Đánh giá cán bộ hiện đang được coi là một khâu khó trong công tác cán bộ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: Không nhận rõ môi trường, điều kiện công tác, biểu hiện nể nang, né tránh, hoặc phân loại cán bộ thiếu công tâm, công khai, minh bạch; tham mưu, bố trí, sử dụng cán bộ không đúng với năng lực, với sự tín nhiệm của nhân dân... Bên cạnh đó, căn cứ để đánh giá kết quả, hiệu quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao so với đóng góp thực tế của cán bộ còn thiếu chặt chẽ, chưa khoa học; tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ còn chung chung… Thế nhưng, Vĩnh Long, một tỉnh miền Tây đã có cách làm để cụ thể những tiêu chí này trong đánh giá cán bộ, bước đầu đem lại kết quả khả quan trong công tác đánh giá cán bộ của tỉnh.
Nhằm cụ thể hóa tiêu chí đánh giá kết quả, hiệu quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ và sự đóng góp thực tế của cán bộ lãnh đạo, quản lý, thực hiện Quy định 89-QĐ/TW, ngày 4-8-2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã cụ thể hóa thành Quy định 549-QĐ/TU ngày 18-12-2017 về tiêu chí đánh giá cán bộ kèm theo bảng chấm điểm từng tiêu chí cụ thể thành thang điểm.
Theo Quy định 549-QĐ/TU, công tác đánh giá được tiến hành chặt chẽ qua 3 bước: Bước 1: Cá nhân tự nhận xét, đánh giá, chấm điểm và nhận mức xếp loại (theo mẫu); lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp ủy cơ sở nơi công tác và nơi cư trú; lấy ý kiến, đánh giá của cấp dưới trực tiếp. Bước 2: Cấp trên trực tiếp nhận xét, đánh giá, chấm điểm hoặc tập thể lãnh đạo đồng cấp nhận xét, đánh giá, chấm điểm cho từng đồng chí (theo mẫu). Bước 3: Xem xét, quyết định đánh giá và xếp loại cán bộ: Do Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét quyết định.
Đồng thời, Quy định 549 hướng dẫn chấm điểm cho từng tiêu chí đánh giá cán bộ theo thang điểm chuẩn để triển khai thực hiện cho các đối tượng cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long quản lý nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác nhận xét, đánh giá cán bộ thời gian qua còn vướng, khó. Mặt khác, Quy định 549 trực tiếp hướng dẫn cụ thể và định hướng cho ban tổ chức cấp ủy trực thuộc tham mưu cấp ủy xây dựng quy định, hướng dẫn thực hiện đối với các đối tượng cán bộ ban thường vụ huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đánh giá cán bộ, bảo đảm đúng quy định, có hiệu quả.
Việc đề ra khung tiêu chí đánh giá cán bộ của Tỉnh ủy Vĩnh Long nhằm giải quyết tình trạng đánh giá không khách quan, không sát với thực tế cũng như tình trạng nể nang, né tránh trách nhiệm, ngại va chạm....trong đánh giá cán bộ. Ở, Vĩnh Long, việc đánh giá cán bộ theo các tiêu chí được thực hiện chặt chẽ, khoa học và chủ động, cũng không còn những bản đánh giá được lập vội vàng, đánh giá không sát với nhiệm vụ được giao; thể hiện bằng số điểm, thang điểm cụ thể.
Việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ ở Vĩnh Long bước đầu đã góp phần đánh giá đúng cán bộ, làm cơ sở cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bố trí để phát huy được tiềm năng đội ngũ cán bộ, để bản thân cán bộ có phương hướng đúng trong phấn đấu, rèn luyện; là cơ sở để thực hiện đúng chính sách cán bộ, biểu dương, tôn vinh những cán bộ hoàn thành xuất sắc trách nhiệm được giao, có đóng góp, có cống hiến cho đất nước, cho địa phương, đơn vị; đồng thời phê bình những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, không nêu gương, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Ngọc Thảo
Ban Tổ chức Trung ương