Công tác cán bộ của Ninh Thuận sau thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Kế hoạch số 08-KH/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Ninh Thuận và các cấp ủy, tổ chức đảng thuộc Đảng bộ tỉnh đã triển khai kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo quy định, hướng dẫn của Trung ương.

                     

Qua nghiêm túc kiểm điểm đã thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế, khuyết điểm về công tác tổ chức xây dựng đảng cần được khắc phục, như: Chất lượng quy hoạch, đào tạo cán bộ ở một số địa phương, đơn vị chưa cao, chưa mang tính chiến lược lâu dài, còn biểu hiện chắp vá, dẫn đến tình trạng hụt hẫng, bố trí thay thế cán bộ chưa kịp thời. Một số trường hợp đánh giá cán bộ chưa kỹ, nên thực hiện luân chuyển, bố trí cán bộ chưa phù hợp với năng lực, sở trường. Công tác tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số kết quả còn nhiều hạn chế, chưa tạo được lực lượng cán bộ dự nguồn chủ chốt ở cơ sở. Chất lượng nguồn nhân lực nói chung còn bất cập, chưa theo kịp với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế.

Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đã đề ra phương hướng khắc phục, trong đó có một số vấn đề tiến hành sửa chữa, khắc phục ngay là:

Bên cạnh việc chỉ đạo tập trung chấn chỉnh kỷ cương giờ giấc làm việc, tăng cường kiểm tra công vụ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời các tồn đọng về quản lý đầu tư, đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường... Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành rà soát, khẩn trương củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành, địa phương, đơn vị. Đối với cấp tỉnh, sau kiểm điểm Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành điều động, bổ sung kiện toàn lãnh đạo các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy và các sở, ban ngành, cán bộ chủ chốt, ban thường vụ các huyện, thành phố đối với 29 trường hợp; đồng thời xem xét điều chuyển công tác đối với một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt sở, ngành, địa phương có năng lực, tinh thần trách nhiệm hạn chế, biểu hiện thiếu dân chủ ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ. Rà soát thời hạn bổ nhiệm của cán bộ để xem xét bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ đối với 16 trường hợp; một số trường hợp cán bộ không còn đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn, vi phạm kỷ luật, không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì không xem xét bổ nhiệm lại, đồng thời điều chuyển bố trí công tác phù hợp.

Triển khai công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 và những năm tiếp theo (theo Kết luận 24-KL/TW ngày 05-6-2012 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 15-HD/BTCTW ngày 05-11-2012 của Ban Tổ chức Trung ương). Trong xây dựng quy hoạch cán bộ, chú trọng thực hiện yêu cầu về cơ cấu 3 độ tuổi; quan tâm lựa chọn cán bộ trẻ, cán bộ nữ đưa vào dự nguồn cho nhiệm kỳ tới, nhằm từng bước khắc phục sự hẫng hụt về cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Đến nay đã hoàn thành quy hoạch cấp ủy tỉnh nhiệm kỳ tới, trong đó cán bộ trẻ, cán bộ nữ đều đạt yêu cầu theo quy định của Trung ương (cán bộ trẻ đạt 16,7%, cán bộ nữ đạt 20,6%). Đối với quy hoạch cấp ủy cấp huyện, thành phố và cơ sở xã, phường, thị trấn, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ đều bảo đảm tỷ lệ theo quy định, số lượng cán bộ dự nguồn ban chấp hành, ban thường vụ bảo đảm đạt 1,5-2 lần; quy hoạch các chức danh lãnh đạo bảo đảm 3-4 người cho 1 chức danh; độ tuổi được trẻ hóa, cơ cấu phù hợp, đảm bảo sự kế thừa, phát triển của đội ngũ cán bộ cho nhiệm kỳ tới và thời gian tiếp theo.

Thực hiện luân chuyển, bố trí một số chức danh chủ chốt cấp huyện, cấp xã để đào tạo thực tiễn đối với cán bộ trẻ. Tỉnh ủy đã tiến hành luân chuyển từ tỉnh xuống huyện 3 đồng chí, trong đó luân chuyển giữ chức bí thư huyện ủy 1 đồng chí, phó bí thư huyện ủy 2 đồng chí. Cấp ủy các huyện, thành phố thuộc tỉnh đã tiến hành luân chuyển từ huyện, thành phố xuống xã, phường, thị trấn 9 đồng chí, kết quả bước đầu cho thấy các trường hợp luân chuyển đã phát huy tác dụng vừa đào tạo thực tiễn, toàn diện đối với cán bộ, kết hợp với tăng cường cán bộ, góp phần khắc phục thực trạng khó khăn hẫng hụt cán bộ ở cơ sở trong thời gian qua.

Về phương hướng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thời gian tới, Ninh Thuận xác định tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1- Tiến hành rà soát bổ sung tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong tỉnh; xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ đối với từng chức danh cụ thể, trong đó nhấn mạnh tiêu chí về năng lực thực tiễn và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; bổ sung quy trình đánh giá cán bộ theo hướng mở rộng thành phần, đối tượng tham gia góp ý đối với cán bộ, đồng thời phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong nhận xét, đánh giá cán bộ.

2- Tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; kiên quyết thực hiện nghiêm cơ cấu 3 độ tuổi trong quy hoạch cấp ủy và ban lãnh đạo, quản lý các cấp nhằm tăng cường sự kế thừa, phát triển của đội ngũ cán bộ; quan tâm lựa chọn đưa vào quy hoạch đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ có thành tích xuất sắc qua rèn luyện trong công tác thực tiễn ở cơ sở.

3- Đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ, ban hành quy chế về công tác luân chuyển cán bộ, quy định rõ đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi để thực hiện luân chuyển; quy trình, thời gian, chế độ chính sách và việc bố trí sắp xếp cán bộ sau luân chuyển. Trước mắt từ nay đến cuối nhiệm kỳ sẽ lựa chọn một số đồng chí được quy hoạch dự nguồn lãnh đạo chủ chốt luân chuyển làm cán bộ chủ chốt huyện, thành phố để đào tạo thực tiễn; đồng thời tiến hành luân chuyển một số cán bộ trẻ, cán bộ nữ để rèn luyện thử thách qua thực tiễn ở cơ sở, chuẩn bị cho nhân sự cấp ủy, HĐND, UBND các cấp nhiệm kỳ tới.

4- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh dự nguồn; chú trọng bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn trong chỉ đạo điều hành, xử lý những tình huống phát sinh ở cơ sở; quan tâm bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới cho cán bộ đương chức và dự nguồn lãnh đạo chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở trên các lĩnh vực theo định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là kiến thức về hội nhập kinh tế, quản lý đầu tư, bảo vệ môi trường...; đồng thời tăng cường đào tạo chuẩn hóa các chức danh cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn.

5- Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng cán bộ trong cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị theo hướng quy định rõ hơn tiêu chuẩn, hình thức tuyển dụng công khai, cạnh tranh để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị; đồng thời đề xuất bổ sung một số chính sách để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung cho các lĩnh vực trọng yếu theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

6- Tiếp tục rà soát bổ sung hoàn thiện các quy định, quy chế, nâng cao chất lượng các khâu công tác cán bộ, nhất là đánh giá, bổ nhiệm cán bộ phải theo hướng sát người, sát việc, phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ; chú trọng thực hiện tốt việc bổ nhiệm lại cán bộ và lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy, cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội theo quy định của Bộ Chính trị.

7- Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới; trong đó chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện tiêu chuẩn, quy trình công tác cán bộ theo quy định của Đảng và Nhà nước.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất