Nhận thức rõ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và công tác cán bộ là khâu đột phá, Đảng bộ TP. Hà Nội đã thường xuyên nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện và chỉ đạo thực hiện tốt các quy chế, quy định về công tác cán bộ; về phân công, phân cấp quản lý cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, luôn quan tâm kiện toàn, xây dựng hệ thống ban tổ chức cấp ủy và đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức các quận, huyện, thị ủy, qua đó chất lượng hoạt động của các cơ quan này đã từng bước được nâng lên, góp phần hoàn thành cơ bản nhiệm vụ chính trị.
Đến nay, đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức được tăng cường về số lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước. Cơ cấu cán bộ ngày càng hợp lý; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ làm công tác tổ chức tăng khá. Bổ sung đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, có phẩm chất đạo đức, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Bên cạnh những ưu điểm đó, đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ của các cấp ủy thuộc TP. Hà Nội còn bộc lộ một số hạn chế: Đội ngũ này, tuy đã được nâng về chất, nhưng xét theo từng mặt thì chất lượng không đều, vẫn còn bất cập so với yêu cầu. Một số cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo ở các ban tổ chức quận, huyện, thị ủy chưa thật tâm huyết với công tác đảng; thực hiện chức trách, nhiệm vụ, kết quả công tác chưa như mong muốn. Một số cán bộ trẻ tuy được đào tạo cơ bản, nhưng chưa có ý chí phấn đấu, chưa chịu khó học hỏi kinh nghiệm thực tiễn hoặc chuyên môn, nghiệp vụ của ngành, thiếu chủ động nghiên cứu tham mưu, đề xuất. Số ít cán bộ lớn tuổi có biểu hiện ngại đổi mới...
Từ thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ của các cấp ủy thuộc TP. Hà Nội thời gian qua, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ này cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đối với việc nâng cao chất lượng cán bộ các ban tổ chức quận, huyện, thị ủy trong thời kỳ mới. Thực tế cho thấy, nâng cao chất lượng cán bộ các ban tổ chức quận, huyện, thị ủy có vai trò rất quan trọng và là một nhiệm vụ then chốt trong công tác xây dựng đảng của mỗi địa phương. Đây là một công việc lớn và rất khó, với yêu cầu, nội dung, quy trình, phương pháp tiến hành, trách nhiệm thực hiện phải thật sự khoa học và phải có sự thống nhất cao trong nhận thức và trách nhiệm của từng quận, huyện, thị ủy và cả hệ thống chính trị.
Cụ thể hóa tiêu chuẩn theo chức danh cán bộ ban tổ chức quận, huyện, thị ủy. Tiêu chuẩn chức danh cán bộ là cơ sở quan trọng để đánh giá, lựa chọn, đào tạo, sử dụng cán bộ, đồng thời cũng là mục tiêu để cán bộ tự phấn đấu. Do đó, xây dựng chuẩn cụ thể chức danh và công việc trong ban tổ chức quận, huyện thị ủy là hết sức cần thiết.
Đánh giá cán bộ là công việc hệ trọng và rất khó, trên cơ sở đánh giá đúng cán bộ mà phát huy mặt tích cực, sở trường và hạn chế được mặt tiêu cực của cán bộ, mới bố trí, sử dụng đúng cán bộ.
Công tác QHCB là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng hàng đầu của các cấp ủy đảng để có sự chủ động trong công tác cán bộ. Căn cứ tiêu chuẩn chức danh trong ban tổ chức để xem xét cán bộ đưa vào quy hoạch. Cán bộ đưa vào quy hạch phải bảo đảm các tiêu chuẩn cơ bản về phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực. Kết hợp hài hòa các độ tuổi khác nhau để bảo đảm có sự chuyển tiếp, kế thừa giữa các thế hệ cán bộ.
Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vì đây là tiền đề (trong nhiều trường hợp là điều kiện tiên quyết) để bố trí, sử dụng cán bộ cho các chức danh, vị trí công tác phù hợp. Cần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bằng nhiều hình thức để giúp cán bộ có đủ những tiêu chuẩn về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ theo quy định.
Đẩy mạnh luân chuyển cán bộ nhằm rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thực tiễn; là quá trình bổ sung kiến thức, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý cho các cán bộ trong thực tiễn. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu ở những nơi thiếu cán bộ, tạo sự đồng đều về chất lượng giữa các loại cán bộ.
Chú trọng khâu bố trí, sử dụng cán bộ, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để bố trí cán bộ phù hợp. Đây là trách nhiệm của cấp ủy đảng và người đứng đầu ban tổ chức quận, huyện, thị ủy. Bố trí, sử dụng cán bộ đúng hay sai sẽ ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến chất lượng hoạt động của ban tổ chức quận, huyện, thị ủy.
Thực hiện kiểm tra, giám sát và quản lý cán bộ tổ chức. Cần quản lý cán bộ một cách toàn diện về chính trị, đạo đức và năng lực; cả ở cơ quan, các quan hệ xã hội của cán bộ và ở nơi cư trú; về lịch sử bản thân và triển vọng phát triển. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, thoái hóa, biến chất, cơ hội, thực dụng, vi phạm những chuẩn mực về phẩm chất đạo đức, lối sống và các biểu hiện tiêu cực khác trong đội ngũ cán bộ tổ chức quận, huyện, thị ủy. Công tác đánh giá, phân loại cán bộ hằng năm phải được tiến hành khách quan, thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng nhằm biểu dương, động viên, khuyến khích vật chất, tinh thần.