hướng công nghiệp, môi trường đầu tư ổn định, có nhiều kinh nghiệm trong thu hút đầu tư, nhiều nhà đầu tư lớn, trong đó có các tập đoàn hàng đầu thế giới đã đầu tư tại tỉnh, đã tạo dựng được uy tín, thương hiệu của tỉnh.

Vĩnh Phúc cũng là điểm đến sớm nhất của Covid-19 xâm nhập vào cộng đồng và là tỉnh có quyết định phong toả chống dịch đầu tiên trong cả nước với một đơn vị hành chính cấp xã (xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên) và điều trị thành công Covid-19 tại phòng khám đa khoa khu vực (Quang Hà).

Trong suốt 2 năm qua, với sự chỉ đạo xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, sự vào cuộc của hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung sức chống dịch của nhân dân, Vĩnh Phúc đã kiểm soát dịch rất thành công theo định hướng “zero covid”. Tuy nhiên, nếu tiếp tục như vậy sẽ phải đóng kín giao thương với các tỉnh và quốc tế, sẽ là trở ngại lớn cho phát triển của nền kinh tế cũng như văn hóa - xã hội của tỉnh và khó có thể thực hiện được chỉ tiêu kế hoạch 2021-2025.

Định hướng của Ban Chỉ đạo quốc gia trong thời gian tới sẽ là “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch Covid-19” dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn trong nước và quốc tế. Chúng ta không thể đóng mãi được. Nhưng mở như thế nào cho an toàn là một câu hỏi lớn và hệ trọng vì liên quan đến tính mạng người dân và nền kinh tế đòi hỏi một quyết định “cân não”.

Đến nay, có thể nói không ai có thể trả lời được câu hỏi đó một cách chính xác là mở mức nào là tối ưu, mở rộng quá có mất an toàn để lại hậu quả nghiêm trọng, mở ít quá thì mất cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, có khi mất cả cơ hội lâu dài chứ không chỉ là “cơm không ăn thì gạo còn đó”. Vậy nên áp dụng nguyên tắc chủ động, linh hoạt trên cơ sở (1) quyết tâm chính trị mạnh mẽ, (2) nắm vững được khoa học - kỹ thuật phòng, chống dịch, và (3) nguồn lực cho tổ chức thực hiện. Chủ động là mọi thứ sẵn sàng, linh hoạt là thay đổi theo kết quả thực tế, mở từ từ và giám sát đánh giá liên tục, tăng giảm hợp lý để có kết quả tối ưu dựa trên nguồn lực phù hợp.

Bộ Y tế hướng dẫn đánh giá nguy cơ của dịch chia làm 4 mức độ nguy cơ thấp, nguy cơ trung bình, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao. Vĩnh Phúc thuộc nhóm nguy cơ thấp hay còn gọi là vùng xanh. Vậy có tiếp tục ngăn chặn triệt để như hiện nay không, đến bao giờ? có mở không, mở như thế nào là những câu hỏi cần những quyết định có thể nói là cân não của Ban Chỉ đạo. Quyết định cần dựa trên cơ sở khoa học và chuẩn bị chu đáo để có thể chủ động và linh hoạt mới có thể mang lại hiệu quả cao.

Trước hết phải xác định được 3 tiêu chí cần đạt là: Chung sống an toàn với Covid-19, Giảm thiểu tử vong và Dập từng ổ dịch.

Chung sống an toàn với Covid-19 là cái đích chúng ta phải chấp nhận. An toàn ở đây có bản chất là ta kiểm soát dịch chứ không để dịch kiểm soát chúng ta, tức là có sự tồn tại của vi-rút nhưng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế, xã hội. Để kiểm soát ta cần luôn cảnh giác tầm soát mầm bệnh. Đó chính là kích hoạt hệ thống giám sát dịch rộng khắp, mọi lúc, mọi nơi, dựa trên khoa học dịch tễ với công cụ là xét nghiệm có sự tham gia của mọi người dân. Khi có ca bệnh được phát hiện, tức là ca bệnh chỉ điểm thì lập tức phải khoanh vùng, xét nghiệm thần tốc và bóc tách nguồn lây, dập tắt ổ dịch. Người bệnh sẽ được chăm sóc và điều trị sớm, giảm thiểu tối đa tổn hại sức khỏe và tử vong.

Nguyên tắc này áp dụng vào tất cả các mắt xích của đời sống kinh tế - xã hội và khái niệm riêng về sự an toàn của từng thực thể sẽ được cụ thể hóa, như gia đình an toàn, khu chợ an toàn, chuyến xe, bệnh viện, doanh nghiệp, công sở, trường học, khu phố, thôn bản, phường xã an toàn, quận huyện an toàn, tỉnh thành an toàn và như vậy chúng ta sẽ có quốc gia an toàn.

Giảm thiểu tử vong để sao cho mỗi người không mắc Covid-19, nếu mắc thì không chuyển nặng và nếu nặng thì được chữa khỏi, không tử vong. Thực tiễn của chúng ta cũng như trên thế giới cho thấy, tử vong do Covid-19 chủ yếu ở nhóm tuổi cao và có bệnh nền. Số liệu về tử vong ở Việt Nam theo tuổi như sau: nhóm tuổi 0-17 chiếm 0,4%, 18-49 chiếm 13,8%; 50-64 chiếm 35,4% và nhóm trên 65 tuổi chiếm 50,4%. Vì vậy, nhóm chiếm tỷ lệ cao cần được ưu tiên bảo vệ bằng vắc-xin và nếu mắc thì cần chăm sóc điều trị cao hơn một mức, đề phòng chuyển nặng và tử vong. Để giảm thiểu tử vong do Covid-19 không chỉ phụ thuộc vào việc nhanh chóng phủ kín vắc-xin mà tăng cường năng lực hệ thống điều trị rất quan trọng. Cần tăng cường nhân lực, trang thiết bị y tế, thuốc men và đặc biệt là điều phối tối ưu nguồn lực y tế từ Trung ương đến địa phương.

Nghiên cứu bệnh học Covid-19 cho thấy, khoảng 80% - 84% chỉ biểu hiện nhẹ, hoặc không triệu chứng, sau khoảng 10 ngày hết vi-rút và hồi phục; khoảng 10% - 20% biểu hiện mức độ trung bình hoặc nặng cần điều trị trong bệnh viện, trong đó có khoảng 2% - 5% các trường hợp tiến triển nặng đến nguy kịch cần hồi sức tích cực và có tỷ lệ tử vong cao. Khi vắc-xin được tiêm rộng rãi, nhất là bao phủ toàn bộ nhóm có nguy cơ cao thì số chuyển nặng cần điều trị trong bệnh viện sẽ giảm đi. Như vậy, mấu chốt của việc giảm thiểu tử vong là tổ chức chăm sóc điều trị sớm bao gồm tư vấn tâm lý, tập luyện tăng cường chức năng hô hấp, dinh dưỡng đầy đủ và thuốc hợp lý cho 80% - 90% những người mắc Covid-19 nhưng thể nhẹ và ở ngay tuyến cơ sở để không chuyển nặng. Đây chính là cơ sở cho chỉ đạo của Thủ tướng về tăng cường y tế cơ sở và các trạm y tế lưu động tại cấp xã/phường, đồng thời chuẩn bị các giường bệnh tại các bệnh viện, trong đó khoảng 2% - 5% số giường hồi sức tích cực.

Dập từng ổ dịch là mục tiêu rất quan trọng để kiểm soát sự lan rộng. Nghĩa của từng ổ dịch bao hàm phát hiện sớm qua hệ thống giám sát dịch tễ đủ năng lực và cảnh giác cao, không để dịch lan rộng nhiều vòng trong cộng đồng mà không biết. Khi có ca bệnh chỉ điểm thì kích hoạt ngay quy trình dập tắt ổ dịch bằng cách điều tra truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm thần tốc nhiều vòng nhanh hơn tốc độ lây để bóc tách hết F0. Khoanh vùng hẹp nhất, đúng và trúng ổ dịch và dập dịch tốt nhất trong vòng 7 đến 14 ngày. Cần có một hệ thống giám sát dịch mạnh, rộng khắp và kết nối, áp dụng tối ưu công nghệ thông tin. Kỹ thuật xét nghiệm cũng phải nghiên cứu áp dụng tối ưu cho từng mục tiêu đặt ra sao cho có hiệu quả cao, bao gồm cả hiệu quả kinh tế. Hiện nay chúng ta có xét nghiệm kháng nguyên nhanh, xét nghiệm RT PCR, xét nghiệm Xpert Express của Chương trình chống lao và xét nghiệm kháng thể, vậy dùng loại nào cho đối tượng nào cần được hướng dẫn rõ ràng.

Cần khuyến khích người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào giám sát dịch, đó là tìm hiểu để chủ động cảnh giác cao với các nguy cơ lây nhiễm, các biểu hiện của bệnh, tự lấy mẫu, tự xét nghiệm theo hướng dẫn của y tế sẽ là những bước đột phá trong giám sát dịch. Các nhà khoa học và quản lý cần thường xuyên cập nhật các kỹ thuật mới trên thế giới, cũng như tiếp cận sáng tạo để không bỏ lọt ổ dịch cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong cuộc sống lao động, sản xuất hàng ngày.

Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch và triển khai thí điểm mô hình để Vĩnh phúc có thể mở cửa trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch Covid-19 để phát triển bền vững. Y tế là trụ cột và là trung tâm, vì vậy kế hoạch cụ thể cần đạt được 4 mục tiêu cơ bản là:

Xây dựng và củng cố hệ thống giám sát dịch vững mạnh, hoạt động rộng khắp, liên tục, đảm bảo phát hiện sớm và kiểm soát các ổ dịch xuất hiện trong cộng đồng, không để lây lan nhiều vòng. (Năng lực xét nghiệm, truy vết, phân tích điều tra dịch tễ, dự đoán dịch, kết nối công nghệ thông tin).

Phủ kín vắc-xin ở mức cao nhất có thể: 100% người trên 50 tuổi, bệnh nền, làm việc khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm dịch. Tăng bao phủ vắc-xin cộng đồng dưới 50 tuổi khi đủ nguồn vắc-xin.

Xây dựng và củng cố hệ thống điều trị đủ năng lực điều trị Covid-19, chủ yếu tại tuyến cơ sở bao gồm năng lực, cách ly, giám sát, hỗ trợ, các túi thuốc và hướng dẫn chăm sóc điều trị, giường bệnh 3 tầng bao gồm bệnh viện và hồi sức tích cực với trung tâm điều phối hiệu quả kết nối công nghệ thông tin.

Xây dựng mô hình các thực thể an toàn bao gồm: bệnh viện, trường học, doanh nghiệp, nhà máy, công sở, khu du lịch, làng xã, quận, huyện, thành phố AN TOÀN.


Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Ảnh: TL.

Để thực hiện mục tiêu đó cần có 5 giải pháp chiến lược:

Tuyên truyền giáo dục về định hướng mới cho toàn bộ hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân cảnh giác, thực hành phòng, chống dịch hiệu quả.

Áp dụng tối ưu khoa học - kỹ thuật, cập nhật và chuẩn hoá hướng dẫn thực hành giám sát dịch, điều trị và vắc-xin an toàn cho các cơ quan đơn vị trong toàn tỉnh, trong và ngoài ngành Y tế.

Huy động tối ưu sự hỗ trợ của Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế và các chuyên gia trong và ngoài nước.

Đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin phòng, chống dịch kết nối với các ban, ngành và khu vực sản xuất - kinh doanh để kịp thời đánh giá và điều hành, tiện lợi nhất cho người dân tham gia vừa phòng, chống dịch vừa lao động sản xuất, tham quan du lịch, giao lưu văn hoá.

Đầu tư và huy động nguồn lực triển khai có hiệu quả các hoạt động đảm bảo thích ứng an toàn linh hoạt và kiểm soát tốt dịch Covid -19.

Trên cơ sở đó, các mô hình thích ứng an toàn kiểm soát dịch cụ thể từng cơ quan, đơn vị, nhà máy, doanh nghiệp, cộng đồng, làng xã… sẽ được thiết lập và triển khai để đạt được mục tiêu chung là mở cửa an toàn.

Gần 2 năm chống dịch vừa qua đã để lại cho chúng ta nhiều bài học vô cùng sâu sắc, cả những bài học thành công và bài học chưa thành công cần được áp dụng trong thời gian tới tại mỗi địa phương. Y tế phải là trụ cột, là trung tâm để đưa khoa học phòng, chống dịch vào mọi mắt xích của đời sống xã hội, vào cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân, chủ động kiểm soát dịch.

Vĩnh Phúc đã chống dịch rất thành công trong 2 năm qua là tiền đề quan trọng cộng thêm hội tụ đầy đủ 3 yếu tố là quyết tâm chính trị, khoa học - kỹ thuật và nguồn lực, việc mở cửa an toàn để phát triển bền vững là hoàn toàn có thể và mong mỏi của tất cả chúng ta.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất