Chú trọng xây dựng đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Hà Nội
Bám sát tình hình thực tiễn của Thủ đô trong mỗi giai đoạn phát triển, Thành ủy Hà Nội luôn có những chủ trương, quyết sách phù hợp để tập hợp, xây dựng đội ngũ trí thức khoa học công nghệ, phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ này, tạo động lực thúc đẩy sự cống hiến sáng tạo của trí thức khoa học công nghệ. Đặc biệt trong những năm đẩy mạnh CNH, HĐH từ 1996 đến nay, Thành ủy đã vận dụng sáng tạo những chủ trương lớn của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức khoa học công nghệ vào thực tiễn Hà Nội, Thành ủy đã có chương trình, đề án cụ thể tạo điều kiện cho sự phát triển và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chương trình hành động số 03-Ctr/TU ngày 31-10-2008 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 18-8-2010 của Thành ủy Hà Nội về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Hội Khoa học - kỹ thuật TP. Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đã nêu những nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Gắn liền với các chủ trương đó là giải pháp đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, phát huy tiềm năng và sự nỗ lực của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trong sự nghiệp phát triển Thủ đô.

Tuy nhiên, số lượng và chất lượng của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển Thủ đô. Cơ cấu đội ngũ trí thức khoa học công nghệ có những bất hợp lý về ngành nghề, độ tuổi, giới tính…, chưa có nhiều nhà khoa học và tập thể khoa học mạnh, có uy tín ở khu vực và quốc tế; chưa khai thác tốt cơ sở vật chất và nguồn lực chất xám của trí thức trong các cơ quan, viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng ở Trung ương đóng trên địa bàn. Đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Thủ đô được trang bị khá vững về lý thuyết, nhưng còn hạn chế về năng lực thực hành, kỹ năng về công nghệ, quản lý kinh doanh, trình độ ngoại ngữ. Hoạt động nghiên cứu khoa học chưa xuất phát và gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh, đời sống.

Những hạn chế, yếu kém của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ do nhiều nguyên nhân: nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, trình độ khoa học và công nghệ còn thấp, giáo dục và đào tạo còn yếu; thị trường khoa học và công nghệ đang trong quá trình hình thành; trình độ công nghệ trong các doanh nghiệp thấp, sức cạnh tranh chưa cao, cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, sáng tạo còn thiếu, chưa đồng bộ, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập. Chưa có kế hoạch tổng thể về phát triển và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chưa gắn với giải pháp sử dụng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức khoa học công nghệ ở nhiều lĩnh vực.
Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đúng vai trò, vị trí của trí thức khoa học công nghệ; chưa có chiến lược, kế hoạch, quy hoạch xây dựng, sử dụng đội ngũ trí thức khoa học công nghệ, dẫn đến tình trạng thiếu những người có học hàm, học vị, có trình độ quản lý, chuyên môn cao trong các cơ quan của Thành phố, nhất là những lĩnh vực có thế mạnh thu hút trí thức như: giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ.

Khắc phục những bất cập, hạn chế trên, xây dựng đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trên mọi lĩnh vực, Thành phố xác định một số chủ trương là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Thành phố đối với hoạt động của Liên hiệp Hội Khoa học và kỹ thuật TP. Hà Nội; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Hội Khoa học và kỹ thuật Thành phố…
Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH Thủ đô cần phải có đội ngũ trí thức khoa học công nghệ đủ về số lượng, cao về chất lượng, đồng thời phải có cơ chế thích hợp để đội ngũ trí thức khoa học công nghệ phát huy vai trò của mình, đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô. Khuyến khích, động viên và tạo mọi điều kiện để đội ngũ trí thức khoa học công nghệ phát huy truyền thống yêu nước, phụng sự hết mình cho Thủ đô, đem trí tuệ và tài năng, sức lực cùng nhân dân Thủ đô, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, có chính sách đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh thích hợp đối với đội ngũ trí thức nói chung và trí thức khoa học - công nghệ nói riêng. Xây dựng cơ chế để thu hút nhân tài, hạn chế hiện tượng chảy máu chất xám đang diễn ra hiện nay.

Thứ hai, từng bước đổi mới cơ chế, chính sách phát triển khoa học - công nghệ gắn với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Xây dựng và phát triển thị trường khoa học -  công nghệ bình đẳng, lành mạnh, phục vụ sản xuất, kinh doanh. Mỗi chính sách phát triển kinh tế - xã hội cần phải có các giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp làm cơ sở để chỉ đạo và đảm bảo luận cứ khoa học cho việc thực hiện thắng lợi trong thực tiễn.

Thứ ba, chú trọng chấn hưng giáo dục Thủ đô, phát triển và hiện đại hóa nền giáo dục ở tất cả các bậc học, nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và xây dựng con người Thủ đô Hà Nội thanh lịch, văn minh như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XV đã xác định là “Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng bồi đắp, phát huy những nét đẹp truyền thống của người Hà Nội với những tiêu chí cơ bản: có phẩm chất đạo đức tốt, trách nhiệm, tâm huyết, thanh lịch, văn minh, trung thực, tự trọng, nhân ái, nghĩa tình, ứng xử có văn hóa; có tri thức, năng động, sáng tạo, tiêu biểu cho phong cách con người mới; luôn có ý thức vươn lên trong cuộc sống, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô trong tình hình mới”. Thành phố phải đầu tư đủ mạnh cho giáo dục và đào tạo để cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.

Thứ tư, từng bước nâng cao chất lượng nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, coi nghiên cứu cơ bản là nền tảng để phát triển năng lực nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ của Thủ đô, là hạ tầng cơ sở của khoa học công nghệ hiện đại. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào đạo.

Thứ năm, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và triển khai ứng dụng công nghệ mới, trong đó phấn đấu khuyến khích tăng đầu tư từ các nguồn lực ngoài ngân sách Thành phố, có chính sách từng bước xã hội hóa lĩnh vực này. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý và cơ chế tài chính trong khoa học và công nghệ, tạo động lực cho đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Thủ đô phát huy sáng tạo.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất