Vĩnh Phúc: Xây dựng và hoàn thiện thể chế để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện
Công an huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc làm các thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử cho người dân. Ảnh: Dương Chung

Công an huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc làm các thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử cho người dân. Ảnh: Dương Chung.

Theo kết quả xếp hạng đánh giá CĐS năm 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Vĩnh Phúc xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố, tăng 43 bậc so với năm 2020. Đặc biệt, trong 6 chỉ số chính thuộc nhóm chỉ số nền tảng chung, Vĩnh Phúc xếp thứ nhất về chỉ số thể chế số.

Có được kết quả trên là do tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy CĐS toàn diện trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; ưu tiên lựa chọn những công việc đột phá, tạo cơ sở, nền tảng CĐS nhanh, bền vững, phục vụ đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong đó, việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, kiến tạo thể chế số được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, tiên quyết trong quá trình thực hiện CĐS nhằm xác định sớm lộ trình, đẩy nhanh tiến trình CĐS trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương; tạo môi trường pháp lý và các nguồn lực thúc đẩy CĐS.

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, trên cơ sở tình hình thực tế tại địa phương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chủ động, khẩn trương ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành liên quan đến CĐS, xây dựng cơ chế, chính sách để đẩy nhanh quá trình CĐS.

Trong đó, Chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với quá trình CĐS trên địa bàn tỉnh được ban hành có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng cho công cuộc CĐS của tỉnh.

Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần xác định CĐS là động lực phát triển toàn diện của tỉnh, vừa cấp bách, vừa lâu dài; là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải triển khai đồng bộ các giải pháp phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp tốt nhất, đảm bảo sự thành công của CĐS; phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc vào nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu về CĐS…

Nhằm tạo cơ chế, chính sách “dẫn đường” trong CĐS, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 39 thông qua Đề án hoàn thiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 14, ngày 20-7-2022 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hạ tầng số phục vụ CĐS tỉnh Vĩnh Phúc.

Cùng với đó, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ về CĐS như Chỉ thị số 04 về thúc đẩy CĐS; Quyết định số 488 về giao nhiệm vụ, chỉ tiêu CĐS cho thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Quyết định số 18 quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc trong việc thực hiện nhiệm vụ CĐS; Kế hoạch số 193 về CĐS, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (trong đó giao 37 chỉ tiêu; 17 cơ chế, chính sách; 57 nhiệm vụ, dự án cụ thể cho các đơn vị)…

Việc xây dựng và ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản làm cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý cho CĐS đã tạo nền tảng giúp tỉnh đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Đến nay, toàn tỉnh có 2.900 trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng di động 3G, 4G toàn tỉnh đạt 100%, đã phát sóng 2 trạm 5G của Viettel. Trên địa bàn tỉnh có hơn 1,2 triệu thuê bao điện thoại di động (trong đó, 940.000 thuê bao sử dụng điện thoại thông minh, đạt 80% dân số); 225.500 thuê bao in-tơ-nét băng rộng cố định và 800.500 thuê bao in-tơ-nét băng rộng di động; tỷ lệ hộ gia đình có in-tơ-nét băng rộng cố định là 72,4%.

Các văn bản, giấy tờ chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh chủ yếu ban hành dưới dạng văn bản điện tử; tỷ lệ ký số trên phần mềm quản lý văn bản của tỉnh đạt 98,5%. Tỉnh đã kết nối 744 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với Cổng dịch vụ công quốc gia và đến cuối tháng 9-2022, toàn tỉnh có gần 8.200 giao dịch thanh toán trực tuyến qua nền tảng thanh toán của Cổng dịch vụ công quốc gia.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.000 doanh nghiệp đã sử dụng các nền tảng số; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; 100% cơ sở giáo dục thực hiện CĐS, khai thác, sử dụng các kho học liệu trực tuyến dùng chung trên các nền tảng số…

Người dân Vĩnh Phúc đã dần thay đổi nhận thức về CĐS, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới, thừa hưởng những giá trị từ CĐS và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình CĐS của tỉnh.

Nhằm tiếp tục xây dựng cơ sở pháp lý, thúc đẩy CĐS sâu rộng, toàn diện, thời gian tới, tỉnh sẽ nghiên cứu, xây dựng các quy định, quy chế liên quan đến phối hợp triển khai chính quyền điện tử số như thu thập, tạo lập, cập nhật, chia sẻ dữ liệu, khai thác thông tin, dữ liệu, cơ sở dữ liệu; quy chế quản lý, khai thác, vận hành các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh... nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận và sử dụng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể hóa các nội dung về an toàn thông tin; hoàn thiện việc tổ chức đánh giá xếp hạng chỉ số CĐS của các ngành, đơn vị, địa phương; rà soát, bổ sung nội dung CĐS vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, lĩnh vực; đặc biệt là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nghiên cứu để ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy CĐS như chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện CĐS, ứng dụng nền tảng số trong quản trị, sản xuất, kinh doanh; chính sách khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, trước hết xem xét để giảm chi phí và thời gian cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất