Từ kết quảTuyên Quang hiện có 20.163 cán bộ, công chức, viên chức. Về trình độ chuyên môn, đại học trở lên 10.438 người, chiếm 51,77% (tăng 65,97% so với năm 2009), trong đó trên đại học là 987 người, chiếm 4,89%; cao đẳng, trung cấp 9.440 người, chiếm 46,82%. Về trình độ lý luận chính trị, cao cấp, cử nhân 919/12.626 đồng chí, chiếm 7,28%; trung cấp 4.880/12.626 đồng chí, chiếm 38,65%. Về cơ cấu cán bộ trẻ (từ 40 tuổi trở xuống) 10.934 người, chiếm 54,23%; cán bộ nữ 12.413 người, chiếm 61,56%; cán bộ người dân tộc thiểu số 7.843 người, chiếm 38,90%. Cán bộ, công chức cấp xã của Tuyên Quang được tăng cường và từng bước nâng cao chất lượng. Số có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên 2.887/2938 người, chiếm 98,26% (tăng 25,68% so với năm 2009). Trong đó, trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học 1.799 người, chiếm 61,23% (tăng 34,53%); trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên 1.827 đồng chí, chiếm 62,18% (tăng 50,37%).
Tính từ 2009 đến nay, đội ngũ cán bộ của Tuyên Quang từ tỉnh đến cơ sở có chuyển biến tích cực về chất lượng, trình độ lý luận chính trị và chuyên môn, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số được nâng lên cơ cấu tương đối phù hợp với cơ cấu kinh tế và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hầu hết cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần xây dựng và đoàn kết, tâm huyết với công việc, giữ gìn được phẩm chất đạo đức cách mạng, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của Tuyên Quang, đưa tỉnh thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Công tác cán bộ luôn được tỉnh làm bài bản, nghiêm túc, khoa học, đồng bộ, dân chủ, khách quan, có cân nhắc yếu tố địa phương để điều chỉnh linh hoạt, phù hợp. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về công tác cán bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng, phát huy nhân tài, nhiều năm qua Tuyên Quang đã có những thành công nhất định. Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã có quan điểm, chủ trương, chính sách về thu hút, tạo nguồn cán bộ để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những khâu đột phá nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh , “sớm đưa Tuyên Quang thoát khỏi tình trạng kém phát triển”, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc. Phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng phát triển nhân tài, lấy giáo dục phổ thông, đào tạo nghề làm nền tảng, đào tạo lao động chất lượng cao làm khâu đột phá, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuyên Quang đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện như Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 13-5-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; Kế hoạch số 124 ngày 12-7-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy bồi dưỡng cán bộ dự nguồn lãnh đạo, quản lý của tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025.Để thu hút người có trình độ cao, các chuyên gia, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, các nhà khoa học trẻ về tỉnh công tác và khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành các nghị quyết về cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ của tỉnh. UBND tỉnh cũng đã ban hành các quyết định để thực hiện các nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh như: Quyết định số 34/2007/QĐ-UBND ngày 22-10-2007 về hỗ trợ thu hút cán bộ khoa học - công nghệ về tỉnh công tác và cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ; Nghị quyết số 08/20107/NQ-HĐND ngày 17-7-2007 về cơ chế hỗ trợ thu hút cán bộ khoa học – công nghệ về tỉnh công tác và cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ; Nghị quyết số 47/2011/NQ-HĐND về chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao và hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ; Nghị quyết số 34/NQ-HĐND ngày 12-3-2013 về cơ chế chính cách thu hút giảng viên có trình độ cao và khuyến khích sinh viên cho trường Đại học Tân Trào; Nghị quyết số 09/2016/NQ-HĐND ngày 6-12-2016 ban hành quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực có tình độ cao; chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ sau đại học giai đoạn 2017-2021… Kết quả, từ năm 2009 đến nay, Tuyên Quang đã đào tạo nâng cao trình độ đối với cán bộ, công chức, về chuyên môn, trên đại học 572 người (tiến sỹ 22 người, đại học 667 người; về lý luận chính trị, trình độ cao cấp 906 người, trung cấp 4.775 người, bồi dưỡng quản lý nhà nước, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, Quốc phòng – an ninh… cho 9.780 lượt cán bộ, công chức. Thu hút người có trình độ thuộc danh mục ngành, nghề, lĩnh vực, tỉnh đã thu hút được 122 người về công tác tại các cơ quan, đơn vị của tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ, thu hút trên 2,6 tỷ đồng (y tế 79 người, giáo dục 5 người, luật 12 người, ngành khác 26 người; trong đó, tiến sỹ 2, thạc sỹ 4, đại học 116). Tuyên Quang cũng đã cử 425 cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo trình độ sau đại học với tổng kinh phí hỗ trợ lên tới trên 12,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, số lượng trí thức của Tuyên Quang tăng chậm, nhất là trí thức có trình độ học vấn cao. Còn thiếu trí thức ở các ngành, lĩnh vực trọng điểm như y tế, công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, xây dựng, khoa học công nghệ… Khả năng sáng tạo, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn của một số trí thức còn hạn chế; số lượng các đề tài khoa học được áp dụng vào thực tiễn còn ít, chất lượng chưa cao. Việc tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế - xã hội của đội ngũ trí thức chưa đáp ứng được yêu cầu của tỉnh.Về tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở Tuyên Quang, thông qua quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị các cấp, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, từ đó lựa chọn những cán bộ có phẩm chất, năng lực, có triển vọng phát triển để quy hoạch, luân chuyển, đào tạo cán bộ cả về lý luận và thực tiễn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Đề án số 04-ĐA/TU ngày 10-7-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa cán bộ trẻ có trình độ, năng lực, triển vọng phát triển đang công tác ở các cơ quan cấp tỉnh về xã công tác giai đoạn 2017-2020. Đề án đưa cán bộ trẻ có trình độ, năng lực, triển vọng phát triển đang công tác ở các cơ quan cấp tỉnh về xã công tác, đây là quyết tâm lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ngành có liên quan, nhằm thực hiện những bước đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đề án giải quyết được hai mục tiêu lớn là rèn luyện kỹ năng thực tiễn cho cán bộ, tạo nguồn cán bộ cho các cơ quan, đơn vị và tăng cường sự lãnh đạo và tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền cơ sở triển khai nghị quyết đại hội Đảng các cấp, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, quốc phòng – an ninh. Sau thời gian biệt phái, cán bộ được trưởng thành qua thử thách, từng bước khẳng định năng lực, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Để nâng cao kiến thức mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, của thời kỳ hội nhập sâu rộng và phát triển đất nước đến năm 2030, nhất là trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã xây dựng kế hoạch và mở hai lớp bồi dưỡng cập nhật thông tin, kiến thức mới về lý luận thực tiễn và một số kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chính trị, tư tưởng, tầm nhìn và tư duy chiến lược cho 90 cán bộ trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý của tỉnh; nhiệm kỳ 2020-2025, đối tượng là các đồng chí trong quy hoạch Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí trong quy hoạch phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND tỉnh; bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện; bí thư đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các đồng chí là cán bộ trẻ dưới 40 tuổi trong quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Đến kinh nghiệmVới những kế hoạch bài bản, kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Tuyên Quang có nhiều khởi sắc. Những việc làm cụ thể, những cách làm mới của Tuyên Quang trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã giúp tỉnh trở thành một trong nhiều tỉnh của cả nước làm tốt công tác cán bộ. Những kinh nghiệm sau của Tuyên Quang có thể giúp ích cho nhiều địa phương khác trong cả nước.
1. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị phải luôn có sự thống nhất nhận thức sâu sắc, đổi mới quan điểm, tư duy về tầm quan trọng của công tác cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phải đặt vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành mục tiêu, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng có tính chiến lược trong toàn bộ công tác cán bộ.
2. Đề cao vai trò của người đứng đầu trong thực hiện công tác cán bộ, có tác dụng quyết định mọi thành bại trong quá trình hoạt động, phát triển của cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu phải dành thời gian, công sức chăm lo xây dựng tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, thực hiện tốt công tác quản lý cán bộ, đảng viên nơi công tác và nơi cư trú, kịp thời phát hiện nhân tố tích cực để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt; kiên quyết thay thế những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, năng lực yếu, không hoàn thành nhiệm vụ được giao; xử lý nghiêm minh những cán bộ sai phạm nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển cơ quan, đơn vị, địa phương.
3. Cấp ủy đảng, chính quyền phải quy định trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị về công tác cán bộ, nhiệm vụ phát triển đội ngũ cán bộ, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số của ngành mình, cấp mình và xem đó là một tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý.
4. Coi trọng và làm tốt tất cả các khâu trong công tác cán bộ phải tạo sự liên thông gắn kết chặt chẽ các khâu trong công tác cán bộ như công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đánh giá cán bộ, thực hiện chính sách cán bộ và xử lý tốt các mối quan hệ trong các khâu của công tác cán bộ như mối quan hệ đức và tài, tiêu chuẩn và cơ cấu, năng lực và bằng cấp, quyền hạn và trách nhiệm để phù hợp yêu cầu của cán bộ; có quan điểm và phương pháp đánh giá, sử dụng cán bộ khách quan, khoa học, công tâm. Trên cơ sở quy hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tạo điều kiện để cán bộ cống hiến và trưởng thành; đặt ra mục tiêu phấn đấu tăng tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số trong cấp ủy các cấp, cơ quan nhà nước, trong lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội, giáo dục, khoa học kỹ thuật… đồng thời mạnh dạn giao nhiệm vụ cho cán bộ trẻ để rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ trong thực tiễn.
5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp trên về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Thường xuyên kiểm tra các cơ quan, chi bộ, đảng bộ cơ sở về cán bộ và công tác cán bộ để kịp thời nêu gương cán bộ tốt, giúp đỡ cán bộ gặp khó khăn, ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc. cơ hội, thoái hóa, biến chất; phát hiện và uốn nắn nhưng cơ quan, chi bộ, đảng bộ còn thiếu sót trong công tác cán bộ.