Đưa mở rộng bảo hiểm xã hội vào chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội địa phương

Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách BHXH, diện bao phủ BHXH ngày càng được mở rộng; các chế độ BHXH cũng ngày càng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, việc thực hiện đồng bộ chính sách BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và BH thất nghiệp ngày càng đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người dân.

Tư vấn pháp luật BHXH cho công nhân

Cụ thể, BHXH bắt buộc bao gồm các chế độ ngắn hạn (ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN) và các chế độ dài hạn (hưu trí, tử tuất) được áp dụng đối với mọi NLĐ có quan hệ lao động (HĐLĐ) từ đủ 1 tháng trở lên. Chính sách này cũng được áp dụng đối với cả lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Chính sách BHXH tự nguyện (chế độ hưu trí, tử tuất) áp dụng đối với mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, hướng tới nông dân ở khu vực nông thôn và lao động khu vực phi chính thức. Còn chính sách BH thất nghiệp áp dụng đối với mọi NLĐ có HĐLĐ từ đủ 3 tháng trở lên.

Như vậy, về mặt chính sách, cả hình thức bắt buộc và tự nguyện đã bao gồm toàn bộ lực lượng lao động (nông dân và NLĐ khu vực phi chính thức) đều có cơ hội tham gia và thụ hưởng quyền lợi về BHXH.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH chưa tương xứng với tiềm năng. Đối với khu vực chính thức (có quan hệ lao động), ước tính đến tháng 12/2017, cả nước có hơn 610.000 DN đang hoạt động, nhưng mới có trên 222.000 DN tham gia BHXH bắt buộc. Số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc khoảng 17 triệu người, nhưng mới có 13,59 triệu người tham gia (chưa tính 1,294 triệu người bảo lưu thời gian tham gia). Khu vực phi chính thức có khoảng 40 triệu lao động, nhưng đến nay mới có gần 300.000 người tham gia- đây là nhóm cần đẩy mạnh mở rộng diện bao phủ.

Trong khi đó, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hằng năm ước trên 100.000 người. Theo quy định, nhóm này là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, có thể đóng BHXH thông qua DN xuất khẩu lao động hoặc cơ quan BHXH nơi cư trú. Tuy nhiên, trong thực tế, số này tham gia BHXH mới đạt rất thấp (khoảng 5.000 người). Ngoài ra, số DN hộ gia đình, người tự kinh doanh không thuê mướn lao động, lao động làm việc theo chế độ linh hoạt cũng là nhóm đối tượng cần hướng tới, nhưng thực tế mới chỉ có rất ít người đăng ký tham gia BHXH…

Giai đoạn 2012-2017, bình quân mỗi năm, cả nước tăng thêm 594.000 người tham gia BHXH: trong khi đó có khoảng 628.000 người hưởng BHXH một lần. Số lượng người hưởng BHXH một lần trong thời gian qua có xu hướng gia tăng, đang đặt ra thách thức đối với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Nguyên nhân là do, NLĐ nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc họ bị giảm hoặc mất cơ hội được hưởng lương hưu khi về già, ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân sau này. Khi đó, NSNN sẽ phải chịu áp lực lo cân đối quỹ để chi trợ cấp xã hội, nhất là đối với những người từ 80 tuổi trở lên…

Cùng với đó, tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT vẫn còn phổ biến, chậm được khắc phục. Năm 2017, cả nước có 331.000 đơn vị tham gia BHXH bắt buộc với 13,59 triệu lao động, trong đó khu vực DN có trên 228.000 đơn vị với 9,12 triệu người; khu vực HCSN, đảng, đoàn thể, LLVT có 77.836 đơn vị với 3,72 triệu người; số còn lại bao gồm cán bộ xã, phường, thị trấn, HTX... với khoảng 30.930 đơn vị và 750.000 người. Nhìn chung, khu vực HCSN tham gia BHXH khá đầy đủ, chỉ có khu vực DN hay xảy ra trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT. Tính đến tháng 12/2017, cả nước còn trên 380.000 DN (chiếm 63,5% số DN đang hoạt động) chưa tham gia BHXH và số này chủ yếu là các DN nhỏ và siêu nhỏ; số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc còn khoảng 3,41 triệu người.

Giao chỉ tiêu cho từng địa phương

Tại Hội nghị giao ban công tác lao động- người có công và xã hội khu vực phía Bắc năm 2018 tổ chức mới đây, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, để mở rộng diện bao phủ BHXH, chúng ta đang hướng tới xây dựng hệ thống BHXH với chương trình hưu trí đa tầng, nhằm tăng diện bao phủ đồng thời tạo điều kiện cho người về hưu có điều kiện đa dạng hoá các nguồn lương hưu. Theo đó, “tầng 1”- phổ cập toàn dân dựa trên đánh giá gia cảnh- NSNN sẽ cung cấp một khoản bảo đảm về thu nhập như nhau (lương hưu xã hội) cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hằng tháng, hướng tới xây dựng sàn lương hưu tối thiểu căn cứ vào mức sống tối thiểu. “Tầng 2”- hưu trí dựa trên đóng góp gắn với thu nhập và “tầng 3”- BH hưu trí bổ sung.

Bên cạnh đó, sẽ sửa đổi quy định về điều kiện và thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng hưu trí theo hướng linh hoạt đồng thời với việc điều chỉnh công thức tính lương hưu. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác có nhu cầu và có khả năng. Tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH, nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ. Thúc đẩy nhanh quá trình chính thức hoá việc làm khu vực phi chính thức, để gia tăng số lao động tham gia BHXH…

Góp ý cho đề án giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương, BHXH Việt Nam cho rằng, việc giao chỉ tiêu cho các địa phương là phù hợp với khả năng, tình hình thực tế, đảm bảo theo đúng quy định của Luật BHXH. Để có căn cứ cho địa phương triển khai thực hiện, các bộ, ngành, trong đó có Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam sẽ nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH theo nguyên tắc, lộ trình cụ thể.

Theo đó, đối với người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc năm 2018, giao cho địa phương khai thác phát triển trung bình toàn quốc đạt ít nhất 28,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; 30,5% năm 2019 và 32,5% năm 2020- tỉ lệ tham gia BHXH bắt buộc sẽ đạt khoảng 16 triệu người. Với người tham gia BHXH tự nguyện, giao địa phương phát triển trung bình toàn quốc ít nhất đạt khoảng 5% so với lực lượng lao động; năm 2019 là 10% và năm 2020 là 18,5%- số người tham gia đạt khoảng 9,5 triệu người.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng cho rằng, để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu cho các địa phương theo lộ trình. Trên cơ sở đó, địa phương có trách nhiệm đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả, đảm bảo 100% số người thuộc diện bắt buộc sẽ tham gia BHXH. Đối với đối tượng thuộc diện tự nguyện thì căn cứ điều kiện kinh tế- xã hội, việc làm, thu nhập bình quân, trình độ dân trí, sự hỗ trợ mức đóng BHXH để xây dựng chỉ tiêu cho phù hợp…

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH sẽ được thực hiện theo nguyên tắc chung, thống nhất. Trên cơ sở đó, các địa phương xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH dự kiến tại địa phương mình để trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội hằng năm của địa phương, qua đó triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả từ năm 2019.

V.Thu

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất