Tỉnh Sóc Trăng có 109 xã, phường, thị trấn; đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã của tỉnh phần lớn trưởng thành sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Hầu hết đội ngũ cán bộ cấp xã có phẩm chất chính trị tốt, đạo đức, lối sống trung thực, lành mạnh. Các đồng chí đã qua rèn luyện trong hoạt động thực tiễn, có năng lực, kinh nghiệm lãnh đạo, góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Số lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã trong toàn tỉnh hiện có 1.181 đồng chí. Về trình độ: Tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên có 1.135 đồng chí (96,10%), có 805 đồng chí đạt trình độ từ trung cấp chuyên môn trở lên, trong đó cao đẳng, đại học, sau đại học chiếm 35,14%; 1.037 đồng chí đạt trình độ từ trung cấp lý luận chính trị trở lên (87,81%). Độ tuổi của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã ở tỉnh Sóc Trăng dưới 30 có 105 đồng chí, từ 31 đến 45 có 502 đồng chí, từ 46 đến 60 có 563 đồng chí, trên 60 có 11 đồng chí. So với nhiệm kỳ 2005-2010 số lượng cán bộ nữ trong đội ngũ cán bộ chủ chốt tăng khá nhanh: từ 87 đồng chí lên 208 đồng chí. Cơ cấu giới tính của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã có chuyển biến tích cực, số lượng cán bộ nữ chiếm trên 17,61%. Cơ cấu này bước đầu bảo đảm sự lãnh đạo của cấp uỷ trên địa bàn, nơi có đông nữ cán bộ, công chức và nhân dân.
Sóc Trăng là tỉnh có đông bồng bào dân tộc Khmer và người Hoa sinh sống. Trong 1.181 cán bộ chủ chốt cấp xã có 112 dân tộc Khmer, chiếm 9,48%; dân tộc Hoa có 33, chiếm 2,79%; dân tộc kinh có 1.036 đồng chí, chiếm 87,72%. Người dân tộc Khmer giữ vụ chủ chốt cấp xã còn rất ít, chỉ có 9,48% nên chưa phát huy tốt vai trò của đồng bào Khmer trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của các tổ chức đảng và cấp uỷ có thẩm quyền, hầu hết đội ngũ cán bộ cấp xã có phẩm chất chính trị tốt, đạo đức, lối sống trung thực, lành mạnh. Các đồng chí đã qua rèn luyện trong hoạt động thực tiễn, có năng lực, kinh nghiệm lãnh đạo, góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tuy đã có nhiều cố gắng trong nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, nhưng đến nay vẫn còn nhiều chức danh chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trong đó, chưa đạt học vấn THPT còn 32 đồng chí (2,71%), có 360 đồng chí (30,48%) chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ và 40 đồng chí (3,39%) chưa có trình độ lý luận chính trị. Một số cán bộ còn tự ti, chưa chịu khó tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu vươn lên; tác phong công tác, nền nếp làm việc chuyển biến chậm, chưa tạo được bước đột phá rõ rệt. Năng lực lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tuy có tiến bộ, song ở một số xã đội ngũ cán bộ chủ chốt vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc nhiều nơi chưa được trang bị đầy đủ và thiếu đồng bộ.
Nguyên nhân là do cán bộ cơ sở được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, chưa được đào tạo cơ bản. Công tác quy hoạch, tạo nguồn chưa được quan tâm đúng mức. Đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ chưa đồng đều và chưa đáp ứng yêu cầu chuyên sâu về chuyên môn, nhu cầu sử dụng của từng chức danh. Chính sách đãi ngộ của Nhà nước đối với cán bộ cơ sở còn bất hợp lý.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, các cấp ủy tỉnh Sóc Trăng xác định tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp:
Một là, các cấp uỷ, trực tiếp là cấp uỷ huyện, thị, thành phố và các cơ quan chức năng cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm đầy đủ yêu cầu, nội dung của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã.
Hai là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trên địa bàn tỉnh trong việc nâng cao chất lượng cán bộ.
Ba là, hoàn thiện cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã ở tỉnh Sóc Trăng hiện nay. Cần những quy định cụ thể về nhiều mặt nhằm ưu đãi với đội ngũ cán bộ chủ chốt đúng với các quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Bốn là, phát huy tính tích cực, chủ động của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã ở tỉnh Sóc Trăng trong tự bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực. Cán bộ chủ chốt cấp xã tích cực, chủ động rèn luyện, học tập nâng cao trình độ, năng lực và bản lĩnh chính trị qua thực tiễn công tác. Thực hiện nghiêm túc Quy định số 54-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng; Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Đặng Thanh Hải
Phòng Quản lý đô thị, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng