Yên Bái: Nhiều chuyển biến tích cực sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị
Các cá nhân có thành tích nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết 21-NQ/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020”, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Yên Bái đã và đang tổ chức thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả bước đầu trong công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn.

Sau khi Nghị quyết được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa bằng Chương trình Nghị quyết số 47-CTr/TU, ngày 27/03/2013 đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW sát thực với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Đồng thời quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW đến cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp và cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Qua đó đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên từ tỉnh xuống cơ sở. UBND tỉnh Yên Bái cũng đã ban hành nhiều văn bản chi đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện Nghị quyết như ban hành Công văn số 844/UBND-VX, ngày 08/5/2013 xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về BHXH, BHYT; Kế hoạch số 109/KH-UBND, ngày 22/8/2014 về việc thực hiện Quyết định số 538/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Công văn số 995/UBND-VX, ngày 19/5/2015 về thực hiện Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách BHXH và BHYT; Công văn số 2457/UBND-VX, ngày 26/10/2016 về triển khai Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chỉ tiêu bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2020).

Trên cơ sở văn bản của cấp trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương, các ngành và các đơn vị cũng đã xây dựng, ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết theo định hướng chung của tỉnh. Đồng thời, đưa các chỉ tiêu về thực hiện chính sách bảo hiểm vào trong chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và xem đây là một tiêu chí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị

Trong 5 năm qua, BHXH tỉnh đã tổ chức trên 400 hội nghị với hơn 27.500 lượt người tham gia, tuyên truyền chính sách pháp luật BHXH cho cán bộ, viên chức trong ngành, đại lý thu và cộng tác viên; lắp đặt 02 cụm Pano và gần 2.000 băng rôn tuyên truyền về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; in và phát hành trên 500.000 tờ gấp tuyên truyền về BHYT học sinh, sinh viên, BHYT hộ gia đình, những điều cần biết về BHXH bắt buộc, những điều cần biết về BHXH tự nguyện. Mỗi năm, BHXH tỉnh đặt mua hơn 15.000 tờ báo BHXH, gần 9.000 cuốn tạp chí BHXH để gửi đến các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh nhằm cập nhật thông tin, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền sâu rộng chính sách BHXH tự nguyện, BHYT học sinh đến với phụ huynh học sinh và nhân dân. Các cơ quan truyền thông Báo, Đài địa phương hằng năm đã phối hợp thường xuyên với BHXH tỉnh để xây dựng chuyên trang chuyên mục, đăng tải nhiều tin bài viết về thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Thông qua hoạt động tuyên truyền, vận động nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, của người sử dụng lao động về vị trí và tầm quan trọng của BHXH, BHYT từng bước được nâng lên; việc thực hiện các chế độ chính sách BHXH, BHYT cho người lao động tốt hơn; nhận thức của nhân dân, người lao động, học sinh, sinh viên về quyền và trách nhiệm khi tham gia BHXH, BHYT đã thay đổi căn bản; người lao động đã thấy rõ hơn trách nhiệm và đòi hỏi người sử dụng lao động thực hiện chính sách để tự bảo vệ quyền lợi của mình, qua đó hằng năm đã tăng nhanh số người tham gia BHXH, BHYT. 

Theo số liệu báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ-TW của Tỉnh ủy Yên Bái ( báo cáo số 258-BC/TU ngày 30/3/2018), đến hết năm 2017, số người tham gia BHXH là 56.624 người, tăng 17% so với năm 2012; số người tham gia BH thất nghiệp lên đến 42.921 người, tăng 21% so với năm 2012. Đặc biệt có sự tăng nhanh vượt bậc về số người tham gia BHYT,  hết năm 2017, có 774.177 người tham gia BHYT, tăng 112.775 người so với năm 2012 và tỷ lệ bao phủ đạt 96%, vượt 6,2% so với chỉ tiêu bao phủ BHYT do Chính phủ giao (88,8%).

Song song với công tác phát triển đối tượng tham gia, công tác thu, chi, giải quyết chế độ BHXH, BHYT; quản lý, sử dụng quỹ BHXH, BHYT đã có hiệu quả nhất định: Đến hết năm 2017, toàn tỉnh đã có 2.690 đầu mối đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đăng ký tham gia BHXH, BHYT và BH thất nghiệp. Số thu BHXH, BHYT hằng năm đều hoàn thành đạt và hoàn thành vượt kế hoạch nhà nước giao, năm sau cao hơn năm trước, chỉ tính riêng năm 2017 toàn tỉnh số thu đạt trên 1.291,4 tỷ đồng, tăng 69,5% so với năm 2012; tỷ lệ nợ BHXH đến hết năm 2017 chỉ còn 1,9% trên tổng số thu…

Có thể khẳng định Nghị quyết 21-NQ-TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020” trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong 5 năm qua đã đạt được kết quả khá tích cực, qua đó tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đã và đang thực sự đi vào cuộc sống, mang lại nhiều lợi ích thiết thực tích cực cho người lao động và đồng bào các dân tộc trong tỉnh Yên Bái.

Sau 5 năm, tuy đạt được một số thành quả, theo đó đã tạo những chuyển biến tích cực, đảm bảo an sinh xã hội, nhưng tỉnh Yên Bái vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức không nhỏ, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra. Mục tiêu về BHXH bắt buộc và BH thất nghiệp chưa đạt, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Nghị quyết: Lực lượng lao động tham gia BHXH mới chiếm 14,5% trên tổng số lao động, trong khi mục tiêu Nghị quyết là khoảng 50%; lao động tham gia BH thất nghiệp đạt 8,7% trên tổng số lao động trong độ tuổi, còn mục tiêu Nghị quyết là khoảng 35%.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đa phần lực lượng lao động tự do trên địa tỉnh chưa tham gia BHXH tự nguyện, việc tuyên truyền đến các đối tượng này ở một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa sâu, có nơi còn mang tính hình thức, thiếu sự quyết liệt trong phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Nhận thức và tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao…

Để hoàn thành được mục tiêu mà Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị đề ra. Trước những khó khăn, thách thức, trong những năm tiếp theo, Tỉnh Yên Bái đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục những tồn tại hạn chế, cụ thể là: Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện sâu rộng Nghị quyết số 21-NQ/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; chỉ đạo các ngành các cấp bám sát chương trình mục tiêu hằng năm để tổ chức thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của cơ quan đơn vị; tăng cường phối hợp tuyên tuyền, vận động cán bộ CCVC và người lao động, nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách an sinh xã hội, BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân vào năm 2020…

Trên cơ sở kết quả đã đạt được  sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW vừa qua, với sự nỗ lực, đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh Yên Bái các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra sẽ được tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất