Chỉ đạo quyết liệt
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị “về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” được Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm cao. Mặc dù Đề án 01-ĐA/TU của Tỉnh uỷ được ban hành trước nghị quyết của Trung ương gần một năm, song các mục tiêu của Đề án cơ bản tương đồng với các mục tiêu của Nghị quyết 18, vì vậy rất thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết. Quá trình thực hiện công khai, dân chủ, thận trọng, tạo sự thông suốt về tư tưởng, thống nhất trong động, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Để chủ trương, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, BTV Tỉnh ủy thống nhất quan điểm chỉ đạo: Những nội dung nêu trong Nghị quyết đã rõ thì làm, không chờ hướng dẫn của Trung ương, nhưng đảm bảo thận trọng, hiệu quả, làm đâu chắc đó, đạt các mục tiêu Nghị quyết đề ra đồng thời phải đảm bảo ổn định tình hình của địa phương. Những việc đã rõ, cần thực hiện thì thực hiện ngay; những việc mới, chưa được quy định, hoặc những việc đã có quy định những không còn phù hợp thì trước mắt cho thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Với quyết tâm đó, quá trình triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết 18 ở các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh luôn bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quan điểm, định hướng. Các cấp ủy đảng đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch thể để thực hiện ở địa phương, đơn vị nhằm đạt các mục tiêu đề ra.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa Nghị quyết được Tỉnh ủy thực hiện quyết liệt, bài bản; bám sát mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ của Trung ương và điều kiện thực tiễn của tỉnh để cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch phù hợp với từng giai đoạn, đáp ứng mục đích, yêu cầu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết được triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với phương án nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 và nhân sự HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Thực hiện trước một bước sắp xếp tổ chức để làm căn cứ kiện toàn, sắp xếp bộ máy lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đảm bảo đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh.
BTV Tỉnh ủy đã triển khai thực hiện tốt các chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Trung ương, đồng thời chủ động ban hành các chính sách riêng của tỉnh hỗ trợ thôi việc theo nguyện vọng, do vậy đã tinh giản vượt chỉ tiêu Trung ương giao. Sau tinh giản, các cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng, bố trí sắp xếp đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao và đáp ứng với yêu cầu công việc; ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức được nâng lên rõ rệt. Quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy thực hiện gắn với rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và quy chế làm việc, đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu quả của các đơn vị sau sắp xếp.
Tinh gọn bộ máy
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, với quyết tâm cao của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, việc thực hiện Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực và đạt được kết quả rõ nét. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức và các đầu mối bên trong theo hướng giảm dần đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm cấp phó. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định và giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015.
BTV Tỉnh ủy đã ban hành các Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện. UBND tỉnh đã ban hành các quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các cơ quan hành chính cấp tỉnh và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện theo nghị định của Chính phủ và Đề án số 01 của BTV Tỉnh ủy.
Kết quả sau sắp xếp đã giảm đầu mối bên trong các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của cấp uỷ, HĐND, UBND, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh: Giảm 2 đầu mối trực thuộc tỉnh (2 đầu mối trực thuộc UBND tỉnh); 243 các đầu mối cấp phòng (trong đó 101 phòng và tương đương cấp tỉnh, cấp huyện; 26 phòng thuộc chi cục và tương đương và 116 đơn vị sự nghiệp). Thực hiện giảm số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị, tổ chức theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, sau sáp nhập đã giảm 84 cấp trưởng, 200 cấp phó.
Thực hiện sáp nhập cấp xã, thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định, toàn tỉnh giảm 1 đơn vị hành chính cấp xã (đạt tỷ lệ 100% so với số xã phải sắp xếp); giảm 142 thôn, tổ dân phố. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã giảm 119 đơn vị sự nghiệp công lập.
Tinh giản đội ngũ
Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến nay Vĩnh Phúc đã thực hiện vượt chỉ tiêu biên chế phải giảm theo Nghị quyết 39 và mục tiêu Đề án đề ra (giảm tối thiểu 10% biên chế được giao năm 2015 là 2.550 biên chế).
Cách làm của tỉnh là thực hiện việc cắt giảm chỉ tiêu biên chế giao ngay từ đầu năm. Tuyển dụng trong phạm vi số biên chế được giao và thay thế không quá 50% số biên chế giảm được trong năm; không tuyển dụng đối với các đơn vị chưa thực hiện đạt chỉ tiêu tinh giản biên chế. Các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế hằng năm để làm cơ sở triển khai thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình.
Kết quả, tỉnh đã cắt giảm 2.796 chỉ tiêu biên chế khối cơ quan hành chính so với chỉ tiêu biên chế giao năm 2015; tinh giản biên chế 360 công chức, viên chức, lao động hợp đồng (13 công chức cấp tỉnh, huyện, 268 viên chức, 66 cán bộ, công chức cấp xã và 13 hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP).
Từ tháng 7-2017 đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã giảm từ 18.700 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố xuống còn 7.227 người (giảm 11.473 người).
Để có những kết quả tích cực trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, kinh nghiệm của Vĩnh Phúc là:
Một là, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là nhiệm vụ quan trọng, phức tạp do liên quan đến yếu tố con người, do đó cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của cấp ủy đảng các cấp, sự vào cuộc của hệ thống chính trị và sự đồng thuận xã hội cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân.
Hai là, công tác quán triệt, phổ biến và tuyên truyền về Nghị quyết và các văn bản triển khai Nghị quyết của các cấp, các ngành có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của xã hội trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, do đó phải thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền khi triển khai thực hiện.
Ba là, coi trọng xây dựng nội bộ đoàn kết; phải có quyết tâm chính trị cao, có phương pháp tổ chức thực hiện bài bản, chặt chẽ, sáng tạo, khoa học, đòi hỏi người đứng đầu tổ chức phải quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, bên cạnh đó phải kiên trì, không nóng vội, có lộ trình thực hiện phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đồng thời vừa điều chỉnh để từng bước hoàn thiện, những việc khó chưa có tiền lệ.
Bốn là, chú trọng hoàn thiện các quy chế, quy định; xây dựng và ban hành kịp thời hệ thống văn bản để lãnh đạo, quản lý và điều hành các quyết định về tổ chức, cán bộ, quy chế làm việc, vị trí việc làm, nội quy, quy chế trong cơ quan, quy chế phối hợp, chương trình, kế hoạch công tác... và kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp là căn cứ pháp lý, cơ sở để tổ chức thực hiện.
Năm là, công tác kiểm tra, giám sát phải thực hiện thường xuyên nhằm kịp thời ghi nhận, động viên tập thể, cá nhân thực hiện tốt và phát hiện những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để chấn chỉnh, khắc phục hoặc hướng dẫn, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Trương Nguyệt