“Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”
Nông thôn mới kiểu mẫu hài hòa giữa kiến trúc hiện đại nhưng vẫn giữ nét bình yên của làng quê truyền thống. Ảnh: Báo Vĩnh Phúc.

Nông thôn mới kiểu mẫu hài hòa giữa kiến trúc hiện đại nhưng vẫn giữ nét bình yên của làng quê truyền thống. Ảnh: Báo Vĩnh Phúc.

“Sức nước lòng Dân”

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Ngày 21-1-1946, trả lời phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài, Người đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Để phát triển kinh tế, văn hóa và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan đảng, nhà nước, các cán bộ, đảng viên phải thực hiện đầy đủ và nghiêm túc phương châm “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Đồng thời, phải huy động sức mạnh toàn dân trong sự nghiệp xây dựng đất nước với phương châm “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân chính là chân lý, là mục tiêu hướng tới sự nghiệp cách mạng. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn Dân trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”; phải có “kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn”.

Kế thừa bài học kinh nghiệm Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại về phát huy sức mạnh của nhân dân: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu - Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Quán triệt sâu sắc quan điểm “Dân làm gốc”, thật sự tin tưởng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền là lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.

 “Mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả từ sự phát triển”

Học và làm theo Bác, Vĩnh Phúc huy động tốt “sức nước lòng dân”, mọi chính sách phát triển đều hướng đến mục tiêu “Mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả từ sự phát triển”. Vĩnh Phúc đang “viết” nên câu chuyện “làng tôi kiểu mẫu”…

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, đặc biệt là từ năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc “lên" ý tưởng xây dựng các "Làng văn hóa kiểu mẫu". Ngày 16-3-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 với mục tiêu tạo sự chuyển biến rõ rệt, đột phá trong việc xây dựng các thôn, làng, khu dân cư phát triển đồng bộ, toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Trong đó, lợi ích của người dân là mục tiêu, động lực trong xây dựng các Làng văn hóa kiểu mẫu; người dân đóng vai trò là chủ thể, trung tâm, vừa là lực lượng thực hiện cũng chính là đối tượng được hưởng lợi chính của thành quả.

Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tại tỉnh Vĩnh Phúc là một chủ trương lớn, mới và chưa từng có tiền lệ. Nhưng với quyết tâm chính trị cao, sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực từ người dân, chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đã được Vĩnh Phúc triển khai quyết liệt, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm thực chất, hiệu quả, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Dự kiến đến hết năm 2025, Vĩnh Phúc hoàn thành 30 làng được chọn thí điểm, phấn đấu đến năm 2030, 60 làng đạt được các tiêu chí Làng văn hóa kiểu mẫu, tạo ra tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình này trong những năm tiếp theo.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Khu thiết chế văn hóa - thể thao Tổ dân phố Tam Quang, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Khu thiết chế văn hóa - thể thao Tổ dân phố Tam Quang, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

 Các Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh sẽ trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững với các đặc trưng cơ bản: Cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc… Đặc biệt, các Làng văn hóa kiểu mẫu sẽ mang đặc trưng riêng của tỉnh Vĩnh Phúc vì hướng tới mục tiêu bao trùm, xuyên suốt là giúp người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc hơn.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh: Việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu của Vĩnh Phúc chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc; kể cả khi hoàn thành các tiêu chí xây dựng, các địa phương của tỉnh vẫn tiếp tục nỗ lực để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Làng văn hóa kiểu mẫu sẽ kiến tạo nền tảng cơ bản để Vĩnh Phúc trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh. Người dân ở đó sẽ có cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc hơn và thực sự được thụ hưởng những thành quả của văn hóa.

Trong số 30 thôn, làng làm thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, huyện Bình Xuyên được chọn 3 nơi: Tổ dân phố Tam Quang, thị trấn Gia khánh; Tổ dân phố Trong Ngoài, thị trấn Hương Canh và thôn Chợ Nội, xã Tam Hợp. Sau 8 tháng triển khai xây dựng, Bình Xuyên là huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thiện khánh thành giai đoạn 1 các khu thiết chế văn hóa - thể thao tại 3 thôn, tổ dân phố được chọn làm điểm. Đây là niềm vui, niềm tự hào lớn, thể hiện quyết tâm chính trị cao, sự đồng lòng “sức nước lòng dân” của đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bình Xuyên.

Đồng chí Nguyễn Hồng Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên trao đổi: Ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 19, HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết về xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”, huyện Bình Xuyên đã ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn huyện; chủ động tập trung làm tốt công tác tuyên truyền xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, xây dựng mới và nhân rộng các mô hình, gương điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội... Với nhiều hình thức, nội dung phong phú như: Tuyên truyền trên hệ thống Đài Truyền thanh huyện và cơ sở, tổ chức các hội nghị họp dân, sinh hoạt chi bộ, tuyên truyền trên hệ thống bản tin sinh hoạt chi bộ, trên Cổng Thông tin điện tử huyện, tuyên truyền trên hệ thống băng-rôn, khẩu hiệu, pa-nô, áp-phích và trên hệ thống xe lưu động. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc ủng hộ và thực hiện chủ trương; huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia xây dựng hiệu quả Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn huyện.

Việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở các địa phương tại huyện Bình Xuyên có sự lan tỏa mạnh mẽ, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Hưởng ứng chủ trương xây dựng Làng văn hoá kiểu mẫu, người dân đã đóng góp trên 1.106 triệu đồng, 540 ngày công lao động, hiến 750m2 đất; ủng hộ Quỹ Khuyến học trên 240 triệu đồng, đồng thời người dân tích cực tham gia trồng cây xanh trong khuôn viên khu thiết chế văn hóa - thể thao và vẽ tranh tường dọc các tuyến đường. Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Tuyến, Bí thư Đảng ủy thị trấn Gia Khánh trao đổi: “Thị trấn Gia Khánh rất vinh dự, tự hào được tỉnh lựa chọn làm điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tại tổ dân phố Tam Quang. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, địa phương đã tập trung phân công “toàn lực” để thực hiện. Đảng bộ ban hành 17 văn bản, UBND thị trấn xây dựng 57 văn bản chỉ đạo, tuyên truyền sâu rộng để nhân dân nắm được chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, tổ chức họp dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Từ đó, chủ trương nhận được sự ủng hộ lớn từ nhân dân. Tổ dân phố Tam Quang đã nghiên cứu, lấy ý kiến người dân để xây dựng quy chế hoạt động Làng văn hóa, hương ước theo quy chế mới dựa trên sự tiếp thu 14 tiêu chí trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Lãnh đạo thị trấn chúng tôi trao đổi, hướng dẫn, thảo luận với nhân dân vận dụng linh hoạt 14 tiêu chí để xây dựng vườn sản xuất, trang trại chăn nuôi, cửa hàng tiện ích, xây dựng những sản phẩm Vietgap, Ocop...”. Sau 5 tháng triển khai, Khu thiết chế văn hóa - thể thao Tổ dân phố Tam Quang đã khánh thành giai đoạn 1 với tổng diện tích 1,2ha gồm: Hội trường, thư viện, phòng họp, sân thể thao, công viên, các hạng mục phụ trợ đã hoàn thành, vượt tiến độ 90 ngày so với kế hoạch. Thư viện có trên 3.500 đầu sách trị giá khoảng 350 triệu đồng, ủng hộ kinh phí xây dựng nhà thờ Mẫu trong khu tâm linh gần 2 tỷ đồng, người dân hiến trên 700m2 để xây dựng đường đi vào khu thiết chế văn hóa - thể thao. Mỗi hộ gia đình ủng hộ 1 cây xanh, ủng hộ vẽ tranh tường và ngày công lao động; vận động xây dựng quỹ khuyến học trên 60 triệu đồng; 21 hộ gia đình được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, sản xuất đạt 3,7 tỷ đồng.

Gia đình anh Trần Đăng Ngọc và chị Đỗ Thị Huyền tại Tổ dân phố Tam Quang, thị trấn Gia Khánh được chọn xây dựng mô hình cửa hàng tiện lợi với mức hỗ trợ 50 triệu đồng và vay vốn hỗ trợ lãi suất thấp 200 triệu đồng. Gia đình anh Ngọc đã mở một cửa hàng tiện lợi phục vụ nhu cầu của người dân.

Cửa hàng tiện lợi của gia đình anh chị Ngọc Huyền, tổ dân phố Tam Quang đem lại thu nhập 2 triệu đồng/ngày.

Cửa hàng tiện lợi của gia đình anh chị Ngọc Huyền, tổ dân phố Tam Quang đem lại thu nhập 2 triệu đồng/ngày.

 Anh Trần Đăng Ngọc cho biết: “Gia đình chúng tôi được nghe tuyên truyền về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, nắm được chủ trương của tỉnh hỗ trợ rất nhiều cho người dân nên tôi bàn với vợ tận dụng khu đất gần mặt đường, mạnh dạn vay vốn để mở cửa hàng tiện lợi phục vụ bà con trong tổ dân phố. Gia đình chúng tôi rất cảm ơn tỉnh, huyện, thị trấn đã quan tâm, tạo điều kiện để người dân chúng tôi được phát triển kinh doanh, xây dựng kinh tế gia đình và địa phương. Gia đình tôi kinh doanh tốt, đạt hiệu quả, chúng tôi cố gắng phấn đấu hơn nữa trong thời gian tới sẽ đảm bảo nguồn hàng chất lượng để phục vụ bà con, đồng thời mong muốn lan tỏa cách làm kinh tế này tới người dân để cùng nhau phát triển, làm giàu trên chính quê hương. Khi được chọn xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, tổ dân phố chúng tôi bà con rất phấn khởi, đồng lòng nhất trí chấp hành nghiêm các chủ trương, tích cực tham gia vào các hoạt động, đóng góp công sức để xây dựng làng xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững”.

Yên Lạc là huyện thứ 2 của tỉnh Vĩnh Phúc hoàn thành giai đoạn 1 xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu với 3 nơi được chọn làm điểm là: Thôn Chi Chỉ, xã Đồng Cương; thôn Thụ Ích, xã Liên Châu và làng Man Để, thị trấn Tam Hồng. Đến dự khánh thành Khu thiết chế văn hóa - thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu thôn Chi Chỉ, cụ Nguyễn Thị Đồng đã 80 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, phấn khởi và xúc động chia sẻ: “Tôi năm nay 80 tuổi đời với 60 năm tuổi đảng, hiện tại đang rất vui mừng khi thấy quê hương đổi thay, rất đẹp và mỹ miều. Ngay khi có chủ trương của cấp trên, chi bộ chúng tôi đã họp, thống nhất cao, đồng lòng nhất trí với công cuộc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Sau đó thôn chúng tôi đã họp các ban, ngành, đoàn thể và họp công khai toàn dân để phổ biến tới tất cả các hộ dân về chủ trương cũng như cách thức xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Nhân dân trong thôn chúng tôi 100% nhất trí cao, ủng hộ đường lối của Đảng, của tỉnh, huyện và xã, ai cũng phấn chấn, vui sướng và tích cực tham gia các hoạt động. Chúng tôi ai có của góp của, ai có công góp công, tự nguyện hiến đất mở rộng đường, xây dựng Khu thiết chế văn hóa - thể thao. Chỉ sau mấy tháng xây dựng, bộ mặt nông thôn đã thay đổi, không chỉ đường làng, ngõ xóm mà đổi thay tại chính từng hộ gia đình: trong trang trí cảnh quan, cách đối nhân xử thế, quan hệ hàng xóm, láng giềng, dạy bảo con cháu, tôi đều thấy có sự phát triển tốt, rất vui mừng, mãn nguyện”.

pPòng đọc sách rộng rãi tại Khu thiết chế văn hoá - thể thao thôn Chi Chỉ, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Phòng đọc sách rộng rãi tại Khu thiết chế văn hoá - thể thao thôn Chi Chỉ, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

 Nắm được chủ trương, tự nguyện hiến đất để xây dựng Khu thiết chế văn hóa - thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu thôn Chi Chỉ, bà Phan Thị Luận chia sẻ: Người dân ở thôn chúng tôi và các nơi hầu hết đều mong muốn đời sống ngày càng được nâng cao, nhất là hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cần được đẩy mạnh để người già như chúng tôi nâng cao sức khỏe, các cháu thanh niên, học sinh được vui chơi bổ ích, tránh xa các tệ nạn xã hội. Nên ngay sau khi có chủ trương về Làng văn hóa kiểu mẫu, tôi đã bàn bạc với gia đình tự nguyện hiến 160m2 đất để xây dựng Khu thiết chế văn hóa - thể thao của thôn Chi Chỉ. Động lực lớn nhất khi tự nguyện hiến đất của gia đình tôi là mong muốn bà con trong thôn có khu vui chơi, sinh hoạt cộng đồng ý nghĩa, gắn kết tình làng nghĩa xóm, tạo ra niềm vui, giao lưu đoàn kết, xây dựng quê hương trở thành vùng quê đáng sống, ai đi xa cũng muốn tìm về. Người dân trong thôn chúng tôi, ai cũng đồng lòng với chủ trương, vô cùng biết ơn Đảng, Nhà nước, các cấp tỉnh, huyện, xã đã xây dựng đời sống mới cho bà con được hưởng lợi ích to lớn. Tôi vẫn động viên con cháu rằng: Nếu có nhiều đất hơn mẹ cũng sẽ tự nguyện hiến thêm để góp phần xây dựng khu văn hóa to đẹp, hiện đại. Tôi và bà con trong thôn cảm thấy rất vui sướng, thôn Chi Chỉ đang tràn đầy sức sống, không chỉ đời chúng tôi được hưởng, cứ đà phát triển này, đến đời con cháu chúng tôi vẫn được hưởng và ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống.

Học và làm theo lời Bác căn dặn, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục huy động tốt “sức nước lòng dân”, nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa đậm đà bản sắc vùng miền, để mỗi địa phương đều trở thành nơi đáng sống, để “làng tôi kiểu mẫu” trở thành niềm tự hào lớn lao...

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất