Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và các cấp ủy trên địa bàn thành phố đã tập trung chỉ đạo có trọng tâm, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức về công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ và hành động về bình đẳng giới; luôn quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ vốn, đào tạo nghề giúp phụ nữ tạo việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao trình độ dân trí; phụ nữ nghèo được bố trí nhà ở… Qua đó vừa chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ, vừa tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng về bình đẳng giới một cách có hiệu quả, khoảng cách giới trong đời sống xã hội từng bước được giảm dần.
5 năm qua, công tác phụ nữ của thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tập trung ở những nội dung trọng tâm: Nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; thực hiện tốt pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, giàu lòng nhân hậu; xây dựng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu thời kỳ CNH, HĐH đất nước; xây dựng, củng cố tổ chức hội thực sự vững mạnh, phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ. Các tầng lớp phụ nữ tại Đà Nẵng đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Nhận thức xã hội về bình đẳng giới được nâng lên, địa vị người phụ nữ trong xã hội và gia đình ngày càng được khẳng định.
Trong các kết quả đã đạt được, đáng kể là công tác cán bộ thể hiện ở tỷ lệ cán bộ nữ, đảng viên nữ ngày càng tăng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ được Thành ủy, UBND thành phố quan tâm đầu tư với nhiều chính sách, nguồn ngân sách trợ cấp cho cán bộ nữ đi học. Mỗi năm Đà Nẵng cử gần 3.500 lượt cán bộ, công chức tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thì cán bộ nữ chiếm khoảng 40%. Hiện thành phố có 167/372 cán bộ nữ được đào tạo sau đại học (bằng 44,9%); 5.351/13.052 cán bộ nữ được cử đi đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ… (bằng 41%); có 30% cán bộ nữ được đào tạo cao cấp lý luận chính trị, 32% cán bộ nữ được bồi dưỡng kỹ năng quản lý điều hành, 35/69 cán bộ nữ được cử đi học theo Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, 49/139 cán bộ nữ tham gia Đề án 89 “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư và chủ tịch UBND xã, phường”. Công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ chủ chốt ở các cấp cũng được chú trọng. Theo đó, nhiệm kỳ 2010-2015, cán bộ nữ quy hoạch tham gia cấp ủy toàn thành phố chiếm tỷ lệ 23,33%. Quận Hải Châu, Thanh Khê là những địa phương có tỷ lệ cơ cấu đội ngũ cán bộ nữ đạt cao.
Đà Nẵng là địa phương có cách làm hay nhằm chăm lo lợi ích của phụ nữ như ban hành Chỉ thị 25-CT/TU “Về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố” với sự vào cuộc của toàn xã hội. Vai trò và vị trí của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ được khẳng định với trưởng ban là Chủ tịch UBND thành phố…
Thành ủy Đà Nẵng và các cấp lãnh đạo thành phố đã còn thực hiện chính sách, việc làm cụ thể thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ đối với công tác phụ nữ thành phố, đầu tư xây dựng, bố trí 461 căn nhà liền kề và chung cư cho phụ nữ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo (có 144 căn nhà cho các chị em phụ nữ đơn thân thuộc diện hộ nghèo); xây dựng Bệnh viện Phụ nữ, thành lập Bệnh viện Phụ sản - Nhi… góp phần chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em...
Thực hiện Chỉ thị 24 của Thành ủy, các cấp hội phụ nữ thành phố triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, mục tiêu như xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm. Đến năm 2011, trên 200.000 lao động nữ được giải quyết việc làm (chiếm 45,7% trong tổng số lao động có việc làm mới); 100% số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn giải quyết việc làm, cải thiện đời sống từ các nguồn quỹ như: Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, Tiếp sức phụ nữ nghèo… Hơn 120.000 phụ nữ được đào tạo nghề ngắn và dài hạn, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp lao động nữ ở thành thị xuống còn 4,9%. Các tổ chức hội đặc thù được thành lập như Hội nữ doanh nhân, Hội nữ trí thức trẻ; ban hành giải thưởng chi hội phụ nữ tiêu biểu hằng năm...
Tuy nhiên, công tác quy hoạch cán bộ nữ của Đà Nẵng còn hạn chế, tỷ lệ cán bộ nữ đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt trên địa bàn thành phố hiện còn thấp, càng lên cao càng giảm. Theo đó, tỷ lệ cán bộ nữ trong ban lãnh đạo chủ chốt ở cấp phường hiện chiếm 27,2%; cấp quận, huyện là 18% và cấp thành phố chỉ 7,3 %...
Nhằm tăng cường sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo đối với công tác phụ nữ trong thời gian tới, nhất là công tác quy hoạch cán bộ nữ ở các vị trí lãnh đạo chủ chốt của thành phố, Thành ủy chỉ đạo các cấp ủy, các sở, ngành, địa phương tiếp tục nhận thức sâu sắc đối với công tác cán bộ nữ; quan tâm và tạo điều kiện về đời sống tinh thần và vật chất cho phụ nữ; làm tốt công tác phát hiện, lựa chọn, đánh giá và đào tạo cán bộ nữ giỏi từ cơ sở và mạnh dạn giao việc cho cán bộ nữ; hiện thực hóa việc quy hoạch và luân chuyển cán bộ nữ. Ban tổ chức cấp ủy các cấp khi trình cấp trên phê duyệt về cơ cấu nhân sự phải có cán bộ nữ. Phấn đấu tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2015-2020 từ 25% trở lên, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thành phố và các xã nhiệm kỳ 2016-2021 trên 35%; năm 2015 đạt 80%, năm 2020 đạt trên 95% các cơ sở và cơ quan tương đương thuộc UBND thành phố, UBND các quận, huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ; năm 2015 đạt 70%, năm 2020 đạt 100% số cơ quan đảng, đoàn thể và quản lý Nhà nước có lãnh đạo chủ chốt là nữ, nếu ở đó có trên 30% nữ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Lê Minh