|
Hội thảo khoa học “Xây dựng đội ngũ trí thức và trọng dụng nhân tài tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025”. Ảnh: TL
|
Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ trí thức
Tính đến 31-12-2021, số cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) của tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 105 tiến sĩ và tương đương, 2.856 thạc sĩ và tương đương, 15.989 đại học. Đội ngũ này đã có những đóng góp không nhỏ đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc, trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội, như chính trị, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn học - nghệ thuật...
Việc hoàn thiện môi trường, điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức được triển khai đồng bộ, toàn diện ở các khâu, tạo sự chuyển biến tích cực. Hệ thống các văn bản về xây dựng đội ngũ trí thức được hoàn thiện đầy đủ, công tác cán bộ được ban hành, sửa đổi, bổ sung ngày càng đầy đủ, chặt chẽ, phù hợp với thực tế hơn, nổi bật là: Quy định một số nội dung và mức hỗ trợ kinh phí thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 14-12-2020 quy định một số nội dung và mức chi thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
UBND tỉnh ban hành các quyết định liên quan đến đến cơ chế, chính sách đối với trí thức trong lĩnh vực khoa học và công nghệ để triển khai thực hiện như: Nghị quyết 10-NQ/TU về phát triển giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 841/QĐ-UBND ngày 4-5-2022 phê duyệt Đề án Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 89/NQ-HĐND ngày 11-12-2019 về hỗ trợ đổi mới công nghệ và phát triển thị trường công nghệ giai đoạn 2021-2025; số 90/NQ-HĐND ngày 11-12-2019; Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 13-11-2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 2022-2020; Kế hoạch số 20-KH/TU, ngày 15-6-2016 về thực hiện Chỉ thị 37-CT/TU, ngày 6-6-2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”.
Vĩnh Phúc thực hiện tốt chính sách trọng dụng, đãi ngộ đội ngũ trí thức. Đối với các trường hợp chưa qua đào tạo: Từ năm 2008 đến nay, tỉnh cũng đã thu hút, cử 119 bác sĩ đa khoa, dược sĩ thi đỗ hệ chính quy các trường đại học Y, Dược để cử đi đào tạo với trình độ cao hơn và thực hiện hỗ trợ toàn bộ học phí. Đến nay, đã có 98 sinh viên tốt nghiệp được bố trí công tác tại các đơn vị sự nghiệp y tế của tỉnh. Đây là một trong những cơ sở quan trọng góp phần đẩy nhanh mục tiêu đạt 13 bác sỹ/1 vạn dân vào năm 2020 theo Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 5-12-2016 của Tỉnh uỷ về phát triển sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 đã đề ra (hiện tỉnh có 1.382 bác sĩ đạt 11,6 bác sỹ/vạn dân). Chỉ số này cao hơn bình quân chung cả nước là 8,5 bác sĩ/vạn dân.
Trong hai năm 2009-2010, UBND tỉnh cũng đã tuyển chọn 35 học sinh thi đỗ đại học chính quy trong nước cử đi đào tạo một số chuyên ngành tỉnh cần tại Vân Nam, Trung Quốc và thực hiện hỗ trợ toàn bộ học phí. Đến nay, toàn bộ số sinh viên trên đã tốt nghiệp và được tỉnh xem xét, bố trí công tác tại các sở, ngành và UBND cấp huyện. Trong quá trình công tác được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đối với các đối tượng đã qua đào tạo: Từ tháng 11-2008 đến nay, tỉnh đã thu hút được 56 sinh viên có bằng tốt nghiệp loại giỏi về công tác tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đã thực hiện chính sách thưởng theo thành tích đối với 41 CCVC và hỗ trợ thu hút lần đầu đối với người có tài năng theo quy của HĐND tỉnh.
Trong hoạt động tôn vinh trí thức, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh tham mưu UBND tỉnh triển khai tổ chức thành công 8 hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh (định kỳ 2 năm một lần). Từ năm 2016 đến nay, đã có 2 công trình được tuyển chọn, công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam; 4 trí thức khoa học - công nghệ tiêu biểu của Liên hiệp hội tỉnh Vĩnh Phúc được Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam xét chọn, tôn vinh; 20 nhà giáo được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; có 3 Thầy thuốc nhân dân, 55 Thầy thuốc ưu tú. Đây là sự ghi nhận, tôn vinh của Đảng và Nhà nước đối với những sáng tạo của đội ngũ trí thức Vĩnh Phúc nói riêng và đội ngũ trí thức cả nước nói chung.
Về công tác đào tạo, bồi dưỡng trí thức, từ năm 2008 đến nay tỉnh đã cử hơn 20 nghiên cứu sinh, tập trung vào các ngành đào tạo gồm: Kinh tế - kỹ thuật, Hành chính công, Y tế, Giáo dục, Luật, hơn 500 cán bộ đi đào tạo thạc sĩ trong và ngoài nước; trên 300 cán bộ đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị tập trung. Đầu tư kinh phí đào tạo cho 119 sinh viên hệ chính quy tại các trường Đại học Y, Đại học Dược Hà Nội; tuyển chọn 35 học sinh thi đỗ đại học chính quy trong nước cử đi đào tạo một số chuyên ngành tỉnh cần tại Vân Nam, Trung Quốc. Trường Chính trị tỉnh mở được 463 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 55.107 lượt cán bộ, đảng viên các cấp và tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức Quản lý nhà nước (QLNN) cho khoảng 2.973 người trong đó có khoảng 1.732 người bồi dưỡng kiến thức QLNN ngạch chuyên viên, 1.150 người bồi dưỡng kiến thức QLNN ngạch chuyên viên chính, hơn 100 người bồi dưỡng kiến thức QLNN ngạch chuyên viên cao cấp. Quy mô đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được mở rộng. Đến nay, toàn tỉnh có 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý, CCVC cấp tỉnh, huyện đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo quy định. Bên cạnh đó, tỉnh đã cử 194 CCVC đi bồi dưỡng nâng cao trình độ tiếng Anh tại Phi-li-pin, trong đó có 20 công chức cấp tỉnh, huyện và 174 giáo viên tiếng Anh các cấp học. Đã bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tin học cho khoảng 2.260 CBCCVC các cấp, trong đó có khoảng 600 CBCC cấp xã.
Có thể khẳng định, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh trên cả nước đã sớm triển khai nội dung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và thực hiệu có hiệu quả nội dung Nghị quyết 27-NQ/TW. Công tác xây dựng đội ngũ CBCCVC được đổi mới toàn diện trên các mặt như: tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, phân cấp quản lý, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ, thực hiện dân chủ, công khai, đúng quy định. Số lượng, chất lượng đội ngũ trí thức ngày càng được nâng cao. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ CBCC trong tỉnh được nâng lên, hầu hết đều có trình độ từ đại học trở lên; số có trình độ cao đẳng, trung cấp ngày càng giảm. Viên chức sự nghiệp cơ bản đạt chuẩn đào tạo theo chức danh, riêng sự nghiệp giáo dục, giáo viên được đào tạo trên chuẩn chiếm tỷ lệ cao.
Để hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi
Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng đội ngũ trí thức để tạo nên một mạng lưới thống nhất các cơ quan, ban, ngành thuộc tất cả các lĩnh vực quản lý còn hạn chế, ít quan tâm đến bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao và tôn vinh những trí thức có tài năng. Tỉnh hiện vẫn còn thiếu đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn cao, thiếu chuyên gia giỏi ở một số lĩnh vực. Trình độ ngoại ngữ của đội ngũ CBCCVC còn hạn chế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC ở nước ngoài còn gặp khó khăn. Các cơ sở giáo dục, đào tạo trong tỉnh liên kết đào tạo đại học, sau đại học phát triển nhanh nhưng chưa gắn đúng với yêu cầu, nhiệm vụ công tác, chất lượng đào tạo chưa cao. Đào tạo trí thức bậc cao (từ trình độ thạc sỹ trở lên) còn mất cân đối. Một số cán bộ đã có trình độ thạc sỹ nhưng chưa cống hiến được nhiều cho cơ quan, đơn vị và cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc thu hút trí thức có trình độ cao về công tác tại tỉnh còn khó khăn. Ở một số ngành xảy ra tình trạng chảy máu chất xám. Các chính sách thu hút, đãi ngộ đối với CBCCVC có trình độ cao vẫn đang dừng lại ở hình thức bằng cấp mà chưa đánh giá được hiệu quả đích thực từ những người được hưởng chế độ đãi ngộ đã phục vụ, công hiến cho sự phát triển của tỉnh.
Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025 hình thành được đội ngũ chuyên gia giỏi của tỉnh trong hầu hết các lĩnh vực; thu hút được tối thiểu 50 nhân tài vào bộ máy các cơ quan trong giai đoạn 2020-2025; phấn đấu 80% phát minh, sáng kiến, sáng chế các nhiệm vụ khoa học được thực hiện bởi đội ngũ trí thức của tỉnh hoặc do đội ngũ trí thức của tỉnh đồng chủ trì. Hằng năm, tổ chức được từ 2-3 chương trình, nội dung, hợp tác với các chuyên gia đầu ngành, các tổ chức có uy tín… để chuyển giao tri thức. Mỗi năm cử 100-150 CBCC đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị và 700-800 CBCCVC đi đào tạo trung cấp lý luận chính trị. Phấn đấu đến năm 2025, hình thành được đội ngũ người có tài năng trong hoạt động công vụ của tỉnh trong hầu hết các lĩnh vực: Mỗi cơ quan hành chính và lĩnh vực sự nghiệp khác có ít nhất 3 người được tỉnh xác định là người có tài năng; sự nghiệp giáo dục và đào tạo có 500 người (bình quân có 1 người/trường) được tỉnh xác định là người có tài năng và có giáo viên đạt trình độ tiến sỹ trong các trường THPT; sự nghiệp y tế có ít nhất 100 người được tỉnh xác định là người có tài năng và cử đi đào tạo 150 CCVC có trình độ Chuyên khoa II và tương đương; 350 CCVC có trình độ Chuyên khoa I và tương đương.
Để thực hiện tốt những mục tiêu nêu trên, trong thời gian tới, Vĩnh Phúc cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là, xác định công tác xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, trong đó sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đóng vai trò quyết định. Phát huy vai trò của nhân dân, cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu trong xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh.
Hai là, thực hiện rà soát việc thực hiện các chính sách của tỉnh về xây dựng đội ngũ trí thức, sửa đổi, bổ sung, ban hành những chính sách mới nhằm đảm bảo trí thức được hưởng lợi ích vật chất, tinh thần, điều kiện làm việc tương xứng với giá trị từ kết quả lao động của trí thức. Hoàn thiện chính sách thu hút, đãi ngộ trí thức trong và ngoài tỉnh, tích cực tham gia hiến kế, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ hoặc về công tác tại tỉnh.
Ba là, xây dựng chính sách tôn vinh, khen thưởng trí thức. Đánh giá năng lực theo kết quả đầu ra để có hình thức tôn vinh, khen thưởng tương xứng. Đào tạo, bồi dưỡng trí thức. Xây dựng cơ chế, chính sách và có kế hoạch cụ thể để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức. Cơ cấu lại để sử dụng có hiệu quả đội ngũ trí thức là CBCCVC hiện có.
Bốn là, thực hiện tốt việc tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý. Việc quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình. Việc đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ phải dựa trên cơ sở đánh giá cán bộ, tiêu chuẩn cán bộ, tăng cường công tác luân chuyển cán bộ nhằm rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn. Quan tâm bổ nhiệm trí thức có tư duy đổi mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí của Liên hiệp Hội của đội ngũ trí thức. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các địa phương để triển khai công tác chuyên môn, tăng cường quan hệ hợp tác với liên hiệp hội các tỉnh bạn để nắm bắt nhiều thông tin, sáng kiến, công nghệ mới để phổ biến áp dụng trong tỉnh. Khẳng định vị trí, vai trò của Liên hiệp Hội trong hệ thống chính trị.
Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, báo cáo việc triển khai thực hiện nghị quyết và các chính sách liên quan của Trung ương và của tỉnh ở tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể, đơn vị, tổ chức trong tỉnh.
Nguyễn Quang Hưng