Coi trọng tuyển dụng và đào tạo bồi dưỡng cán bộ
Xác định đào tạo, bồi dưỡng là khâu quan trọng trong tạo nguồn cán bộ, công chức, năm 2011, Huyện ủy Sóc Sơn đã ban hành Chương trình số 06-CTr/HU về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2015”, tiếp tục đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận cho đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trước yêu cầu mới.
Các cấp ủy đã phổ biến quán triệt đến cán bộ chủ chốt nội dung và kế hoạch thực hiện Chương trình 06, đồng thời cụ thể hóa bằng các đề án, chuyên đề, kế hoạch công tác cụ thể, chú trọng kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, nắm tình hình. Ban Thường vụ Huyện uỷ chỉ đạo chuẩn hoá tiêu chuẩn đối với cán bộ, cử cán bộ cấp huyện đi đào tạo, tạo điều kiện về học phí và thời gian để cán bộ yên tâm học tập. Hai năm qua, huyện đã mở được 146 lớp bồi dưỡng cho 21.907 học viên. Trong đó có 61 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho 10.353 học viên; 77 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ khối đoàn thể cho 11.157 học viên; 2 lớp luật kinh tế và kế toán; 2 lớp trung cấp LLCT cho 227 học viên, 2 lớp sơ cấp LLCT cho 160 học viên; cử 20 đồng chí đi học thạc sỹ; 43 đồng chí đi học cao cấp LLCT.
Đến tháng 9-2013 số cán bộ của huyện có trình độ đại học 294/356 (82,58%), khối xã, thị trấn 144/174 (65,5%). Cao cấp, cử nhân lý luận chính trị là 110/356 (30,9%); trung cấp là 240/356 (67,4%), khối xã, thị trấn 92,5%.
Hai năm qua huyện đã tuyển dụng được 508 công chức, viên chức. Bổ nhiệm 216 đồng chí (cấp cơ sở 170, cấp huyện 46). Thực hiện có kết quả việc điều động, luân chuyển cán bộ từ huyện về cơ sở và ngược lại với 28 đồng chí (trong đó: từ huyện về cơ sở 9, từ cơ sở về huyện 5, giữa khối đảng - chính quyền và đoàn thể 14).
Một số kinh nghiệm
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở phải gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm điều kiện tối thiểu để làm việc.
Thứ hai, tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Làm tốt công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, chú trọng đào tạo cán bộ là người địa phương.
Thứ ba, làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ có năng lực và trình độ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong hệ thống chính trị, nhất là tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý của huyện và cơ sở.
Thứ tư, thực hiện tốt phương châm hướng về cơ sở, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của hệ thống chính trị cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức bảo đảm đạt chuẩn theo quy định, có tinh thần phục vụ nhân dân.
Thứ năm, phân công cấp ủy, thường vụ cấp ủy theo dõi địa bàn kịp thời nắm bắt tình hình và có hướng chỉ đạo xử lý các vấn đề đặt ra từ cơ sở. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đánh giá và kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, từng thành viên lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Giải pháp thời gian tới
1- Cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của hệ thống chính trị ở cơ sở; có đề án cụ thể chỉ đạo kiện toàn cấp ủy cơ sở đủ về số lượng, nâng cao năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.
2- Tiếp tục rà soát đội ngũ cán bộ, công chức để làm căn cứ xây dựng quy hoạch cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với quy hoạch và bố trí sử dụng. Thực hiện chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học về các xã,thị trấn. Củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, phát huy vai trò đảng viên và những người có uy tín trong nhân dân và có chính sách thoả đáng để họ tích cực vận động nhân dân chấp hành pháp luật, phát huy tính chủ động của từng cụm dân cư.
3- Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của HĐND, UBND trên cơ sở phân cấp, nâng cao tính chủ động của chính quyền địa phương nhằm giải quyết công việc sát với thực tế hơn. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở.
4- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ, phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, thực sự tiền phong gương mẫu, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao; chăm lo kết nạp đảng viên mới, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, phấn đấu không còn tổ chức cơ sở đảng yếu kém.
5- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm được phát hiện trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), chỉ đạo các tập thể, cá nhân tập trung sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm, nhằm chủ động phòng ngừa, đẩy lùi tiêu cực, giữ gìn kỷ luật và tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Nguyễn Thị Kim Tuyến
Huyện ủy Sóc Sơn, Hà Nội