An Giang chú trọng kiện toàn đội ngũ cán bộ cơ sở
Hội nghị bàn giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện An Phú (An Giang).

An Giang là tỉnh biên giới Tây Nam, Đảng bộ tỉnh là một trong những đảng bộ lớn với trên 50 nghìn đảng viên, có cơ sở đảng vùng biên giới, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) “Về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các ban tham mưu cụ thể hóa nghị quyết thành đề án, chương trình hành động và kế hoạch cụ thể, đồng thời chỉ đạo cấp ủy đảng các cấp nghiêm túc triển khai thực hiện.

Triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU, “Về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”; Chương trình hành động số 12-CTr/TU về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị. Theo đó, hệ thống tổ chức, bộ máy cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận và các đoàn thể nhân dân các cấp được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng, xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động và lề lối làm việc; tránh chồng chéo, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo việc sắp xếp, kiện toàn mô hình tổ chức đảng đồng bộ, thống nhất với các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở; đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, nhất là ở địa bàn dân cư, gắn với nâng chất lượng hoạt động chi bộ khóm, ấp; triển khai thí điểm kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã chủ động phối hợp các ngành liên quan tham mưu Đề án 02-ĐA/TU “Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn”, với 4 giải pháp, đó là:

Một là, sắp xếp bộ máy và đội ngũ cán bộ chuyên trách, công chức và cán bộ không chuyên trách cấp xã đảm bảo số lượng, tiêu chuẩn cán bộ cấp xã. Các cấp ủy đảng tiến hành rà soát, sắp xếp lại 4.983 cán bộ (trong đó: 64% thay đổi vị trí công tác, 10% kiêm nhiệm chức danh…; tuyển dụng mới 1.119 cán bộ. Chọn 16/156 đảng bộ cơ sở cấp xã (xã 12, phường 1, thị trấn 3) thực hiện thí điểm mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân xã; 97,8% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ấp, khóm nhiệm kỳ 2012-2015 (tăng 3% so nhiệm kỳ trước).     

Hai là, điều chỉnh, bổ sung chính sách phụ cấp, sinh hoạt phí, đối với cán bộ chuyên trách và công chức, thực hiện theo chế độ tiền lương của Trung ương quy định và hưởng phụ cấp địa phương cho các chức danh. Cán bộ chuyên trách, công chức có bằng cấp chuyên môn chuyển sang hưởng ngạch công chức để được nâng bậc theo định kỳ. Đối với cán bộ không chuyên trách, thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, ngày 22-10-2009 của Chính phủ và tăng thêm phần hỗ trợ của địa phương.

Ba là, thực hiện chính sách nghỉ hưu, nghỉ việc: Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 29/2009/QĐ/UBND, về “Quy định mức hỗ trợ nghỉ hưu, thôi việc đối với cán bộ chuyên trách, công chức, cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn và trưởng, phó trưởng khóm, ấp trên địa bàn tỉnh An Giang” và đã giải quyết chính sách nghỉ hưu, nghỉ việc cho 1.357 trường hợp với tổng số tiền 27,5 tỷ đồng.

Bốn là, tập trung đào tạo chuẩn hóa, đào tạo lý luận chính trị gắn với tiêu chuẩn cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, chuyên môn. Từ năm 2007 đến cuối năm 2012, tỉnh đã cử đi đào tạo, bồi dưỡng 16.571 lượt cán bộ (đào tạo 34%, bồi dưỡng 66%).

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), hệ thống chính trị ở cơ sở xã được kiện toàn và có bước phát triển, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ đã được sắp xếp theo hướng gọn, chuẩn hóa; về số lượng biên chế tăng không đáng kể so với năm 2006, chất lượng đội ngũ cán bộ nâng lên nhiều, tỷ lệ cán bộ chuyên trách đạt chuẩn từ 41,2% lên 87,1%, công chức đạt chuẩn từ 57,5% lên 95,6%, cán bộ không chuyên trách có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên từ 18% tăng lên 43,7%, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cho trước mắt và lâu dài, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội, dân chủ được phát huy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn, đô thị đổi mới.

Hoa Hiền

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất