Đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) là một nội dung rất quan trọng trong công tác cán bộ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Những năm qua công tác ĐTBD cán bộ, công chức (CBCC) ở tỉnh Bắc Giang đã được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và cấp uỷ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đặc biệt quan tâm, nên đã đạt được kết quả tích cực: Nhận thức, trách nhiệm của CBCC đối với việc học tập đã có sự chuyển biến về chất.
Theo số liệu thống kê, 18 năm qua, kể từ khi tái lập tỉnh Bắc Giang đến nay, Trường Chính trị tỉnh đã mở 237 lớp đào tạo lý luận chính trị (LLCT) với 21.819 học viên, gồm 18 lớp cao cấp, cử nhân với 1.726 học viên; 219 lớp trung cấp 20.093 học viên. Ngoài ra, Trường còn mở nhiều lớp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ khác. Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã cử gần 800 cán bộ đi học các lớp cử nhân, cao cấp, thạc sĩ, tiến sĩ LLCT tập trung, không tập trung tại Hà Nội; trên 45.000 lượt cán bộ đã được bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác đảng, đoàn thể, quản lý nhà nước ở tỉnh và cấp huyện. Hàng chục nghìn CBCC được đào tạo để có bằng chuyên môn trung cấp, cao đẳng, đại học, trên đại học; được học tập để có trình độ ngoại ngữ, tin học từ chứng chỉ A, B trở lên… Nhờ đó, mặt bằng trình độ kiến thức của đội ngũ CBCC trong tỉnh đã tăng lên nhanh chóng. Đến nay, đã có nhiều cán bộ đáp ứng đủ tiêu chuẩn có thể dự nguồn vào cấp ủy và quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành trong tỉnh.
Tuy nhiên công tác ĐTBD cho CBCC của tỉnh vẫn còn bộc lộ một số khuyết điểm như: Việc lập và tổ chức thực hiện kế hoạch ĐTBD ở một số đơn vị, địa phương chưa tốt; tình trạng đào tạo tràn lan, chạy theo bằng cấp, không gắn với quy hoạch cán bộ vẫn còn. Chất lượng, hiệu quả ĐTBD có mặt chưa cao; trình độ, năng lực thực tế của nhiều cán bộ chưa tương xứng với bằng cấp đào tạo; cơ cấu ngành nghề ĐTBD chưa hợp lý. Việc theo dõi, quản lý, kiểm tra còn có mặt buông lỏng. Chất lượng của đội ngũ giảng viên chưa cao. Cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị ở các cơ sở ĐTBD của tỉnh, nhìn chung vẫn còn yếu kém. Hiện vẫn còn một số CBCC của tỉnh, huyện, nhất là ở cấp xã chưa đạt chuẩn theo quy định... Vì vậy, những năm tới tỉnh cần phải tăng cường hơn nữa công tác ĐTBD cho CBCC, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.
Từ thực tiễn công tác ĐTBD cho CBCC ở Bắc Giang những năm qua có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, phải làm tốt việc quán triệt để mọi người có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về công tác ĐTBD, đó là trang bị cho đội ngũ CBCC những kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, phương pháp làm việc, kinh nghiệm điều hành và thực thi công vụ hiệu quả. Bản thân mỗi cán bộ phải xác định việc học tập vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của mình; tránh tình trạng nặng về bằng cấp, nhẹ về kiến thức, học chỉ để chuẩn hoá mà không thiết thực phục vụ cho công việc đang làm. Cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để CBCC tự học tập và tự lựa chọn chương trình, thời gian tham gia các khóa ĐTBD phù hợp với hoàn cảnh và vị trí công tác được giao.
Hai là, các cấp ủy, tập thể lãnh đạo có thẩm quyền phải làm tốt công tác quy hoạch, dự kiến chính xác, cụ thể nhu cầu ĐTBD cán bộ theo từng thời gian, trên cơ sở đó có kế hoạch ĐTBD CBCC cho phù hợp. Tập trung đào tạo trung cấp, cao cấp lý luận chính trị; đại học, sau đại học về quản lý kinh tế, quản lý hành chính công, luật và một số lĩnh vực cần thiết khác; bồi dưỡng cập nhật thông tin, kiến thức mới về chuyên môn, nghiệp vụ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng. "Đưa vào nền nếp việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên” theo Quy định số 164-QĐ/TW ngày 1-2-2013 của Bộ Chính trị, góp phần đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Việc cử CBCC đi học phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và tiêu chuẩn chức danh quy hoạch, vị trí việc làm. Mặt khác, phải có phương án bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý sau khi được ĐTBD cơ bản, đặc biệt là những người tốt nghiệp loại xuất sắc, loại giỏi, có công trình nghiên cứu giá trị tại các trường. Kiên quyết không bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đề bạt, giới thiệu cán bộ ứng cử khi chưa có đủ tiêu chuẩn chức danh theo quy định.
Ba là, phải chú trọng kiện toàn và không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ở các cơ sở ĐTBD; quan tâm đào tạo lại, đào tạo nâng cao, tăng cường công tác thông tin, bồi dưỡng kiến thức cho giảng viên, tạo điều kiện để giảng viên tự học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở; phân công, bố trí theo đúng năng lực chuyên môn, sở trường của từng người, có chính sách khen thưởng những giảng viên dạy giỏi, kiên quyết cho thôi giảng đối với những giảng viên không đủ năng lực, trình độ, vi phạm quy chế, quy định đã đề ra. Đồng thời, phát hiện và tuyển chọn mới những cán bộ có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, được đào tạo cơ bản ở các trường Trung ương để bổ sung cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị của tỉnh.
Bốn là, tích cực nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy; cần nắm vững các quan điểm, đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ kinh tế, chính trị của địa phương trong từng thời kỳ để xây dựng hoặc điều chỉnh, bổ sung chương trình giảng dạy cho phù hợp với từng đối tượng học viên. Tăng cường giảng dạy những kiến thức về lịch sử Đảng bộ, lịch sử các dân tộc, điều kiện tự nhiên, xã hội, những tiềm năng, thế mạnh của địa phương; giá trị văn hoá truyền thống, những thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh; kinh nghiệm, bài học trong lãnh đạo, quản lý và xử lý các tình huống cụ thể… giúp cho học viên sau khi học không bị lúng túng trong giải quyết công việc, khắc phục được những sai sót. Tiếp tục đổi mới phương thức ĐTBD, theo phương châm thiết thực, hiệu quả; CBCC thiếu, yếu, cần mặt nào, ĐTBD về mặt đó, có trọng tâm, trọng điểm, theo quy hoạch cán bộ, gắn với mục đích sử dụng cán bộ, vừa tích cực ĐTBD nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ hiện có, vừa phải coi trọng đào tạo cán bộ nguồn cho những năm sau.
Trước mắt, cần chú ý đến ĐTBD theo chức danh, theo trình độ học vấn của cán bộ; thực hiện lồng ghép nội dung, chương trình một số lớp để tránh sự trùng lặp, lãng phí. Cán bộ cơ sở thường hay thay đổi vị trí công tác, do vậy cần nghiên cứu mở những khoá đào tạo đa ngành, thời gian học có thể dài hơn nhưng có thuận lợi là cán bộ không phải học trùng chương trình, không phải gọi đi học nhiều lần, khi kết thúc khoá học, học viên có hiểu biết rộng, đáp ứng yêu cầu của một số chức danh.
Năm là, các cơ quan chức năng ở tỉnh và cấp huyện phải có sự phối hợp chặt chẽ để xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch ĐTBD, trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tránh sự chồng chéo, “lạm quyền, lấn sân” giữa cơ quan quản lý và cơ sở ĐTBD. Mặt khác, phải quan tâm đầu tư ngân sách để xây dựng, cải tạo nâng cấp các phòng học, tăng cường trang thiết bị nhằm đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu giảng dạy, học tập của giảng viên và học viên ở các cơ sở ĐTBD. Huy động mạnh mẽ các nguồn kinh phí như: ngân sách địa phương; nguồn đóng góp của các cơ quan, đơn vị; cá nhân, nguồn kinh phí từ các dự án, đề án, để ĐTBD cho CBCC của tỉnh cả ở trong nước và nước ngoài. Có chính sách hợp lý hỗ trợ kinh phí đối với CBCC được cử đi học, chính sách ưu đãi trong đào tạo, thu hút nhân tài của tỉnh.
TS. Thân Minh Quế
TUV, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang