Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nêu rõ: “Thực hiện cử tuyển đào tạo cán bộ nữ trong các dân tộc thiểu số và trong các lĩnh vực có tỷ lệ cán bộ nữ quá thấp”, “có chính sách cụ thể về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển đối với cán bộ nữ; đặc biệt quan tâm cán bộ nữ là trí thức, công nhân, người dân tộc thiểu số”.
Xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác cán bộ nữ, những năm qua hội liên hiệp phụ nữ các cấp đã chủ động tham mưu cho cấp ủy và thực hiện có hiệu quả một số hoạt động như: Tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho người dân và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng đối với công tác phụ nữ. Chủ động tham mưu đề xuất chính sách và giới thiệu, tạo nguồn cán bộ nữ cho Đảng, Nhà nước, đặc biệt trước các kỳ đại hội đảng bộ các cấp và bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp; đề xuất, kiến nghị kịp thời về nguồn nhân sự nữ tham gia ứng cử, góp phần bảo đảm sự tham gia của phụ nữ trong cấp ủy đảng và cơ quan dân cử các cấp. Chú trọng công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực cho nữ lãnh đạo và cán bộ nữ tiềm năng, đặc biệt là nữ ứng cử viên Quốc hội và HĐND các cấp. Trong năm 2014, Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có đạo, trong đó coi việc “Phát hiện, tạo nguồn và giới thiệu nguồn cán bộ hội, cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số cho cấp ủy đảng cùng cấp để phát triển đảng viên nữ và bố trí vào các chức danh lãnh đạo, quản lí các cấp”. Đây là một trong những giải pháp cơ bản góp phần xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ hội làm công tác dân tộc, cán bộ hội là người dân tộc thiểu số trong thời gian tới.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác cán bộ nữ - đặc biệt cán bộ nữ dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Cán bộ nữ dân tộc thiểu số hiện công tác tại xã là 6.324 người, chiếm 13,1% trên tổng số cán bộ dân tộc thiểu số. Có một số dân tộc rất ít người như: Si La, Pu Péo, Brâu, Ơ Đu, Rơ Măm... chưa có cán bộ nữ. Các chức danh do phụ nữ dân tộc thiểu số đảm nhận trong hệ thống chính trị của xã chiếm tỷ lệ thấp; các xã vùng khó khăn vẫn phải điều động và sử dụng cán bộ tăng cường từ nơi khác tới. Ở miền núi phía Bắc là địa bàn mà người dân tộc thiểu số chiếm trên 30% tổng dân số thì phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia công tác quản lý nhà nước rất ít (ở Hà Giang là 1,13%, ở Yên Bái nữ tham gia HĐND và tham gia cấp ủy tương ứng là 7,9% và 11,66% trong khi cả nước tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp huyện và cấp xã đều đạt 15% trở lên, trong đó cấp xã đạt trên 18%). Số lượng cán bộ, công chức cấp xã tại 5 tỉnh Tây Nguyên tính đến năm 2013 là 15.465 người, trong đó nữ chỉ có 4.092 người, chiếm tỉ lệ 26,4%; cán bộ dân tộc thiểu số là 4.037 người, chiếm tỉ lệ 26,1%.
Việc tham mưu, đề xuất chính sách đối với cán bộ nữ nói chung, nữ dân tộc thiểu số nói riêng đạt kết quả chưa cao. Một số nội dung về công tác cán bộ nữ được quy định trong luật, song chưa được cụ thể hóa… Việc tham mưu phát hiện, giới thiệu nguồn nhân sự nữ cho Đảng còn thiếu chủ động, chưa tích cực; thiếu chiến lược trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu bổ sung nguồn cán bộ nữ cho Đảng. Sự thiếu hụt cán bộ nữ trong một số lĩnh vực quan trọng khiến việc hoạch định chủ trương, chính sách thiếu tiếng nói đại diện của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số. Sự phối hợp giữa hội liên hiệp phụ nữ với các cơ quan liên quan trong hệ thống chính trị các cấp về công tác cán bộ nữ chưa thường xuyên, liên tục, thiếu chặt chẽ, đặc biệt là ban tổ chức của cấp ủy đảng và ngành nội vụ.
Nguyên nhân của những bất cập, hạn chế trên là do một số tổ chức cơ sở đảng chưa nhận thức đầy đủ về công tác quy hoạch, chưa quan tâm đúng mức đến tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số và cán bộ nữ dân tộc thiểu số. Chất lượng đào tạo chưa cao, đào tạo chưa gắn với quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ, chưa bám sát việc thực hiện chiến lược cán bộ của Đảng trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan đào tạo và cơ quan quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ trong công tác tuyển sinh, trong quá trình học tập và việc phân công công tác, sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số, nhất là cán bộ nữ sau đào tạo.
Để thực hiện tốt nghị quyết, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ nữ và Luật bình đẳng giới, chuẩn bị nhân sự nữ cho đại hội đảng bộ các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2020, xin đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của nữ giới đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tham mưu xây dựng hệ thống chính sách pháp luật với những quy định cụ thể nhằm gia tăng số lượng cán bộ nữ, nữ dân tộc thiểu số, giới thiệu nguồn nhân sự nữ tham gia hệ thống chính trị; đào tạo, nâng cao năng lực trình độ cho cán bộ nữ; giám sát, phản biện xã hội về chính sách đối với cán bộ nữ.
Hai là, cần có chính sách phù hợp đối với nữ cán bộ, công chức để chị em có thời gian cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nên ưu tiên cán bộ nữ, nhất là nữ người dân tộc thiểu số bằng các quy định về tỷ lệ % nhất định; gắn công tác đào tạo, quy hoạch với sử dụng cán bộ nữ.
Ba là, trong điều kiện các tỉnh miền núi, nhiều dân tộc, nguồn và trình độ cán bộ nữ giữa các vùng, miền, dân tộc không đồng đều, cần chú trọng thực hiện phương châm mở trong công tác quy hoạch cán bộ nữ. Trong bổ nhiệm cán bộ nữ, bên cạnh tiêu chuẩn vị trí chức danh cán bộ cần chú ý có cơ cấu hợp lý cán bộ người dân tộc ở những chức danh chủ chốt, những cơ quan, địa bàn có tính chất đặc thù.
Lò Thị Thu Thủy
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam