Công tác cán bộ nữ - từ chỉ đạo đến thực hiện
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với 9 tập thể nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2015.

Trong chỉ đạo, sự thống nhất quan điểm từ Trung ương đến các ban, ngành, địa phương về định hướng mục tiêu bảo đảm cơ cấu nữ đã mang lại cơ hội cho một bộ phận cán bộ nữ tham gia vào bộ máy lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị (HTCT). Trên cơ sở tiêu chuẩn cán bộ, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và các cấp ủy địa phương, ngành luôn dành cho nữ một tỷ lệ nhất định theo tinh thần "không dưới", "nhất thiết có". Nghị quyết 11-NQ/TƯ đặt ra chỉ tiêu, nhiệm vụ: "Cần bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia các khóa đào tạo tại các trường lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước từ 30% trở lên", "Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới". Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, số 22-HD/BTCTW ngày 21-10-2008 về công tác quy hoạch cán bộ xác định cơ cấu nữ trong cấp ủy viên tỉnh, thành khoảng 10-15%. Hướng dẫn 15-HD/BTCTW ngày 5-11-2012 thay thế Hướng dẫn 22 xác định rõ hơn: "Bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ không dưới 15% trong quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và ban lãnh đạo chính quyền các cấp". Tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XII, Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị về công tác nhân sự yêu cầu: "Phấn đấu đạt tỉ lệ cấp ủy viên nữ không dưới 15% và cần có cán bộ nữ trong ban thường vụ cấp ủy".

Sự chỉ đạo về tỷ lệ cán bộ nữ trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của HTCT trên thực tế có tính hợp lý và thu được kết quả nhất định. Chỉ đạo đó đã đặt các cấp ủy đảng vào nhiệm vụ tiên quyết là phải xây dựng, tạo nguồn, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực nữ có chất lượng từ sớm. Về tư tưởng, hạn chế được thái độ cực đoan bởi tâm lý "trọng nam, khinh nữ" - công việc lãnh đạo chỉ dành cho nam giới. Về thực tiễn, từng tổ chức và cá nhân tham gia vào quy trình công tác cán bộ phải nêu cao tinh thần khách quan, dân chủ và khoa học trong đánh giá cán bộ nữ, gắn vai trò của nữ trong sự phát triển chung của đơn vị, địa phương mà bố trí, sử dụng.

Trong tổ chức thực hiện, ngoài bảo vệ quyền bình đẳng giới, các chính sách ưu tiên được vận dụng, góp phần động viên, tạo điều kiện cho cán bộ nữ phấn đấu, trưởng thành. Đa phần các địa phương khi bố trí, phân công nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ nữ được ưu tiên ở những vị trí tương đối phù hợp với sở trường, sức khỏe. Khi đào tạo chuẩn hóa chức danh quy hoạch, cán bộ nữ (nhất là những người đang nuôi con nhỏ) được đề đạt nguyện vọng, chủ động lựa chọn thời điểm đi đào tạo, được hỗ trợ thêm kinh phí (thường là 30%) so với chế độ chung. Trong công tác nhân sự, vai trò của hội liên hiệp phụ nữ, ban nữ công công đoàn được phát huy, được đề xuất, giới thiệu những nữ cán bộ phong trào đáp ứng tiêu chuẩn tham gia bộ máy lãnh đạo Đảng, chính quyền.

Quyết liệt chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đã có những địa phương đạt và vượt chỉ tiêu yêu cầu về cơ cấu cán bộ nữ. Kết quả bầu cử cấp ủy viên cơ sở nhiệm kỳ 2015-2020 cho thấy sự thành công trong công tác cán bộ nữ của toàn Đảng ở cấp cơ sở, với 19,07% nữ, tăng so với nhiệm kỳ trước (18,1%) và vượt xa mức yêu cầu của Trung ương (15%), điển hình là TP. Hồ Chí Minh 30,27%, Trà Vinh 28,52%, Bình Dương 27,10%, Thái Nguyên 24,86%, Lạng Sơn 23,53%, Đà Nẵng 23,69%... Ở cấp trên trực tiếp cơ sở, tuy tỷ lệ cấp ủy viên nữ chỉ đạt 14,3% nhưng cũng đã tăng so với nhiệm kỳ trước 0,3%, và đã có 25 đảng bộ tỉnh, thành đạt vượt mức trung bình chung 15%, trong đó vượt xa là TP. Hồ Chí Minh 25%, Bình Dương 24%, Lạng Sơn 21%, Bắc Cạn 19,8%, Tuyên Quang 19%… Quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) là một điển hình, khi nhiệm kỳ 2005-2010 chỉ có 3% quận ủy viên là nữ, đến nay đã vươn lên 22,9%.

Bên cạnh những con số trên, nhiều nơi, trên một số lĩnh vực, việc thực hiện quan điểm chỉ đạo của Trung ương về công tác cán bộ nữ vẫn còn hạn chế. "Khoảng cách giới và bất bình đẳng giới vẫn tồn tại và phần lớn nghiêng về phía phụ nữ (...). Kết quả thực hiện các chỉ tiêu phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo theo Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị không đạt kết hoạch và có xu hướng giảm"[1].

Nếu như chênh lệch giới tính trong sinh viên các trường cao đẳng, đại học là không đáng kể (49,7% nữ và 50,03 % nam, chênh lệch 0,6%), thì sau khi ra trường, cơ hội kiếm việc làm của nữ giảm. Năm 2012, lao động nam chiếm 51,3%, lao động nữ chiếm 48,7%, chênh lệch 2,6%. Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ đảng viên (năm 2012) là 32% nữ, 68% nam, chênh lệch 36%. Bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, có 31% ứng viên nữ so với 69% ứng viên nam, chênh lệch 38%. Kết quả bầu cử càng tạo nên chênh lệch lớn hơn khi ở địa phương chỉ 26% nữ nắm giữ các vị trí trong HĐND, chênh lệch so với nam 48%; trong đó chỉ 3% là nữ chủ tịch HĐND, chênh lệch 94%. Ở cấp Trung ương, hiện chỉ có 24,4% nữ so với 75,6% nam là đại biểu Quốc hội, chênh lệch 51,2%; 9% nữ so với 91% nam là ủy viên Trung ương Đảng, chênh lệch 82%... Bầu cử trong đại hội đảng cấp trên trực tiếp cơ sở vừa qua, toàn Đảng không đạt đến mục tiêu "không dưới 15%" cấp ủy viên nữ. Ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, với 210 đảng bộ được thống kê (95,9%), thì chỉ có 3 đảng bộ vượt mức, nhưng không cao (Kon Tum 17,06%; Đà Nẵng và Gia Lai 15,73%). Trong số 10,7% ủy viên ban thường vụ là nữ, thì chỉ có 10 nữ bí thư (5,1%, chênh lệch so với nam 89,8%), 17 nữ phó bí thư (0,49%, chênh lệch so với nam 90,2%).

Đã có rất nhiều đánh giá khoa học về nguyên nhân hạn chế của quá trình thực hiện bình đẳng giới trong công tác cán bộ nữ. Ban Bí thư Trung ương Đảng xác định: "Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, chưa dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức cho công tác này. Sự phối hợp giữa các ngành trong việc triển khai thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ còn nhiều hạn chế"[2].

Về phía xã hội, các nguyên nhân được chỉ ra gồm: tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" tồn tại sâu đậm trong cộng đồng, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, cả nam và nữ. Dưới góc độ công tác tổ chức - cán bộ, đó là sự nhận thức và quyết tâm chưa cao của các cấp ủy đảng, dẫn đến quan điểm chỉ đạo tuy nhất quán nhưng tổ chức thực hiện thì hình thức, không có chế tài gắn trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy với mục tiêu bình đẳng giới trong công tác cán bộ.

Để mục tiêu bình đẳng giới trong công tác cán bộ nữ sớm có kết quả, xin được trao đổi và đề xuất một số vấn đề:

Một là, tiếp tục tổ chức các đợt sinh hoạt sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của xã hội và HTCT, của toàn Đảng và nội bộ các cơ quan lãnh đạo của Đảng về bình đẳng giới và vấn đề bình đẳng giới trong công tác cán bộ nữ. Nghiêm túc đánh giá, trên cơ sở các nghiên cứu khoa học để chỉ ra đúng nguyên nhân cơ bản, đặc thù của mỗi địa phương, cấp, ngành, đơn vị dẫn đến sự không thành công trong mục tiêu bình đẳng giới.

Hai là, "thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm". Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 11-NQ/TƯ đề ra, song chưa được làm rõ, chưa được luật hóa. Trái lại, chính các điều luật của Nhà nước quy định tuổi nghỉ hưu của phụ nữ thấp hơn nam giới 5 tuổi đã kéo toàn bộ "trần" tuổi quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm của nữ dừng ở tuổi 50. Hiện Trung ương đã quy định cho phép kéo dài tuổi công tác (đồng nghĩa với việc tiếp tục được giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý) đối với một nhóm đối tượng là các nữ thứ trưởng và tương đương trở lên và nữ tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư trực tiếp giảng dạy lại các cơ sở giáo dục đại học (mà không được giữ chức vụ). Vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu. Và xa hơn, cần có những luận chứng đủ sức thuyết phục để có thể điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của nữ tương tự với nam trong những ngành nghề mà phụ nữ không nhất thiết phải nghỉ trước nam giới như hiện nay.

Ba là, đẩy mạnh tạo nguồn cán bộ nữ sớm và bảo đảm chất lượng thực sự. Các cấp ủy, tổ chức đảng sớm có chiến lược tạo nguồn cán bộ nữ. Mỗi cấp ủy viên có trách nhiệm phát hiện, đánh giá, giới thiệu nguồn cán bộ nữ để đưa vào quy hoạch, bảo đảm tỷ lệ nguồn nữ trong quy hoạch tương ứng với tỷ lệ nhân lực và tỷ lệ đảng viên trong đơn vị. Mọi kế hoạch thực hiện quy hoạch như đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí sử dụng, thử thách cán bộ cũng phải tuân thủ cơ cấu, tỷ lệ trên. Đồng thời có chính sách chăm lo, ưu tiên để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cán bộ nữ trong quá trình phấn đấu.

Bốn là, nâng cao vị thế và trách nhiệm của hội liên hiệp phụ nữ, ban nữ công công đoàn các cấp trong việc xây dựng và bảo vệ quyền lợi cho giới nữ. Các cấp ủy đảng xây dựng quy chế nhất thiết phải lấy ý kiến của hội liên hiệp phụ nữ hoặc ban nữ công công đoàn trong quá trình thực hiện từng khâu của công tác cán bộ liên quan đến nữ. Đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức này đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, để tiếng nói của họ có trọng lượng, để việc chăm lo, giáo dục, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ có hiệu quả.



[1] Thông báo số 196-TB/TW ngày 16-3-2015 Kết luận của Ban Bí thư về Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới”

[2] Thông báo số 196-TB/TW ngày 16-3-2015 (tài liệu đã dẫn).

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất