| Lãnh đạo BHXH Việt Nam quán triệt việc ứng dụng CNTT trong Ngành. | Cụ thể, đối với mã số BHXH, ngành đã cấp và quản lý tập trung trên cơ sở dữ liệu (CSDL) hộ gia đình tham gia BHYT. Đây là một trong những hệ thống CSDL được ngành BHXH xây dựng làm tiền đề triển khai CSDL quốc gia về bảo hiểm. Mã số BHXH là mã số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia do cơ quan BHXH cấp để ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT. Mục tiêu cấp mã sổ là nhằm quản lý xuyên suốt quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT và chống lạm dụng quỹ BHXH, BHYT, đồng thời làm căn cứ cấp sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử. Việc cấp mã số BHXH đã mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho cơ quan BHXH mà nó còn mang lại lợi ích cho người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và lợi ích cho đơn vị sử dụng lao động. Đặc biệt là việc rút ngắn thời hạn giải quyết hồ sơ cấp, đổi sổ BHXH, thẻ BHYT. Việc cấp thẻ BHYT từ 07 ngày được rút ngắn còn 05 ngày. Khi cấp lại, đổi thẻ BHYT, nếu không thay đổi thông tin, thời gian giải quyết không quá 02 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Từ ngày 01/01/2019 thời gian giải quyết ngay trong ngày. Còn trường hợp thay đổi thông tin thì không quá 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Với người tham gia đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh thì thực hiện trong ngày. Việc cấp thẻ BHYT điện tử giúp tiết kiệm chi phí cho ngành BHXH thuận lợi trong khám, chữa bệnh (KCB) và cơ sở y tế kiểm soát được quá trình KCB của người bệnh. Từ ngày 01/8/2017, thẻ bảo hiểm y tế mới không ghi thời hạn sử dụng (từ ngày... đến ngày....) như trước đây, mà chỉ ghi giá trị sử dụng từ ngày. Để biết giá trị sử dụng thẻ, người tham gia có thể chủ động tra cứu trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam theo mã số ghi trên thẻ; danh sách cấp thẻ lưu tại đơn vị quản lý đối tượng; thuận lợi của việc sử dụng thẻ BHYT, được đồng bộ với hệ thống dữ liệu hộ gia đình mà BHXH Việt Nam đã xây dựng. Hệ thống sẽ tiếp tục cập nhật dữ liệu tham gia, không cần phải đổi thẻ sau mỗi năm như trước đây. Sang năm tiếp theo nếu tiếp tục tham gia, cơ quan BHXH sẽ chỉ cấp nối tiếp giá trị sử dụng thẻ trong dữ liệu và in danh sách cấp thẻ gửi đơn vị quản lý đối tượng thông tin về giá trị sử dụng mới của thẻ BHYT, thẻ đã cấp cho người tham gia trong năm 2017, 2018 vẫn tiếp tục được sử dụng, mà không in, đổi thẻ mới. Người dân và đơn vị có thể tra cứu trực tuyến các thông tin: mã số BHXH; cơ quan BHXH; quá trình tham gia; giá trị sử dụng thẻ; đơn vị tham gia BHXH; các điểm thu, đại lý thu trên Cổng thông tin điện tử ngành BHXH tại địa chỉ https://baohiemxahoi.gov.vn hoặc có thể gọi điện thoại trực tiếp đến tổng đài theo số 1900 96.96.68 để được nhân viên giải đáp. Trên cơ sở minh bạch thông tin tra cứu thẻ BHYT, người tham gia BHYT có thể chủ động được thời gian, địa điểm để quyết định đăng kí tiếp tục tham gia BHYT cho phù hợp. Đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tổng số đơn vị đăng ký giao dịch điện tử lên tới trên 302.000 đơn vị; số hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử khoảng 2,9 triệu hồ sơ trên tổng số 6,8 triệu hồ sơ giao dịch (tỷ lệ là 42%); trong lĩnh vực cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đã tiếp nhận xử lý trên 185.000 hồ sơ điện tử. Đặc biệt từ đầu năm 2018 đến nay, số lượng đơn vị đăng ký giao dịch điện tử là 30.606 đơn vị; số hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử hơn 1,7 triệu hồ sơ trên tổng số 4 triệu hồ sơ giao dịch (tỷ lệ là 42,5%); riêng số hồ sơ điện tử trong lĩnh vực cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đã tiếp nhận xử lý là trên 116.000 giao dịch (tỷ lệ 62,7%). BHXH Việt Nam đang nghiên cứu cấp thẻ BHYT điện tử cho người dân tham gia BHYT tại một số địa phương, thay thế thẻ BHYT giấy hiện nay. Việc cấp thẻ BHYT điện tử giúp tiết kiệm chi phí cho ngành BHXH thuận lợi trong KCB và cơ sở y tế kiểm soát được quá trình KCB của người bệnh. Không dừng lại ở thành quả trên, lãnh đạo BHXH Việt Nam đang nỗ lực đổi mới nhằm tái cấu trúc toàn bộ quy trình nghiệp vụ, đồng bộ thành một quy trình thống nhất trên cơ sở ứng dụng CNTT, đưa tất cả quy trình nghiệp vụ của ngành thành quy trình điện tử. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tin học hóa trong quản lý KCB, thống nhất trong giám định và thanh toán BHYT là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế và BHXH, góp phần minh bạch thông tin, đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT. Tuy nhiên, quá trình triển khai cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc, đó là: người dân thay đổi địa bàn cư trú khi đi làm hoặc lập gia đình, chuyển sang hộ mới nên kê khai không khớp với dữ liệu thẻ; việc rà soát, hoàn thiện CSDL hộ gia đình tham gia BHYT còn chậm, chưa chính xác, phải rà soát nhiều lần… Trong công tác quản lý khám, chữa bệnh BHYT, việc phối hợp với các cơ sở chưa nhịp nhàng dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện, bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT tham gia KCB. Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời triển khai tốt hơn việc cấp thẻ BHYT, cấp sổ BHXH theo mã số BHXH cần thực hiện một số giải pháp, cụ thể sau: Một là, BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục tập trung rà soát đồng bộ mã số BHXH, đảm bảo mã số BHXH duy nhất cho mỗi người, góp phần đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia cũng như hiện đại hóa hoạt động của ngành BHXH. Duy trì tổ công tác, số điện thoại, đầu mối để giải đáp vấn đề liên quan đến cấp và quản lý thẻ BHYT. Hai là, tăng cường phối hợp giữa BHXH Việt Nam và Bộ Y tế trong việc xây dựng văn bản hướng dẫn đảm bảo tính thống nhất khi cơ sở KCB tra cứu thông tin thẻ BHYT của cơ quan BHXH đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đi KCB. Cơ sở khám chữa bệnh BHYT cần tăng cường hiện đại hóa thiết bị, ứng dụng CNTT hỗ trợ tốt trong việc đón tiếp, giải quyết thủ tục cho người có thẻ BHYT khi đi KCB. Ba là, tăng cường giám sát, cảnh báo gắn trách nhiệm đối với một số BHXH tỉnh, thành phố thực hiện chậm trễ, sai quy trình cấp đổi thẻ BHYT làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT khi đi KCB (hạn chế việc dữ liệu đã hoàn chỉnh nhưng phải chờ gia hạn, cấp mới, đổi thẻ…). Bốn là, đẩy mạnh hoạt động cải cách thủ tục hành chính thông qua việc cung cấp mở rộng cho các đơn vị dịch vụ có khả năng đáp ứng kết nối giao dịch điện tử để người dân và đơn vị tiếp cận thuận lợi. Năm là, tiếp tục hoàn chỉnh các nội dung nghiệp vụ, nghiên cứu nâng cấp hệ thống tích hợp nhằm nâng cao năng lực trao đổi thông tin, tích hợp và giao tiếp giữa các ứng dụng trong nội bộ ngành BHXH nói riêng và hệ thống ngoài ngành nói chung, đảm bảo an toàn thông tin. Với sự cố gắng, nỗ lực của BHXH Việt Nam trong việc triển khai ứng dụng CNTT đã góp phần cho sự thành công chung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ. Trong năm 2017, theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông về xếp hạng các bộ, ngành ứng dụng CNTT và chỉ số sẵn sàng trong ứng dụng CNTT cho thấy, BHXH Việt Nam xếp thứ 2/20 bộ, ngành. Không dừng ở đó, năm 2018 BHXH Việt Nam sẽ tái cấu trúc toàn bộ quy trình nghiệp vụ, đồng bộ thành một quy trình thống nhất trên cơ sở ứng dụng CNTT, đưa tất cả quy trình nghiệp vụ của ngành thành quy trình điện tử, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân ngày một tốt hơn. |