Tuy Đức được tách ra từ huyện Đăk R’lấp của tỉnh Đăk Nông từ 1-1-2007. Diện tích tự nhiên của huyện khá lớn (112.384 ha), dân số 41.073 người, cư trú trên địa bàn 6 xã (gồm 31 bon, 28 thôn và 3 bản), nhưng Tuy Đức là một trong các huyện nghèo của Tỉnh. Với địa hình miền núi, có 42km đường biên giáp với nước bạn Căm-pu-chia, cách xa trung tâm tỉnh lỵ hơn 55 km, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế của huyện còn rất lạc hậu. Năm 2010, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm khá cao (38,69%). Đây cũng là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (16 dân tộc, trong đó người dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 47%); đông đồng bào có đạo (3 tôn giáo chính là Phật giáo, Thiên chúa giáo và Tin lành với 15.095 tín đồ chiếm 36,6% dân số); các thế lực thù địch bên ngoài cấu kết với bọn phản động, Fulro chống phá Đảng, chính quyền, gây bất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Kết quả bước đầu
Nhận thức được những trở lực lớn đang đặt ra cho một huyện nghèo mới thành lập, Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ của cả hệ thống chính trị, xem đây là yếu tố căn bản, là cái gốc cho một thời kỳ mới ở nơi đây. 5 năm sau ngày thành lập, từ một đảng bộ chỉ có 9 chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc với 320 đảng viên, đến nay Tuy Đức đã xây dựng được 27 TCCSĐ với 837 đảng viên (trong đó: nữ 208; dân tộc thiểu số 145; có đạo 21). Hiện còn 10 thôn, bon, bản chưa có đảng viên tại chỗ, nhưng không còn trắng tổ chức đảng. Đội ngũ cán bộ, công chức xã khá ổn định về số lượng, nhiều đồng chí đạt chuẩn chức danh. Trong 108 đồng chí, có 63% đạt trình độ học vấn THPT; 48% có trình độ chuyên môn trung cấp trở lên; 27,8% có trình độ lý luận chính trị (LLCT) trung cấp trở lên. Đội ngũ cán bộ không chuyên trách gồm 118 đồng chí cũng đã đạt chuẩn về học vấn THPT là 48,3%; chuyên môn nghiệp vụ trung cấp trở lên 12%; LLCT trung cấp trở lên 4,2%.
Tuy nhiên, nhìn chung cán bộ xã, thôn, bon, bản của Huyện quy tụ từ nhiều nguồn và khá chắp vá, quá tuổi quy định, trình độ học vấn, chuyên môn, LLCT còn hạn chế, năng lực thực tiễn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; lực lượng cán bộ dự nguồn ít, không ổn định, luôn hẫng hụt, nhất là cán bộ trẻ; cộng với điều kiện kinh tế địa phương chậm phát triển, thu nhập thấp, đặc biệt ở các xã vùng ba, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ… đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết trong công tác tổ chức, công tác cán bộ của Huyện.
Để đáp ứng nhu cầu cán bộ cơ sở, bên cạnh tiếp nhận cán bộ từ nhiều nguồn về, công tác tạo nguồn tại chỗ được cấp ủy các cấp, các ngành trên địa bàn Huyện chú trọng. Quy hoạch động và mở, quy hoạch dài hạn, quy hoạch nguồn cán bộ từ thôn, bon, từ đội ngũ không chuyên trách trở lên, hằng năm điều chỉnh bổ sung quy hoạch gắn với công tác bổ nhiệm và chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng, các đoàn thể và bầu cử HĐND được các cấp ủy đảng quyết liệt thực hiện. Đến nay, đội ngũ cán bộ xã ở Tuy Đức trong quy hoạch đã khá dồi dào về số lượng, đa dạng về cơ cấu.
Quy hoạch ban chấp hành các đảng bộ xã được 115 đồng chí; trong đó: nữ 12,2%, dân tộc thiểu số 33%. Trình độ học vấn từ lớp 6 đến lớp 9 đạt 47,4%, lớp 10-12 đạt 51,3%. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trung cấp 13%, cao đẳng, đại học 8,7%. Trình độ LLCT trung cấp 25,2%, cao cấp, cử nhân 1,7%. Độ tuổi dưới 30 có 26%, 31-40 tuổi 33%, từ 41 đến 50 tuổi 35,7%, trên 50 tuổi 12,2%, trung bình của cả đội ngũ quy hoạch là 39,3 tuổi.
Quy hoạch ban thường vụ đảng ủy các xã được 31 đồng chí. Trong đó: nữ 13%, dân tộc thiểu số 29%. Học vấn từ lớp 10 đến lớp 12 tỷ lệ 58%. Chuyên môn, nghiệp vụ trung cấp trở lên 19%. LLCT trung cấp 51%. Độ tuổi dưới 30 là 3%; từ 31 đến 40 tuổi 35,5 %, 41-50 tuổi 35,5 %, trên 50 tuổi 25,8%. Độ tuổi trung bình 43,8.
Các chức danh chủ chốt (bí thư, phó bí thư; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND) quy hoạch được 142 đồng chí. Trong đó nữ 13,3%, dân tộc thiểu số 35,9%. Học vấn từ lớp 6 đến lớp 9 tỷ lệ 39,4 %, lớp 10-12 tỷ lệ 56,3 %. Chuyên môn, nghiệp vụ trung cấp trở lên 21,8%. LLCT trung cấp trở lên 36,6%. Độ tuổi trung bình: 41,23 tuổi.
Vấn đề đặt ra
Kết quả quy hoạch cho thấy, bên cạnh những cán bộ nguồn đạt chuẩn chức danh, còn không ít đồng chí đang trong quá trình cần “trả nợ chuẩn”. Số cán bộ này trong diện quy hoạch ban chấp hành chưa đạt chuẩn về học vấn THPT là 56 (48,7%); về chuyên môn là 90 (78,3%); về LLCT là 84 (73%). Cán bộ quy hoạch ban thường vụ chưa đạt chuẩn về học vấn THPT là 13 (41,9%); về chuyên môn là 25 (80,6%); về LLCT là 15 (48,4%). Cán bộ quy hoạch chức danh chủ chốt chưa đạt chuẩn học vấn THPT là 62 (43,7%); về chuyên môn là 116 (81,7%); về LLCT là 90 (63,4%). Như vậy, sẽ phải có 3-400 lượt cán bộ cần bố trí công tác hợp lý để đi đào tạo đủ chuẩn trong 1 đến 3 năm, tương đương với trên 60 lượt /1 xã; đó là chưa kể việc đào tạo cho công chức xã và bồi dưỡng thường xuyên cho tất cả các chức danh. Con số này vượt quá năng lực, điều kiện đào tạo hiện tại của địa phương cũng như cá nhân mỗi cán bộ, vì vậy các cấp bộ đảng nếu không cố gắng, quyết liệt thực hiện các khâu sau quy hoạch thì mục tiêu chuẩn hóa trình độ cho đội ngũ cán bộ xã vẫn còn rất xa mới đạt được.
Đời sống khó khăn, trình độ dân trí thấp, điều kiện học tập còn rất hạn chế là rào cản khách quan đối với các cấp bộ đảng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ. Vì vậy, những hạn chế trong quy hoạch cán bộ xã, nhất là chuẩn chức danh cán bộ chưa đạt ở Tuy Đức cần được nhìn nhận là yếu tố khách quan, “bất khả kháng” trong hiện tại. Tuy nhiên, cũng không thể để yếu tố khách quan chi phối tuyệt đối, để rồi cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế mà buông lỏng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cho lâu dài, nhất là ở xã, nơi đồng bào quần tụ trong những cộng đồng thôn, bon, bản tương đối cách biệt vì địa hình và phong tục tập quán của các dân tộc.
Để đáp ứng nhu cầu lãnh đạo, chỉ đạo hiện tại, trước mắt, cấp ủy Huyện một mặt cần đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, mặt khác tăng cường luân chuyển, điều động cán bộ trong diện quy hoạch cấp huyện về xã, vừa góp phần đào tạo, rèn luyện cán bộ huyện, vừa tăng cường năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cho hệ thống chính trị cấp xã.
Về lâu dài, cần xây dựng chiến lược cán bộ ngang tầm thời kỳ CNH, HĐH. Xác định hệ tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ phù hợp với điều kiện địa phương nhưng hướng dần đến đảm bảo quy định của Trung ương. Huy động mọi nguồn lực, mọi lực lượng xã hội trong việc tạo nguồn cán bộ. Xây dựng các phong trào hành động cách mạng đa dạng và phong phú để phát hiện, thu hút các nhân tố tích cực vào các đoàn thể quần chúng, tạo nguồn phát triển đảng viên tiến tới thu hút, tiếp nhận vào nguồn bổ sung cho quy hoạch đội ngũ cán bộ của các xã. Chỉ quy hoạch cán bộ đạt chuẩn hoặc ít nhất là có khả năng đạt chuẩn trong nửa nhiệm kỳ. Sau quy hoạch, quyết liệt triển khai công tác đào tạo, thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ phấn đấu của cán bộ nguồn để chủ động rà soát, loại trừ hoặc bổ sung nguồn. Xây dựng hệ thống chính sách động viên cán bộ nguồn, ưu đãi cán bộ phấn đấu nâng chuẩn tốt, bố trí, bổ nhiệm cán bộ vào chức danh phù hợp, tạo động lực cho cả đội ngũ cùng phấn đấu.
ThS. Trương Thị Bạch Yến
Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III