Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Võ Chí Công (tên thường gọi Năm Công) có nhiều việc làm thể hiện tầm nhìn và tài năng của một nhân cách lớn, đã để lại những kinh nghiệm quý cho chúng ta trong công tác cán bộ.
Chăm lo xây dựng và sử dụng tốt đội ngũ cán bộ sẵn có
Đồng chí Năm Công luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế tục có phẩm chất cách mạng, có tri thức, trẻ, có chuyên môn, được rèn luyện về mọi mặt. Đồng chí luôn chú ý đưa cán bộ đi hoạt động ở cơ sở, thử thách cán bộ trong khó khăn, đưa cán bộ đến gần dân để hiểu rõ hơn phong trào quần chúng, nâng cao phẩm chất và tinh thần cách mạng.
Gần gũi, thân tình, lắng nghe cán bộ, hiểu được mặt mạnh, mặt yếu của từng cán bộ nên trong sắp xếp, đề bạt cán bộ, đồng chí Năm Công đã phát huy được khả năng của mỗi người, tạo cho ai cũng có điều kiện trưởng thành. Trong chiến tranh, đối với một số cán bộ có mặt yếu như ngại địch, ngại đi vùng bị chiếm đồng chí Võ Chí Công cũng không thành kiến mà bố trí vào những vị trí công tác phù hợp với sở trường ở hậu phương nên những người này vẫn phát huy được tác dụng, có nhiều đóng góp hữu ích cho phong trào chung.
Gần suốt thời kỳ chống Mỹ, đồng chí Năm Công gắn bó mật thiết với tập thể cán bộ, nhân viên Văn phòng Khu uỷ khu 5. Đối với công tác văn phòng, từ tổ chức bộ máy đến bố trí nhân sự, đồng chí luôn có những gợi ý xác đáng để cán bộ chủ chốt của văn phòng bàn bạc thực hiện. Đồng chí cũng rất quan tâm đến công tác xây dựng nội bộ cơ quan, đặc biệt là xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, để tất cả cùng động viên nhau phấn đấu vươn lên hoàn thành nhiệm vụ trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.
Ngay trong hoàn cảnh chiến tranh gian khổ, đồng chí Năm Công vẫn luôn nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo quan tâm bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu. Mỗi lần chiến tranh chuyển giai đoạn, nhất là các bước ngoặt lịch sử, đồng chí đều họp cán bộ, nêu vấn đề, vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của địch, đối sách của ta, giải đáp những thắc mắc trong thực tế, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ nghiên cứu để nhận định đúng tình hình, đề xuất được những giải pháp chỉ đạo, lãnh đạo có hiệu quả. Theo đồng chí, cán bộ nghiên cứu phải xem xét thực tiễn một cách cụ thể, đó là nguyên tắc tối cao của cán bộ giúp việc lãnh đạo, quyết không lý thuyết suông, không dựa vào cảm nghĩ, suy luận cá nhân thiếu thực tiễn.
Để tâm phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài
Trải qua nhiều cương vị công tác, làm việc, tiếp xúc với nhiều lớp người, đồng chí Võ Chí Công thể hiện khả năng đặc biệt trong nhận diện và phát hiện khả năng của những cộng sự của mình, từ đó có biện pháp bố trí công việc hoặc đào tạo nâng cao trình độ, trở thành những cán bộ tốt của Đảng và Nhà nước. Một lần có việc đi ngang qua một khu căn cứ trên dãy Trường Sơn, đồng chí Võ Chí Công tình cờ gặp người thanh niên Nguyễn Thành Đức, lúc đó là y sĩ trong một trung đoàn thông tin. Giữa hàng trăm người lính của trung đoàn, đồng chí đặc biệt chú ý đến anh. Sau này đồng chí mới kể cho con gái nuôi rằng, lý do khiến mình chú ý đến anh Đức ngay từ lần gặp mặt đầu tiên là bởi gương mặt anh có một thần thái gì đó khiến đồng chí tin rằng người thanh niên ấy sau này sẽ nhất định làm nên việc lớn. Anh Đức trạc tuổi con trai đồng chí nên khi nhìn anh, đồng chí lập tức thấy xúc động và yên mến người lính trẻ này.
Nguyễn Thành Đức sinh ra trong một gia đình cách mạng. Cha anh đã hi sinh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, mẹ và 2 anh trai của anh cũng hi sinh trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ (sau này bà được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng). Biết hoàn cảnh gia đình anh Đức, đồng chí Võ Chí Công đã đề nghị anh làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho đồng chí. Nhưng chỉ một thời gian, anh Đức đã được đồng chí cho đi học để bổ sung thêm kiến thức, hỗ trợ cho công việc cũng như con đường sự nghiệp sau này. Dưới sự dìu dắt của đồng chí Võ Chí Công, người lính quân y Nguyễn Thành Đức sau này đã mang quân hàm Trung tướng, trở thành Chính ủy Quân khu 5.
Ứng xử khéo léo, tinh tế với cán bộ
Nói về những đóng góp của đồng chí Võ Chí Công trong công tác cán bộ, nhiều người nhắc đến cách đối nhân xử thế hết mực khéo léo, tinh tế của đồng chí với cán bộ cấp dưới, với đồng chí, đồng đội. Về điểm này, nhà văn Nguyên Ngọc từng viết: Đó là một vị lãnh đạo rất giỏi và cũng là một con người sống rất chu đáo, tinh tế với đồng chí, đồng đội. Ông Võ Duy Đề, người được cố Chủ tịch Võ Chí Công giác ngộ cách mạng và đã làm việc nhiều với đồng chí, nhớ lại những năm chuẩn bị ra khoán 10. Ông Đề chia sẻ: “Cụ là người cẩn trọng và tâm lý lắm! Khi dự thảo lại Chỉ thị 100 chuẩn bị ra khoán 10 để đưa ra bàn luận ở Trung ương, vì biết còn nhiều ý kiến cho rằng làm thế là đi ngược lại đường lối trước giờ nên cụ dặn dò không nên tranh luận gay gắt và “nghênh chiến” mà cần thuyết phục để được làm thí điểm. Khi ấy tôi có hỏi vì sao lại không tranh luận, cụ nói: “Chỉ có kết quả của việc thí điểm thực tế, kết quả của lòng dân mới là bằng chứng thuyết phục nhất. Với lại cũng không nên gay gắt trong chuyện này, để tránh sự tự ái làm tổn thương người khác về sau”. Sau này khi khoán 10 thắng lớn, tôi có hỏi: “Cụ thấy thế nào về quyết định của mình ngày trước?”, cụ chỉ cười hiền, vỗ vai tôi. Cụ là người mềm dẻo mà kiên quyết và tế nhị lắm. Sống rất khiêm tốn và hòa đồng với anh em. Chúng tôi không chỉ học cụ về cách thức nắm chắc quy luật thực tiễn, mà còn học được ở con người ấy cách đối nhân xử thế sâu sắc”.
Lần ra Hà Nội có dịp gặp lại đồng chí Võ Chí Công, ông Đề đã nhắc về chuyện làm kinh tế. Lúc đó cố Chủ tịch nói: “Làm công tác cách mạng các cậu phải mềm dẻo, đối với đồng chí, cấp trên hay nhân dân cũng thế. Nếu hồi đó quá cứng nhắc bảo vệ quan điểm, nghinh chiến để được cấp trên đồng ý mà sau này có thành công cũng sẽ khiến các anh ấy khó xử. Cứ nói làm thử nhưng quyết chí làm thì chắc chắn sẽ thành công”. Ông Đề chia sẻ: Tôi ngưỡng mộ ông bởi nhiều thứ, trong đó có việc ông từng giáo dục “Làm việc gì mà đụng đến tự ái của anh em là không nên”. Con người của Võ Chí Công mềm dẻo mà kiên quyết, suy nghĩ thực tế, phù hợp với sự vận động và phát triển của sự vật nên làm đến đâu thành công đến đó.
Đồng chí Võ Chí Công là người luôn tập hợp được trí tuệ của cán bộ, bố trí cán bộ phù hợp với năng lực và môi trường công tác, nhằm tạo điều kiện cho mỗi người phát huy cao nhất khả năng của mình, gắn bó với quần chúng, gắn được với phong trào để làm đầu tàu, cốt cán, làm hạt nhân cho phong trào.
Tạo thuận lợi, chăm lo đời sống cán bộ và gia đình cán bộ
Đồng chí Võ Chí Công là người có tình cảm chân thành và thân ái đối với cán bộ và chiến sĩ, công nhân viên và được mọi người mến phục. Cán bộ ở chiến trường xa, chiến trường có nhiều khó khăn đều được đồng chí ưu ái, ân cần thăm hỏi, giải quyết các yêu cầu để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác. Trong cơ quan Văn phòng Khu uỷ, đồng chí đã tạo một nền nếp cho cán bộ phục vụ là mỗi khi có cán bộ các địa phương về cơ quan phải báo trước cho đồng chí để đồng chí tự đến thăm hỏi và bàn công tác. Đối với gia đình các cán bộ đang hoạt động ở chiến trường, mỗi khi đi công tác xuống các địa phương hay ra Hà Nội, đồng chí đều tìm tới thăm hỏi thân tình.
Trong thời gian chiến tranh, đồng chí không chỉ tập trung chỉ đạo các vấn đề quân sự, chính trị mà còn rất quan tâm đến công tác hậu cần, kinh tế, chăm lo đời sống cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. ở khu 5 và các tỉnh nơi đồng chí phụ trách đều lập ban sản xuất để lo chỉ đạo việc sản xuất của nhân dân, sản xuất tự túc trong các cơ quan và lực lượng vũ trang. Nhờ đó đã giải quyết một phần khó khăn về lương thực trong kháng chiến.
Đồng chí là người luôn quan tâm đến đời sống của cán bộ giúp việc. Có một câu chuyện cảm động: Một lần đi thăm một nước dân tộc chủ nghĩa ở Bắc Phi, bạn tặng đồng chí một ti-vi màu, các thành viên khác và cán bộ giúp việc không có quà tặng. Trên đường về, đồng chí cho bán chiếc ti-vi và chia đều cho tất cả anh em cùng đi.
Với đồng chí Võ Chí Công, thường mỗi lần đến đâu đều có bộ phận điện đài đi theo phục vụ. Biết bộ phận điện đài là mang nặng, làm việc vất vả, lại trong thời chiến, đồng chí rất cảm thông với bộ phận này nên mỗi chuyến công tác có bộ phận điện đài cùng đi, đồng chí đều yêu cầu các đồng chí cảnh vệ mang giúp. Một lần vào đầu năm 1975, đến thăm một cơ quan điện đài đóng bên sông Trà Nô, khi chiếc xe Gát 69 vừa dừng trước cổng, đồng chí Võ Chí Công đã bước xuống và đi thẳng tới nhà bếp hỏi thăm, kiểm tra việc chăm lo đời sống cán bộ, công nhân viên của bộ phận điện đài. Sau khi nghe báo cáo, biết anh chị em bộ phận điện đài được chăm lo, đồng chí vui vẻ khen ngợi rồi mới tiếp tục đi làm việc với Ban thông tin vô tuyến điện Khu ủy khu 5.
Gần gũi cán bộ, lắng nghe và thấu hiểu
Trong mối quan hệ với cán bộ, điểm nổi bật ở đồng chí Võ Chí Công là thái độ tôn trọng, tin yêu và luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu ý kiến của mọi người. Ông Đinh Văn Niệm, nguyên là Trợ lý của Chủ tịch Võ Chí Công kể lại: “Phong cách bọn tôi học hỏi được ở anh ấy là rất sát thực tiễn. Trên cơ sở thực tiễn, anh ấy quyết đoán, quyết định những vấn đề lớn, đưa lên thành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Anh ấy cũng rất tôn trọng ý kiến của các đồng chí khác và những người giúp việc như chúng tôi, không bao giờ thích những ý kiến nói dựa theo ý của anh ấy. Anh ấy muốn mọi người nói lên chính kiến riêng của mình, thể hiện bản lĩnh của mình. Và ý kiến của bất cứ cán bộ nào anh cũng lắng nghe. Anh ấy hay nói, cái lớn nhất là chân lý, là lẽ phải”.
Có lần, một văn bản được chuẩn bị xem như hoàn tất và đã đến khâu đánh máy, song chị Trưởng phòng đánh máy phát hiện một chi tiết cần sửa. Vấn đề được báo cáo với đồng chí Võ Chí Công. Đồng chí vui vẻ xem xét và tán thành ý kiến của chị.
Lắng nghe, thấu hiểu ý kiến của đồng chí, đồng đội nên đồng chí Võ Chí Công luôn có được những quyết đáp chuẩn xác. Chuẩn bị cho chiến dịch mùa Xuân năm 1975, căn cứ vào tình hình thực tế, một cuộc họp quân khu đã đề ra mục tiêu trận đánh mở màn vào quận lỵ Tiên Phước và Phước Lâm là bảy ngày. Thượng tướng Nguyễn Chơn hoàn toàn nhất trí với mục tiêu trận đánh, nhưng về triển khai nhiệm vụ của Sư đoàn thay vì bảy ngày xin rút xuống 24 giờ với điều kiện tăng cường thêm các đơn vị xe tăng và pháo phòng không, đặc biệt số đạn trong 7 ngày xin dùng trong 1 ngày với phương án cụ thể. ý kiến của đồng chí Nguyễn Chơn gây xôn xao, tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều. Đồng chí Năm Công lắng nghe tất cả và cuối cùng quyết định theo phương án của đồng chí Nguyễn Chơn. Chiến dịch Tiên Phước - Phước Lâm diễn ra đúng như phương án và thắng lợi.
Một thế kỷ, một đời người gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, sâu nặng nghĩa tình với nhân dân, nhân hậu và tinh tế trong cách đối với cán bộ, đồng chí Võ Chí Công - người con ưu tú của quê hương xứ Quảng anh hùng, một nhà lãnh đạo tài năng và đức độ, một trong những học trò mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mãi mãi là tấm gương sáng về niềm tin và ý chí cách mạng cho hôm nay...
Đỗ Thắng và Yến Giang